Tỉnh Quảng Ngãi hiện có đội tàu cá với hơn 5.600 chiếc. Riêng huyện đảo Lý Sơn có hơn 400 tàu, với khoảng 2.000 ngư dân thường xuyên đánh bắt ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài việc đem về nguồn lợi thủy sản, lực lượng lao động này còn góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh, biên giới biển đảo.

Mặc dù khai thác trên ngư trường truyền thống từ bao đời nay nhưng những ngư dân vẫn thường phải chịu sự xua đuổi của tàu nước ngoài thậm chí bị mất lưới, mất tàu, bị giam giữ người. Để ngư dân không còn cảnh đơn lẻ khi đánh bắt giữa trùng khơi, sự ra đời của những nghiệp đoàn nghề cá sát cánh cùng bà con giúp họ vững tin bám biểm mưu sinh khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.

{keywords}
Nghiệp đoàn nghề cá trở thành chỗ dựa vững chắc cho bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển

Hoàng Sa, Trường Sa là những ngư trường quen thuộc, ngư dân Lý Sơn với phần lớn các tàu đi khai thác đều có công suất nhỏ, nên mỗi khi gặp sự cố trên biển thường khó khắc phục. Ngư dân Ngô Quá, chủ tàu QNg 96137 chuyên khai thác trên ngư trường Hoàng Sa thường xuyên đối đầu với những tàu cá nước ngoài, hiểu hơn ai hết sự nguy hiểm khi phải đánh bắt xa bờ. Ông cho biết, hầu hết các tàu khai thác thường đi theo nhóm nhỏ không quá 3 tàu. Nếu 1 trong 3 tàu đó bị nạn thì 2 tàu kia còn “cứu” được, chẳng may 2 tàu bị nạn thì đành chịu.

Ngay khi biết huyện thành lập nghiệp đoàn nghề cá ông đã tình nguyện đăng kí. Đối với ngư dân Ngô Quá tham gia vào nghiệp đoàn đã mang lại cho ông nhiều lợi ích, giúp ông yên tâm hơn trong những chuyến đánh bắt xa bờ. “Có chuyện gì thì mình liên lạc qua com mình nói chuyện, cầu cứu, bị chết máy, hay bị tan nạn gì thì mình liên lạc với nhau, hoặc đưa gần đến chỗ họ để cứu người, ví dụ như đau bệnh hay chuyện ngặt nghèo, nên là nhờ đỡ nhiều, có chuyện gì cũng nhờ, có ngư dân mình đi làm trên biển tại vùng biển của mình thì tôi rất an tâm”, ông nói.

{keywords}
Ông Nguyễn Quốc Chinh- Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Hải (bìa phải) nắm bắt tình hình hoạt động của đoàn viên trong nghiệp đoàn sau một chuyến ra khơi. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Bảo vệ nhau trước thiên tai, nhân tai

Là ngư dân có kinh nghiệm hơn 20 năm đi biển, cuộc sống gắn liền với sóng nước biển khơi, ông Nguyễn Quốc Chinh đảm nhận vị trí Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải . Ông Chinh cho biết kể từ khi tham gia nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân Lý Sơn đã thấy được giá trị của việc tương trợ giúp đỡ nhau trên biển. Giờ đây ngư dân ra khơi không còn đơn lẻ, họ khai thác theo tổ nghiệp đoàn “có phước cùng hưởng có họa cùng chịu”, từ đó giúp cho ngư dân an tâm bám biển, có thêm thời gian khai thác tăng sản lượng, giảm chi phí cho những chuyến ra khơi.

Ban đầu, khi mới thành lập nghiệp đoàn chỉ có 428 ngư dân của 36 tàu cá xã An Hải tình nguyện tham gia, nhưng giờ đây đã lên đến hàng nghìn người. Cùng với đó là thành lập 20 tổ đoàn kết để bảo vệ cho nhau trước thiên tai, địch họa trên 2 ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

“Qua bao thế hệ, chúng tôi thường làm ăn riêng lẻ, chính vì làm ăn riêng lẻ nên gặp thiên tai hay nhân tai thì đa số ngư dân nằm lại tại ngư trường Hoàng Sa. Mong rằng ngư dân đoàn kết thành 1 khối thống nhất nên chúng tôi thống nhất ban hành quy chế đi vào hoạt động thành lập các tổ giúp nhau trên biển và sau khi thành lập thì ngư dân họ ra khơi không còn đơn lẻ nữa, họ khai thác theo tổ nghiệp đoàn có phước cùng hưởng, có họa cùng chịu, nghiệp đoàn nghề cá đã cứu hộ cứu nạn 40 trường hợp cả trong tỉnh và ngoài tỉnh. Và quá trình đó ngư dân thấy tinh thần trách nhiệm của họ cũng như tinh thần trách nhiệm của ngư dân cả nước khi khai thác trên biển Đông”, ông Chinh chia sẻ.

Ngư dân Lý Sơn giờ đây không còn cảm thấy đơn độc giữa biển khơi mênh mông nữa mà xung quanh lúc nào cũng có đồng đội hỗ trợ, kể cả người ở đất liền luôn hướng về họ trong suốt hành trình bám biển. Chiếc máy bộ đàm nối liên lạc giữa người ở nhà và người trên biển luôn được hoạt động hết công suất.

Ông Lê Hoài Anh, Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết: không chỉ được hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, ứng phó với các sự cố khi đang lao động trên biển, ngư dân vào nghiệp đoàn được tạo điều kiện học tập để nâng cao hiểu biết về luật pháp, được hỗ trợ bởi các chế độ, chính sách ưu đãi dành cho họ. Điều mà ngư dân Lý Sơn mong đợi khi gia nhập Nghiệp đoàn Nghề cá, họ sẽ được tiếp thêm sức mạnh, an tâm vượt sóng xa khơi bám biển.

Giờ đây giữa biển khơi mênh mông, ngư dân Lý Sơn có Nghiệp đoàn luôn sát cánh, đồng hành trên mọi hành trình. Nghiệp đoàn nghề cá thật sự là "mái ấm” cho bà con trong những chuyến ra khơi đánh bắt thủy hải sản vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Minh Tâm - Diệu Thúy