Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ Tổng công ty VTC sáng 11/8, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son tái khẳng định tầm quan trọng của việc "thực hiện từng bước cổ phần hóa doanh nghiệp", coi đây là một "nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng ủy Tổng công ty cần phải tập trung chỉ đạo" trong nhiệm kỳ mới 2015 - 2020.

Trước đó, trong Báo cáo Chính trị công bố tại Đại hội, Chủ tịch HĐTV Lưu Vũ Hải cũng nêu rõ, định phướng phát triển của Tổng công ty VTC là tăng vốn điều lệ lên 1500 tỷ đồng trong năm 2016 và "tạo điều kiện nâng cao giá trị cổ phần hóa doanh nghiệp từ năm 2017" để đạt được mục tiêu 2000 tỷ đồng vốn điều lệ vào năm 2020. Ban lãnh đạo VTC tin rằng, thông qua các mô hình tổ chức đa sở hữu, cổ phần hóa, doanh nghiệp sẽ có thể thu hút nguồn lực bên ngoài, kết hợp với nội lực để tạo ra "sự đột phá về quy mô", bứt phá về hoạt động SXKD.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Ảnh: L.Mạnh

Sự thay đổi về hướng đi này, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, là hết sức cần thiết, bởi với bất cứ một doanh nghiệp nào, "đổi mới cũng là một nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo sự tồn tại và phát triển, tăng sức cạnh tranh". Hơn thế nữa, nhiệm vụ đó còn "cần phải được thực hiện thường xuyên", đảm bảo cho doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với những thay đổi của thị trường và môi trường kinh doanh.

Đề án Tái cấu trúc Tổng công ty cũng xuất phát từ chính quan điểm như vậy, và thực tế đã cho thấy, một Tổng công ty VTC sau tái cấu trúc đang đi đúng hướng, bắt đầu phát huy hiệu quả của mô hình mới tinh gọn hơn, hợp lý hơn, "đúng người, đúng việc" hơn.

Xuất phát điểm của Tổng công ty VTC là một đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu và đưa công nghệ Truyền hình kỹ thuật số áp dụng thành công vào Việt Nam, là tiền đề quan trọng để Bộ TT&TT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”. Cũng chính VTC là một trong những đơn vị đi đầu và đặt nền tảng cho sự hình thành, phát triển Công nghiệp nội dung số Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm đầu của nhiệm kỳ 2010-2015, do những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cùng những hạn chế trong nội tại chậm được khắc phục, Tổng công ty VTC đã gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như chưa có chiến lược và định hướng phát triển phù hợp, cùng với hệ quả của việc đầu tư dàn trải những năm trước để lại, Bộ trưởng chỉ rõ. Đã có những thời điểm Tổng công ty rơi vào tình trạng khủng hoảng, sản xuất, kinh doanh thua lỗ, tình hình tài chính rất khó khăn.

Nhưng rất may mắn, Đảng ủy VTC đã sớm nhận ra được những yếu kém, hạn chế đó và lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng Đề án tái cấu trúc tổng thể, toàn diện, được Bộ TT&TT phê duyệt đầu năm 2013. Ngay sau đó, Tổng công ty đã "mạnh dạn, quyết liệt tiến hành tái cấu trúc mô hình tổ chức; cơ cấu lại ngành nghề sản xuất, kinh doanh; tập trung mọi nguồn lực cho những ngành nghề kinh doanh chính có thế mạnh, tạo ra động lực mới, mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ năm 2013, Tổng công ty đã chấm dứt tình trạng thua lỗ, từng bước phát triển trở lại và từ đó hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi, năm sau cao hơn năm trước; dự kiến năm 2015 lợi nhuận sẽ đạt trên 120 tỷ đồng, tăng gấp hai lần năm 2013", Bộ trưởng đánh giá.

"Rút ra bài học, kinh doanh có trọng điểm"

Nhận định Đại hội Đảng bộ lần thứ 5 chính là dịp để Đảng bộ "đánh giá đúng tình hình, nhận diện đúng những thành công, những ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nhận rõ đâu là những nguyên nhân của chủ quan", người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng, thực tế đang đòi hỏi VTC phải xác định rõ chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, xây dựng được mô hình tổ chức phù hợp với chiến lược phát triển, "nhằm khai thác tối đa nguồn lực, gia tăng sức cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững".

Đánh giá các Báo cáo được nêu tại Đại hội đã có sự thừa nhận thẳng thắn về những tồn tại, hạn chế, ông tin tưởng Đảng bộ VTC sẽ rút ra được những bài học, kinh nghiệm sâu sắc để đổi mới phương thức lãnh đạo, nhất là khi nhiệm vụ đặt ra cho doanh nghiệp trong nhiệm kỳ mới là "rất nặng nề", khi vừa phải nâng cao hiệu quả của tái cơ cấu, vừa tiếp tục phát triển doanh nghiệp theo đúng định hướng.

Muốn vậy, trước hết Tổng công ty cần xác định rõ những giải pháp cụ thể và đồng bộ; chỉ đạo tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm trên từng lĩnh vực, tập trung đẩy mạnh SXKD những nhóm ngành chính, khai thác tối đa các lợi thế của mình. Đồng thời, cần tăng cường nghiên cứu phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến vào quản trị doanh nghiệp và SXKD; tập trung đầu tư, phát triển các dịch vụ, bảo đảm sử dụng nguồn tài chính hiệu quả và an toàn.

Đối với 3 dịch vụ sẽ tạo nên thế "kiềng 3 chân" cho VTC là dịch vụ nội dung số, truyền hình và viễn thông, Bộ trưởng cho rằng cần phát triển theo hướng "tập trung vào các dịch vụ thông tin, giải trí trên hạ tầng Internet và di động băng rộng", chú trọng phát triển dịch vụ thanh toán điện tử trở thành "thanh toán đa năng" nhằm gắn kết các dịch vụ của VTC và đón đầu xu thế phát triển của thương mại điện tử. "Tổng công ty VTC cần phấn đấu trở thành doanh nghiệp hàng đầu về dịch vụ nội dung đa phương tiện với dịch vụ thông tin, giải trí làm chủ đạo; mở rộng kinh doanh cả trong nước và quốc tế", Bộ trưởng nêu yêu cầu.

Đồng tình với quan điểm phát triển dịch vụ truyền hình theo hướng ưu tiên cho truyền hình trả tiền HD (độ phân giải cao), Bộ trưởng khuyến nghị VTC cần đẩy mạnh phát triển thuê bao mới tại các khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa, tăng cường đóng góp vào lộ trình số hóa truyền hình quốc gia. Riêng với dịch vụ viễn thông, Tổng công ty cần định hướng lấy mạng đường trục Bắc-Nam làm nòng cốt để phát triển mở rộng hạ tầng viễn thông một cách hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng kết nối các đài phát thanh, truyền hình trên toàn quốc; kết hợp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, kết nối internet thông qua việc mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế...

Một số nhiệm vụ khác cũng được nêu bật như thực hiện tốt việc bàn giao tài sản cho Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, bố trí, sử dụng cán bộ hiệu quả, phù hợp với trình độ, năng lực, đồng thời phải làm tốt việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi cho các cán bộ, công nhân viên trong toàn Tổng công ty...

Đây là những giải pháp tối quan trọng để Tổng công ty VTC có thể hoàn thành các mục tiêu SXKD đã đề ra trong dự thảo Nghị quyết của Đại hội, khi doanh thu đến năm 2020 dự kiến đạt trên 10.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 2000 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt hơn 30%.

T.C