Việc thiếu một chuẩn chung, thống nhất về thông tin số để các hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia có thể đồng bộ, liên thông và nói chuyện được với nhau khiến cho các nhà quản lý VN đang "rất đau đầu".

Thẳng thắn thừa nhận tình trạng này tại Hội thảo Khoa học "Chuẩn trao đổi thông tin số cho một xã hội thông minh" sáng 17/12, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường cho biết, "chuẩn thông tin" là một vấn đề mà Việt Nam đang đi chậm so với thế giới, nhưng "không bao giờ là quá chậm để làm".

{keywords}
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: "Mới có 2 TP lớn đã khó, triển khai ra toàn quốc còn khó đến đâu?"

"Giao thông vận tải là lĩnh vực có tính xã hội hóa rất cao. Nhiều ứng dụng công nghệ, cả trong nước lẫn quốc tế, đều đã được đưa vào lĩnh vực này", ông Trường chia sẻ. Tuy nhiên, với vị thế của một nước đang phát triển, Việt Nam gặp khó khăn về tài chính và phải tiếp nhận viện trợ ODA từ nhiều nguồn như Mỹ, EU, Nhật và Trung Quốc. "Các dự án ODA không chỉ chuyển giao vốn mà còn chuyển giao cả công nghệ. Chính vì thế mà Việt nam đang phải cùng lúc tiếp nhận nhiều chuẩn công nghệ khác nhau. Nếu như ta không có sự định hướng chung về một chuẩn duy nhất thì sẽ rất khó khăn".

Để minh họa cho thách thức này, ông Trường dẫn ra ngay trường hợp Hà Nội và TP.HCM đều đang triển khai dự án tàu điện ngầm, thế nhưng chuẩn vé vẫn chưa có và khiến Bộ rất đau đầu. "Mới có 2 thành phố lớn đã khó thế, thì triển khai ra toàn quốc còn khó đến đâu", ông Trường trăn trở.

Nói rõ hơn về ý này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT hình dung ra cảnh nếu như không có chuẩn chung thống nhất thì thẻ đi tàu điện ngầm của người Việt sẽ rơi vào tình trạng "trạm dùng được, trạm không dùng được". "Thử hỏi khi ấy trong túi người Việt sẽ cần phải mang theo bao nhiêu loại thẻ? Trước đây, với chuẩn tiếng Việt chúng ta đã thiếu quyết đoán, khiến cho hiện tại có tới 3 chuẩn cùng tồn tại. Không thể để tình trạng này tái diễn", ông Bình khuyến nghị.

Được biết, hiện Bộ GT-VT vừa ký triển khai hệ thống giao thông thông minh trên toàn Quốc lộ 1, dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm trong năm 2016 và cơ bản hoàn thành vào năm 2020. Mục tiêu là giảm được 2/3 số lượng cảnh sát giao thông phải đứng chốt trên đường. Nhưng muốn xây dựng được hệ thống này thì cần phải có một chuẩn trao đổi thông tin, để từng cấu phần như hệ thống thu phí không dừng, camera giám sát... phải kết nối được với nhau.


Tuy nhiên, Tiến Sỹ Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện CNPM và Nội dung số Việt Nam băn khoăn, mặc dù ứng dụng CNTT tại nước ta trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tư duy phân chia, quản lý CNTT theo ngành, lĩnh vực như phần cứng, phần mềm, dịch vụ. Phải chăng trụ cột chính của CNTT Việt Nam hiện nay vẫn là hạ tầng CNTT, ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT, nguồn nhân lực CNTT, trong khi việc kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu theo chuẩn và tích hợp các dịch vụ CNTT mới thực sự đem lại cơ hội phát triển thị trường để CNTT Việt Nam tăng tốc, cất cánh, và phát triển?
{keywords}
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: Cần có sự chung tay, phối hợp khi xây dựng chuẩn trao đổi thông tin số.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Young Sik Kim, Giáo sư Viện Khoa học và Công nghệ tiến tiến Hàn Quốc cho biết nước này tập trung triển khai chính phủ điện tử với các hệ thống không giấy tờ trong nhiều thập kỷ. "Luật chính phủ điện tử là một cơ sở mạnh mẽ,  cung cấp đầy đủ các yếu tố thiết yếu từ cơ chế chính sách, tài chính đến các hướng dẫn, tiêu chuẩn cụ thể. Ngoài ra nó đã được triển khai một cách kỹ thuật thông qua khả năng tương tác, kiến trúc doanh nghiệp và các khung tiêu chuẩn", vị chuyên gia này nhấn mạnh. Trong đó, khu vực được áp dụng lớn nhất là khu vực G2B như Thương Mại, Hải quan, mua sắm và khu vực; G2G với hệ thống phần mềm dùng chung trong các cơ quan chính phủ. Về khu vực G2C, Hàn Quốc có một hệ thống chia sẻ thông tin công cộng cung cấp các thông tin cần thiết mà công dân cần.

Nhìn nhận việc xây dựng một chuẩn chung, thống nhất không thể là công việc của riêng ai, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng khẳng định, nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng chuẩn cần phải có sự "chung tay phối hợp" giữa các Bộ có liên quan, cũng như với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các Viện nghiên cứu và trường đào tạo trên cả nước. Bên cạnh đó, với những đặc thù của Việt Nam, việc áp dụng các chuẩn quốc tế cần có sự tham khảo, nghiên cứu kỹ lưỡng để đạt hiệu quả cao nhất.

T.C