Những tỷ lệ tăng trưởng cao gần đây và lượng đầu tư nước ngoài vào châu Phi đã làm dấy lên ý tưởng rất phổ biến là lục địa này có thể đang đi trên đúng con đường trở thành trung tâm kinh tế toàn cầu tiếp theo. Câu chuyện “châu Phi đang nổi lên” đã xuất hiện nổi bật nhất trong các bài viết chuyên trang gần đây trên các tạp chí Time Magazine và The Economist. Nhưng cả hai ấn phẩm này đều đã nhầm trong các phân tích về triển vọng phát triển của châu Phi.

Cả hai bài báo đều sử dụng các chỉ số vô ích để đo sự phát triển của châu Phi. Họ đã nhìn vào các tỷ lệ tăng trưởng GDP cao, thu nhập bình quân đầu người tăng gần đây của châu lục này, cũng như sự gia tăng nhanh chóng của điện thoại di động và dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động... như các bằng chứng cho thấy châu Phi "đang phát triển".

Time quy chiếu tăng trưởng trong các lĩnh vực như du lịch, bán lẻ, và ngân hàng, và cũng dẫn ra những nước châu Phi mới phát hiện nhiều mỏ dầu và khí đốt. The Economist thì chỉ ra tăng trưởng ở số lượng tỷ phú châu Phi và sự gia tăng trong thương mại giữa châu Phi với phần còn lại của thế giới.

Nhưng các chỉ số này chỉ vẽ ra một bức tranh phiến diện về sự phát triển của châu Phi đang diễn ra như thế nào - ít nhất là theo khái niệm đã được hiểu trong vài thế kỷ qua. Từ Anh quốc thế kỷ 15 cho tới các Con hổ Đông Á nổi tiếng gần đây, phát triển nhìn chung được hiểu là đồng nghĩa với "công nghiệp hóa". Các nước giàu đã cho thấy từ rất lâu rằng nếu nền kinh tế không thoát ra khỏi các hoạt động luẩn quẩn chỉ thu hẹp hàng hóa trao đổi (như nông nghiệp thô sơ và các hoạt động khai thác như khai mỏ, đốn gỗ và đánh cá) sang các hoạt động làm gia tăng hàng hóa trao đổi (như sản xuất và dịch vụ), thì bạn không thể thực sự nói là họ đang phát triển.

Điều nổi bật về hai bài báo nói trên là chúng không nói tới sản xuất, hay sự vắng bóng của phân phối, tại châu Phi. Và vì vậy, điều đó một lần nữa cho thấy  ý tưởng "phát triển là công nghiệp hóa" đã hoàn toàn bị lãng quên trong vài thập kỷ qua.

Các nền kinh tế thị trường tự do đã khiến các nước nghèo bị mắc kẹt trong nông nghiệp thô sơ và các ngành công nghiệp khai khoáng, và "hội nhập" vào nền kinh tế toàn cầu theo cách này. Ngày nay, đối với nhiều nhà vô địch về thị trường tự do, sự hiện diện nhỏ nhất của tăng trưởng GDP và một sự gia tăng về tỷ trọng thương mại đã cho phép họ nói về sự phát triển kinh tế thành công. Nhưng tăng trưởng và thương mại gia tăng không phải là phát triển.

Ví dụ, ngay cả khi một nước châu Phi như Malawi đạt tăng trưởng GDP cao hơn và có tỷ trọng thương mại tăng, điều đó cũng không có nghĩa là tỷ lệ phần trăm của sản xuất và dịch vụ trong GDP đã tăng theo thời gian. Malawi có thể đã kiếm được nhiều hơn nhờ xuất khẩu chè, thuốc lá và cà phê trên thị trường quốc tế và tăng trưởng xuất khẩu, nhưng họ vẫn là một nền kinh tế nông nghiệp thô sơ với ít hoạt động hướng tới tăng sản xuất hay tạo việc làm cần nhiều nhân công - vốn cần thiết cho sự "nổi lên" của châu Phi.

