Một tài liệu tuyệt mật do Edward Snowden tiết lộ, được CBC News công bố: Cơ quan tình báo tín hiệu CSEC của Canada sử dụng thông tin từ dịch vụ Internet miễn phí tại một sân bay lớn của nước này để giám sát các thiết bị không dây của hàng ngàn hành khách trong nhà khách sân bay.

Sau khi nghiên cứu tài liệu, Ronald Deibert - một trong những chuyên gia an ninh mạng hàng đầu của Canada - cho biết chiến dịch bí mật của CSEC chắc chắn vi phạm pháp luật. Bởi vì, luật pháp Canada cấm CSEC theo dõi người dân nước này hay bất cứ ai đang cư trú tại đây nếu không có lệnh của tòa án.

{keywords}

Chuyên gia giám sát quyền riêng tư Ann Cavou.

Tuy nhiên, mới đây lãnh đạo CSEC John Forster tuyên bố: "Tôi có thể khẳng định là chúng tôi không chọn mục tiêu người Canada tại đất nước hay ở nước ngoài trong các hoạt động tình báo hải ngoại của chúng tôi, và cũng không theo dõi bất cứ ai đang cư trú tại Canada. Bởi vì luật pháp cấm điều đó. Nhằm bảo vệ  vệ quyền riêng tư".

Trong một văn bản gửi đến CBC News, CSEC nhấn mạnh: Họ "được ủy thác nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo tín hiệu hải ngoại để bảo vệ đất nước Canada và người dân nước này. Và để hoàn thành sứ mạng, CSEC được luật pháp cho phép thu thập và phân tích siêu dữ liệu. Không một nội dung giao tiếp nào của người Canada trở thành mục tiêu, được thu thập hay sử dụng".

Cụ thể là, trong trường hợp giám sát sân bay, siêu dữ liệu chỉ nhận dạng thiết bị không dây của hành khách nhưng không thu thập nội dung của các cuộc gọi điện thoại hay email được gửi đi từ họ.

Ronald Deibert là tác giả cuốn sách "Mã đen: Bên trong cuộc chiến không gian mạng" và lãnh đạo chương trình nghiên cứu không gian mạng Citizen Lab nổi tiếng thế giới của Khoa Các vấn đề toàn cầu thuộc Đại học Toronto. Ronald Deibert cho rằng - bất chấp CSEC gọi đó là gì - chiến dịch lén lút giám sát thiết bị không dây - laptop và smartphone - của hành khách bằng hệ thống Wi-Fi miễn phí của sân bay trong một thời gian dài thật sự là hoạt động "thu thập và phân tích bừa bãi dữ liệu giao tiếp của người Canada". Ông không thể hình dung nổi tại sao cơ quan tình báo thuyết phục được thẩm phán cho phép làm điều đó.

Tài liệu mật do Edward Snowden, cung cấp cũng cho biết, CSEC giám sát hành khách trong thời gian 1 tuần hay hơn thế khi các thiết bị không dây của họ được sử dụng tại các trung tâm Wi-Fi miễn phí trong các thành phố ở Canada và thậm chí tại các sân bay của Mỹ. Nói chung, đối tượng giám sát của CSEC bao gồm những người đi đến các sân bay, khách sạn, quán cà phê, nhà hàng, thư viện, các nút giao thông trên mặt đất và bất cứ nơi nào có thể truy cập Internet không dây miễn phí.

Ronald Deibert nhận định, siêu dữ liệu có thể cung cấp rất nhiều thông tin về các đối tượng như là các thói quen, các mối quan hệ cá nhân và thậm chí quan điểm chính trị của họ.

Wesley Wark, chuyên gia nổi tiếng về an ninh và tình báo quốc tế, cho rằng, CSEC "đang cố gắng vượt khỏi ranh giới công nghệ" một phần nhằm gây ấn tượng cho các đối tác quốc tế trong liên minh tình báo "Five Eyes" - bao gồm Canada, Mỹ, Anh, New Zealand và Australia.

Cũng giống như Wark và các chuyên gia khác, Deibert nhận định: không có vấn đề gì trong chuyện chính quyền Canada cần CSEC thu thập thông tin tình báo nước ngoài, "nhưng hoạt động phải nằm trong khuôn khổ pháp luật và được kiểm soát chặt chẽ để không xảy ra tình trạng lạm dụng quyền lực".

{keywords}

Sử dụng wi-fi miễn phí ở sân bay Canada có thể bị CSEC giám sát.

Giới chức hai sân bay lớn nhất Canada - Toronto và Vancouver - đều tuyên bố họ không bao giờ giúp đỡ cung cấp thông tin về việc sử dụng Wi-Fi của hành khách cho CSEC hay bất cứ tổ chức tình báo nào khác của Canada. Alana Lawrence, người phát ngôn của Cơ quan Hàng không Vancouver (VAA), cho biết, họ quản lý hệ thống Wi-Fi miễn phí ở sân bay nhưng "không thu thập lưu trữ bất cứ dữ liệu cá nhân nào sử dụng Wi-Fi miễn phí" cũng như chưa bao giờ nhận được yêu cầu từ bất cứ cơ quan tình báo nào của Canada để làm việc đó.

Katie O'Neill, người phát ngôn cho Boingo - công ty đặt trụ sở tại Mỹ và là nhà cung cấp dịch vụ Wi-Fi độc lập lớn nhất cho các sân bay Canada - cũng tuyên bố với CBC News: nội dung tương tự.

CSEC tiêu tốn trên 400 triệu USD/năm và sử dụng khoảng 2.000 người, trong một nửa quân số liên quan đến những chương trình giám sát những cuộc nói chuyện qua điện thoại và xâm nhập các hệ thống máy tính được cho là của các quốc gia khác. Trước khi về hưu, thanh tra CSEC - thẩm phán Robert Decary - cho biết ông đã phát hiện một số hoạt động gián điệp "nhắm đến người dân Canada và vi phạm pháp luật". Các chuyên gia tình báo nhận xét các thanh tra CSEC thiếu các nguồn lực và sự ủy quyền của luật pháp để tiến hành sự giám sát có hiệu quả.

Thanh tra hiện nay của CSEC là thẩm phán Jean-Pierre Plouffe hoạt động cùng với đội ngũ nhân lực gồm 11 người, trong đó một nửa có nhiệm vụ tiến hành những cuộc điều tra để bảo đảm CSEC không lạm dụng quyền lực mà gián điệp công dân Canada. Tuy nhiên, cho dù thanh tra có khám phá điều gì đó sai trái ở CSEC thì người dân Canada cũng không có cơ hội biết được nội dung.

Về phần mình, chuyên gia giám sát quyền riêng tư Ann Cavoukian cho rằng mặc dù chính quyền và CSEC luôn trấn an người dân theo kiểu "hãy tin chúng tôi" song mọi người vẫn cảm thấy lo ngại về dữ liệu cá nhân của mình

(Theo CAND)