Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngoài việc phát hiện thêm mỏ dầu khí và một vài loại khoáng sản ven biển có thể khai thác công nghiệp, Việt Nam chưa có một phát hiện nào mới về tiềm năng khoáng sản khác.

{keywords}
Việt Nam có đường bờ biển trải dài và một vùng biển rộng gấp 3 lần diện tích đất liền chứa đựng nguồn tài nguyên vô cùng đa dạng và phong phú.

 

Việt Nam có đường bờ biển trải dài và một vùng biển rộng gấp 3 lần diện tích đất liền chứa đựng nguồn tài nguyên vô cùng đa dạng và phong phú. Vì vậy, có thể nói, nghiên cứu khoa học biển, hải đảo là chìa khóa để chúng ta tiến vào đại dương, tiếp cận với những lợi ích to lớn do biển mang lại; đồng thời cũng giúp Việt Nam có cơ sở khoa học để hoạch định cơ chế, chính sách pháp luật quản lý , sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên biển.

Việc khuyến khích các quốc gia, các tổ chức quốc tế nghiên cứu khoa học trong vùng biển của Việt Nam trong bối cảnh nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học hạn hẹp như hiện nay là hướng đi phù hợp giúp Viêt Nam tận dụng nguồn lực quốc tế, phát triển kinh tế biển, đảo.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngoài việc phát hiện thêm mỏ dầu khí và một vài loại khoáng sản ven biển có thể khai thác công nghiệp, Việt Nam chưa có một phát hiện nào mới về tiềm năng khoáng sản khác. Những kết quả điều tra, nghiên cứu khoa học về môi trường và các nguồn lợi về thủy hải sản, khí tượng thủy văn cũng chưa có bước tiến dài.

Như vậy, những kết quả đạt được trong hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về biển, hải đảo thu được còn quá nhỏ bé so với những gì đại dương đang ẩn chứa.

Xác định rõ tầm quan trọng của vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, đảo, ngay từ rất sớm khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 242/HĐBT “Quy định về việc các bên nước ngoài và phương tiền nước ngoài vào nghiên cứu khoa hoc ở các vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam”. Nghị định này đã góp phần không nhỏ cho việc phát triển hợp tác trong nghiên cứu khoa học biển của Việt Nam với các quốc gia khác.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục biển và hải đảo VN : đến nay, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, song hành với việc Việt Nam tham gia Công ước Luật biển, ban hành Luật Biển Việt Nam và gần đây nhất là Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo thì Nghị định đã không còn phù hợp với quy định quốc tế và trong nước.

{keywords}
Khi khai thác sử dụng, tài nguyên biển là một môi trường rất đặc thù

Thời gian cấp phép nghiên cứu khoa học

Trên cơ sở của luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo quy định về vấn đề cấp phép cho các tổ chức cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam, ngày 15/5/2016 chính phủ đã ban hành nghị định mới thay thế, quy định chi tiết việc cấp phép cho các tổ chức cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển của Việt Nam.

Theo đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Thời gian cấp phép nghiên cứu khoa học được xác định căn cứ vào mục tiêu, nội dung nghiên cứu theo hồ sơ đề nghị cấp phép nghiên cứu khoa học nhưng tối đa không quá 2 năm, và được gia hạn một lần tối đa không quá 1 năm.

Nghị định mới được Bộ TNMT xây dựng dựa trên nguyên tắc tuân thủ, phù hợp với Hiến pháp, Luật Biển Việt Nam, Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển, các điều ước quốc tế và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Nghị định này ra đời với kỳ vọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động nghiên cứu khoa học biển của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia, đảm bảo tính khả thi và giải quyết được những tồn tài, bất cập trong thực tiễn. Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên và môi trường biển hải đảo có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 đóng vai trò quan trọng trong quản lý và bảo vệ tài nguyên biển.

Ông Phạm Ngọc Sơn, phó Tổng cục trưởng Tổng cục hải đảo Việt Nam cho biết, khi khai thác sử dụng tài nguyên biển là một môi trường rất đặc thù. Trong khi đó, tài nguyên biển thì có tính chất chia sẻ, trên một khu vực biển có thể có nhiều tổ chức cá nhân cùng khai thác sử dụng tài nguyên. Việc ban hành luật tài nguyên môi trường và hải đảo là một sự kiện quan trọng, lần đầu tiên phương thức quản lý tổng hợp được độc lập hóa, có văn bản pháp lý cao.

Như vậy, với những điều khoản chặt chẽ về nguyên tắc thực thi song cũng rất cởi mở với đối tượng và phạm vi thực hiện nghiên cứu khoa học có thể hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong thời gian không xa, Việt Nam sẽ có những tài liệu khoa học sâu sắc hơn, phủ rộng hơn về tiềm năng tài nguyên môi trường biển; góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 mà Chính phủ đề ra.

Minh Tâm - Diệu Thúy