Những sự đầu tư riêng lẻ, cục bộ của các cơ quan Nhà nước sẽ không mang lại hiệu quả cao, khi các cơ sở dữ liệu Bộ, ngành tồn tại rời rạc, không kết nối liên thông với nhau.

Chia sẻ về chủ trương ủng hộ thuê ngoài dịch vụ CNTT trong khối Cơ quan Nhà nước vừa được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 7 vừa qua, ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam nhấn mạnh rằng, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và đáng phấn khởi đối với các doanh nghiệp công nghệ.
{keywords}

"Nếu như các cơ sở dữ liệu này kết nối với nhau, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu về đăng ký xe của Bộ Giao thông Vận tải liên thông với cơ sở dữ liệu thuế của Bộ Tài chính thì khâu xây dựng chính sách quản lý của Chính phủ sẽ hiệu quả, khả thi hơn rất nhiều", ông Trí phân tích.

Việc Nhà nước đặt hàng các doanh nghiệp có đủ tiềm lực về công nghệ, máy chủ, trung tâm dữ liệu triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu tầm cỡ quốc gia này sẽ giúp giải quyết được rất nhiều thách thức trước đây. Nếu như Chính phủ tự xây dựng Cơ sở dữ liệu thì trung tâm dữ liệu sẽ phải được đặt ở cả ba miền, đồng thời phải tuyển rất nhiều nhân lực để vận hành, duy trì hệ thống. Dễ dàng nhận thấy quy trình này sẽ rất tốn kém. Nhưng nếu thuê ngoài dịch vụ từ các Telco hoặc các Tập đoàn CNTT lớn, với máy chủ và trung tâm dữ liệu đã sẵn sàng thì tốc độ triển khai, giá trị kinh tế đều vượt trội.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà từng than phiền rằng, Thành phố không có đủ công cụ để phân tích khối lượng dữ liệu đồ sộ hiện tại, chẳng hạn như có bao nhiêu công ty đang muốn đầu tư vào TP.HCM? Hồ sơ đầu tư đang được xử lý đến khâu nào? Tắc ở đâu để lãnh đạo Thành phố tháo gỡ? Thường thì hồ sơ sẽ bị kẹt ở khâu nào lâu nhất?... Nói cách khác, nhà lãnh đạo không có được một bức tranh tổng thể để từ đó đưa ra được quyết sách hợp lý nhất, trong thời gian ngắn nhất. Việc thuê ngoài dịch vụ và công cụ phân tích dữ liệu sẽ giúp TP.HCM giải quyết được nút thắt này.

Công cụ khẩn cấp để cạnh tranh

Không chỉ với các cơ quan nhà nước mà "lên mây" cũng đã trở thành nhu cầu hiện hữu, không thể phủ nhận của các doanh nghiệp. Phân tích tại Hội thảo "The Future of Cloud" diễn ra sáng 18/9 tại Đà Nẵng, ông Trí chỉ ra rằng việc các doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đang ồ ạt đầu tư vào VN thông qua Lotte, AEON Mall hay thương vụ mua lại Metro... sẽ khiến cho mức độ cạnh tranh của thị trường trở nên cực kỳ khốc liệt trong thời gian tới. "Đã đến lúc doanh nghiệp Việt phải thực sự quan tâm đến hiệu suất và hiệu quả cạnh tranh trong kinh doanh rồi. Nâng cao năng lực cạnh tranh đã trở thành vấn đề rất khẩn cấp".

 Nếu như trước đây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vẫn tạm hài lòng với công việc kinh doanh mang tính cục bộ, vùng miền thì giờ đây, khi các ông lớn quốc tế tràn vào thị trường nội, họ buộc phải có đối sách và nghĩ tới việc mở rộng thị trường ra toàn quốc, hay thậm chí là vươn sang quốc tế để cạnh tranh. Việc thuê ngoài dịch vụ đám mây sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ được sử dụng những công nghệ mới nhất, bảo mật mà trước đây chỉ có DN lớn, đầu tư rất nhiều tiền mới được dùng. Một khi đã chuyển giao được hết mối lo về trung tâm dữ liệu và hệ thống cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, DN sẽ có thể tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Còn theo bà Hoàng Song Nga, Phụ trách Sản phẩm, Máy chủ và Công cụ của Microsoft VN thì những dịch vụ đám mây như Microsoft Azure còn giúp DN tối ưu chi phí theo kiểu "dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu". Hơn nữa, nhiều trang trực tuyến như của VietnamAirlines luôn có thời điểm khuyến mại với lượng truy cập cao kỷ lục. Nếu doanh nghiệp xây dựng trung tâm dữ liệu để đáp ứng nhu cầu truy cập của những thời điểm như vậy thì 90% thời gian còn lại của năm, công suất đó là quá thừa, bị "bỏ hoang", rất lãng phí. Trong khi đó, nếu ứng dụng Azure thì năng lực của doanh nghiệp sẽ được co giãn, mở rộng cũng như thu hẹp một cách linh hoạt tùy theo nhu cầu thực tế.

Ứng dụng đám mây càng trở nên phổ biến và cần thiết hơn trong kỷ nguyên của thiết bị di động, bởi đám mây và di động phải luôn song hành, đi cùng với nhau. Nếu smartphone hay máy tính bảng mà không sử dụng các dịch vụ đám mây thì chức năng rõ ràng sẽ bị hạn chế rất nhiều. "Định hướng xuyên suốt của Microsoft trước đây là PC-first (tức là xoay quanh môi trường PC). Nhưng giờ đây, xu hướng đã dịch chuyển thành Mobile-first và Cloud-first, đồng nghĩa với các ứng dụng viết ra phải chạy dược trên tất cả các nền tảng như iOS, Android, Windows (giống như Office for iPad, Skype), đồng thời các ứng dụng này phải hoạt động trên nền đám mây", vị Tổng giám đốc của Microsoft kết luận.

Trọng Cầm