- Sự phân loại các loại hình dịch vụ viễn thông trước đây của Việt Nam khá đơn giản nên dần nảy sinh bất cập trong điều kiện mới, khi Việt Nam đang đàm phán để gia nhập các Hiệp định tự do thương mại song phương mới.

Quan điểm này được Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đưa ra tại Hội nghị Hợp tác Quốc tế "Thông tin & Truyền thông: Hội nhập trong thời kỳ mới" (Sáng 25/8), khi ông đề cập đến những thách thức của lĩnh vực viễn thông trong quá trình đàm phán tham gia 7 Hiệp định quan trọng. Trong số này, đáng chú ý nhất chính là TPP - Hiệp định Thương mại tự do được đánh giá là "sâu và rộng nhất" mà Việt Nam từng tham gia, nhưng đồng thời cũng là Hiệp định phức tạp nhất mà Bộ TT&TT cùng Bộ Công thương đang phải "căng sức thực hiện".

{keywords}

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Mic.gov.vn

Để giải thích rõ hơn cho ý kiến của Thứ trưởng Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chia sẻ rằng trước đây, chúng ta phân chia dịch vụ khá đơn giản, chỉ bao gồm: Dịch vụ cơ bản và dịch vụ viễn thông Giá trị gia tăng, trong đó, dịch vụ cơ bản bao gồm dịch vụ cơ bản có gắn với hạ tầng và dịch vụ cơ bản không gắn với hạ tầng; dịch vụ GTGT cũng chia thành có gắn với hạ tầng và không gắn với hạ tầng.

Tuy nhiên, cách phân loại đó không còn thể hiện được chính xác bản chất của các dịch vụ viễn thông hiện đại nữa nên nếu tiếp tục dựa vào đó để đưa ra các cam kết với quốc tế khi đàm phán hiệp định thương mại tự do thì sẽ dẫn đến những bất cập lớn.

Cần nâng cao năng lực cạnh tranh

Mặc dù vậy, khi nhận định về mức độ sẵn sàng của lĩnh vực CNTT - truyền thông trước việc Việt Nam sẽ mở cửa thị trường hơn nữa sau khi đàm phán các Hiệp định thành công, Thứ trưởng Hưng vẫn tin rằng, các doanh nghiệp nội đã có độ sẵn sàng "tương đối tốt". Đặc biệt là các doanh nghiệp viễn thông, bưu chính đã cập nhật được trình độ của khu vực khi bước vào môi trường cạnh tranh được một thời gian tương đối lâu.

Tuy nhiên, phần đa doanh nghiệp nội dung số thì theo đánh giá của Thứ trưởng, vẫn chưa thể so sánh được với lĩnh vực viễn thông về độ sẵn sàng cạnh tranh. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh là một vấn đề rất lớn. Hiện tại, phải thừa nhận rằng mức độ cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài của DN CNTT - truyền thông nội chưa nhiều vì Tập đoàn nước ngoài chỉ có thể vào Việt Nam thông qua hình thức liên doanh và không được sở hữu quá 50% vốn góp trong một số lĩnh vực trọng yếu. Do đó, sự trải nghiệm cạnh tranh vẫn còn ít. Một khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định mới, chắc chắn sẽ cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn rất nhiều và doanh nghiệp không có cách nào khác là phải cải thiện được năng lực cạnh tranh của mình.

"Trong lĩnh vực viễn thông, tuy doanh nghiệp đã quen với việc đàm phán gia nhập thị trường kể từ sau khi chhungs ta đạt được hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ và gia nhập WTO, nhưng chắc chắn, mức độ đòi hỏi hiện nay sẽ lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Tương tự, lĩnh vực bưu chính - chuyển phát nhanh có lợi nhuận cao nên đòi hỏi mở cửa thị trường là khó tránh khỏi", Thứ trưởng nhấn mạnh. Đối với lĩnh vực CNTT thì thách thức hiện nay chủ yếu liên quan đến Thương mại Điện tử, các thủ tục chứng thực chữ ký số và thuận lợi hóa về hạ tầng kỹ thuật để thúc đẩy TMĐT phát triển.

Không để Việt Nam thành bãi rác

Một vấn đề rất cần lưu tâm chính là bảo vệ môi trường trong lĩnh vực CNTT, bởi nếu ko có biện pháp quản lý hữu hiệu thì Việt Nam sẽ rất dễ trở thành bãi rác thải khoa học - công nghệ của thế giới. Hiện Bộ TT&TT đang tích cực xử lý vấn đề hàng công nghệ tân trang tái chế trên quan điểm: mở cửa cho hàng có chất lượng nhưng phải tránh tối đa nguy cơ nhập phải hàng "rác", hàng "thải loại".

Bản quyền nội dung số trên Internet cũng là vấn đề hết sức phức tạp và đặt ra những bài toán hết sức khó khăn cho việc đảm bảo quyền quản lý Nhà nước cũng như quyền thực thi kinh doanh của doanh nghiệp. Các nước phát triển đang đưa ra những yêu cầu mà chủ yếu chỉ nhằm đảm bảo lợi ích cho họ, ít quan tâm đến khả năng thực thi, điều kiện thực hiện của các doanh nghiệp trong hoàn cảnh, điều kiện như ở Việt Nam.

Trọng Cầm