Sự nhầm lẫn khi nói về công nghiệp hóa theo cách đó đã đưa ra những so sánh thiếu xác thực nhất về tăng trưởng tại châu Âu và Đông Á. Ví dụ, bài viết của Time cho rằng "trong vài thập kỷ tới, hàng trăm triệu người châu Phi sẽ thoát nghèo, giống như hàng trăm triệu người châu Á trong những thập kỷ qua", và nêu ra sự chia rẽ giữa giàu nghèo ở Trung Quốc và Ấn Độ như một lời cảnh báo rằng bất công cũng có thể trở thành một vấn đề khi tiến bộ ở châu Phi tiếp tục. Bài viết trên The Economist dẫn một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng "châu Phi có thể đang ở bên bờ của một nền kinh tế cất cánh, giống như Trung Quốc cách đây 30 năm", và ghi nhận rằng trong cả hai trường hợp, một lượng dân số đông gồm các công nhân trẻ đang sẵn sàng thúc đẩy tăng trưởng. Báo này cũng đụng chạm tới tầm quan trọng giáo dục: "Nếu không có nền giáo dục tốt hơn, châu Phi không thể hy vọng cạnh tranh với sự thần kỳ châu Á".

Tất nhiên, có một số chỉ số cho thấy một bức tranh chính xác hơn về việc châu Phi đang phát triển tốt (hay không) như thế nào. Chúng ta có thể nhìn vào tỷ trọng của sản xuất trong GDP có gia tăng hay không, hoặc giá trị thặng dư của sản xuất (MVA) trong xuất khẩu có tăng không. Trong các trường hợp này, việc so sánh giữa châu Phi và châu Á minh chứng khá rõ - như một báo cáo mới đây của LHQ cho thấy một bức tranh ít tâng bốc hơn về triển vọng phát triển của châu Phi.

Báo cáo cho biết, bất chấp một số thành quả tại một vài nước, đa số các nước châu Phi hoặc đang bị trì trệ hoặc đang mất phương hướng khi nói đến công nghiệp hóa. Tỷ lệ MVA trong GDP của châu Phi giảm từ 12,8% vào năm 2000 xuống còn 10,5% vào năm 2008, trong khi tại châu Á đang phát triển, con số này tăng từ 22% lên 35% cùng thời kỳ. Cũng có một sự suy giảm về tỷ lệ của sản xuất trong xuất khẩu của châu Phi, từ mức 43% vào năm 2000 xuống còn 39% vào năm 2008. Về tăng trưởng sản xuất, trong khi hầu hết đều trì trệ, 23 nước châu Phi chứng kiến con số tăng trưởng MVA tính trên đầu người ở mức âm trong thời gian từ 1990-2010, và chỉ 5 nước đạt mức trên 4%.

Báo cáo của LHQ cũng cho thấy châu Phi vẫn ở ngoài lề của quá trình trao đổi sản xuất toàn cầu. Tỷ lệ của họ trong MVA toàn cầu hiện giảm từ mức 1,2% vào năm 2000 xuống còn 1,1% năm 2008, trong khi con số này của châu Á tăng từ 13% lên 25% cùng thời gian. Về xuất khẩu, sự đóng góp của châu Phi vào xuất khẩu sản xuất toàn cầu chỉ tăng từ 1% năm 2000 lên mức 1,3% năm 2008. Châu Phi cũng mất nền tảng trong sản xuất sử dụng nhiều nhân công: tỷ lệ các hoạt động sản xuất dựa trên công nghệ thấp trong MVA của châu Phi giảm từ 23% năm 2000 xuống 20% năm 2008, và tỷ lệ hàng sản xuất xuất khẩu công nghệ thấp trong tổng hàng sản xuất xuất khẩu của châu Phi giảm từ 25% năm 2000 xuống còn 18% năm 2008. Cuối cùng, châu Phi vẫn phụ thuộc lớn vào việc sản xuất dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đây là chỉ số cho thấy cả sự đa dạng kinh tế ở mức thấp và độ tinh vi công nghệ trong sản xuất cũng ở mức thấp của họ. Tỷ lệ hàng sản xuất dựa trên tài nguyên trong hàng sản xuất xuất khẩu của châu Phi chỉ giảm nhẹ trong những năm gần đây, từ 52% vào năm 2000 xuống 49% năm 2008. Tại Đông Á và Thái Bình Dương, con số này giảm xuống mức rất thấp, chỉ còn 13% vào năm 2008.

Các con số thống kê và so sánh trên với Đông Á tất nhiên hoàn toàn lệch so với câu chuyện về "châu Phi đang nổi lên".

Châu Giang theo Foreign Policy

Còn tiếp