Hầu hết các sản phẩm của Apple hiện nay đều được nâng cấp lên màn hình Retina siêu nét, tuy nhiên chiếc laptop MacBook Air của họ vẫn bị bỏ lại phía sau.

Trong sự kiện ngày 17/10 vừa qua, Apple trình làng hàng loạt sản phẩm mới của hãng, từ iPhone, iPad cho đến máy tính Mac mini, iMac. Thế nhưng tuyệt nhiên 1 sản phẩm được nhiều người dùng mong chờ lại không hề xuất hiện: MacBook Air màn hình Retina.

Điều này khiến không ít fan hâm mộ “Táo khuyết” thất vọng bởi đến nay, MacBook Air là thiết bị duy nhất chưa được Apple trang bị loại màn hình siêu nét này. Các nhà sản xuất laptop siêu di động khác cũng đã bắt đầu sử dụng màn hình Quad HD, Quad HD+. Liệu có phải Apple đi thụt lùi hay đằng sau đó còn có khó khăn gì khác? Trang Engadget cung cấp cho chúng ta một góc nhìn về vấn đề này.

{keywords}
MacBook Air vẫn chưa có màn hình Retina.

Có thể nói, Apple đang gặp một số khó khăn trong việc đưa màn hình Retina lên MacBook Air. Khó khăn lớn nhất gói gọn trong 3 từ: thời lượng pin.

Nếu đưa màn hình Retina lên MacBook Air, Apple phải đứng giữa 2 lựa chọn: giữ nguyên thiết kế cực mỏng của iPad Air và hy sinh thời lượng pin; hoặc tăng dung lượng pin cho máy (đồng nghĩa với việc máy sẽ dày hơn) để thời lượng pin không bị ảnh hưởng (MacBook Air hiện có thời lượng pin lên đến 12 tiếng).

Apple không muốn lựa chọn phương án nào trong số đó. Và hãng quyết định vẫn chưa tung ra MacBook Air màn hình Retina như nhiều fan mong đợi.

Vì sao Retina lại gây tốn pin đến vậy? Đó là bởi Retina là màn hình có độ phân giải cực cao, số điểm ảnh rất lớn.

Việc tăng số điểm ảnh trên tấm nền màn hình LCD luôn đi kèm với yêu cầu nguồn đèn nền (backlight) phải mạnh hơn để phục vụ việc chiếu sáng - bởi nếu giữ nguyên số đèn nền như cũ thì lượng ánh sáng đến được với 1 điểm ảnh sẽ ít hơn.

Máy cũng phải được trang bị chip đồ họa mạnh hơn để xử lý hình ảnh có độ phân giải cao. Các yếu tố này làm máy tiêu tốn nhiều năng lượng và pin nhanh hết hơn.

Còn nhớ khi Apple lần đầu tiên ra mắt iPad thế hệ thứ 3 dùng màn hình Retina, “Táo khuyết” đã phải làm máy dày hơn so với iPad 2 để tăng dung lượng pin cũng như trang bị cho máy chip đồ họa mạnh.

Với công nghệ đèn nền và chip xử lý ở thời điểm 2012, sự thay đổi này là điều bắt buộc để iPad 3 không bị giảm thời lượng pin so với thế hệ iPad trước đó (khoảng 10 tiếng sử dụng).

Phải sang đến iPad Air, với các tiến bộ về công nghệ, Apple mới có thể giúp iPad có thiết kế cực mỏng nhưng vẫn được trang bị màn hình Retina siêu nét.

{keywords}
Macbook Pro đã có màn hình Retina từ năm 2012.

Dòng laptop MacBook Pro được trang bị Retina từ 2012 cũng có kết cục tương tự. Apple phải làm máy dày hơn để có thể chứa pin dung lượng cao hơn, cũng như trang bị các phần cứng cần thiết khác cho tấm nền LCD có độ phân giải 2560 x 1600 (bản MacBook Pro 13 inch), và 2880 x 1800 (bản MacBook Pro 15 inch).

Trên thực tế hiện nay nhiều máy tính chạy Windows đã chuyển sang sử dụng màn hình độ phân giải cao. Có thể kể tới một số sản phẩm như Kirabook của Toshiba, Yoga 2 Pro của Lenovo, ATIV Book 9 Plus của Samsung. Tuy nhiên, các sản phẩm này đều có thời lượng pin thấp hơn MacBook Air khá nhiều. Pin của Kirabook đạt 5 tiếng, Yoga 2 Pro cho pin 6,5 tiếng. ATIV Book 9 Plus của Samsung có khá hơn nhưng cũng chỉ đạt gần 9 tiếng (kém MacBook Air 3 tiếng).

Hiện tại, công nghệ về chip xử lý cũng chưa đạt tới chuẩn mực để giúp Apple có thể tạo ra 1 chiếc MacBook Air màn hình Retina siêu nét. Dòng chip Core M điện áp thấp của Intel hiện nay (dùng trên Yoga 3 Pro của Lenovo) dù rất tiết kiệm năng lượng nhưng tốc độ xử lý lại không được đảm bảo. Nhiều khả năng phải vào đầu năm sau, khi Intel tung ra chip Broadwell, viễn cảnh về 1 chiếc MacBook Air Retina mới có thể thành hiện thực.

Theo ICTnews