Với chất lượng phần cứng tuyệt vời của Lumia 920 hay 925, nếu được bổ sung thêm giao diện Android gốc, chắc chắn doanh số của dòng Lumia sẽ tăng lên đáng kể.

{keywords}

Tuần trước, ông Pierre Ferragu - một nhà phân tích “lão làng” của Bernstein Research - đã có những phát biểu đầy quan ngại về tình hình kinh doanh của Nokia, đặc biệt là vấn đề tài chính. Ông này cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, Nokia nên thoát khỏi cái bóng của Microsoft để sản xuất một vài mẫu điện thoại chạy Android “trước khi quá muộn”.

Những trăn trở của ông Ferragu không phải là mới. Nó đã là chủ đề được bàn đi bàn lại nhiều lần bởi các nhà phân tích hay trên các diễn đàn công nghệ bởi các fan trung thành của hãng điện thoại Phần Lan ngay từ khi Nokia “kết duyên” với Windows Phone từ năm 2011.

Việc bỏ hẳn Windows Phone để chuyển sang sản xuất điện thoại Android sẽ khiến tài khoản của Nokia thất thoát một số tiền lớn. Tuy nhiên, khi Google sẵn sàng mở cửa cho các hãng tung ra những phiên bản điện thoại chạy Android gốc, Nokia đang có một cơ hội lớn.

Phần cứng Nokia, giao diện Android gốc

Một chiếc điện thoại chạy Android gốc (còn gọi là Google Edition) là phiên bản không được tích hợp bất cứ tùy biến hay giao diện riêng nào từ phía nhà sản xuất. Samsung là người đi tiên phong trong việc tung ra một chiếc Galaxy S4 Google Edition, sau đó là HTC One. Theo những động thái mới đây, Sony và Huawei nhiều khả năng cũng sẽ cho ra một phiên bản Google Edition của chiếc Xperia Z và Ascend P6.

Nokia có những sản phẩm sở hữu chất lượng phần cứng tuyệt vời. Chiếc Lumia 920 là một sản phẩm mạnh mẽ, sáng tạo, trong khi Lumia 925 lại mỏng manh và hấp dẫn. Thử tưởng tượng, một chiếc Lumia 920 với giao diện Android gốc và hàng loạt lựa chọn về màu sắc sẽ thu hút người dùng thế nào.

Mặc dù cấu hình không thuộc dạng “top”, nhưng với các thông số như chip lõi kép, màn hình HD, Lumia 920 hoàn toàn có thể đáp ứng tốt mọi thao tác của người dùng Android. Bên cạnh đó, phần camera PureView 8,7 megapixel của Lumia 920 chắc chắn là thứ người dùng Android thèm muốn nhưng chưa có cơ hội trải nghiệm.

{keywords} 

Giao diện tùy biến là một trở ngại lớn đối với Nokia. Những công ty như Samsung, HTC, Motorola hay LG đều thay đổi các biểu tượng, giao diện và tính năng của Android để tạo sự khác biệt. Nếu Nokia có ý định nghiêm túc với Android, họ cũng cần tạo ra một giao diện riêng như vậy. Tuy nhiên, để có được giao diện đó, Nokia sẽ phải bỏ tiền và thời gian để phát triển, những thứ vô cùng quý giá với họ vào lúc này.

Tuy nhiên, nếu sản xuất một chiếc điện thoại chạy Android gốc, Nokia sẽ không phải đầu tư bất cứ đồng nào. Thiết bị này cũng có thể lập tức được tung ra thị trường, cạnh tranh với các đối thủ từ Samsung hay HTC.

Không nên từ bỏ Windows Phone

Một chiếc Lumia chạy Android gốc vừa có thể giúp Nokia kiếm thêm, vừa là thước đo phản ứng từ phía người dùng, xem mức độ hấp dẫn của sự kết hợp Nokia + Android lớn đến đâu.

Nói là “kiếm thêm” bởi Nokia vẫn nên giữ Windows Phone như là nền tảng chính của mình. Có thể họ chưa thực sự thành công với Windows Phone, nhưng hệ điều hành này chính là thứ làm nên sự khác biệt cho Nokia. Qua thời gian, Windows Phone sẽ dần hoàn thiện qua những bản cập nhật. Thêm nữa, Nokia cũng chính là nhà sản xuất điện thoại Windows Phone số một thế giới hiện nay.

Sẽ là điên rồ nếu hãng này mạo hiểm gạt bỏ Windows Phone để “nhảy” sang một môi trường chật chội như Android. Ngoài việc tốn tiền, thời gian và những nỗ lực không ngừng nghỉ cho một cú chuyển dịch lớn, Nokia còn phải đối mặt với nguy cơ thất bại không nhỏ.

Có thể kể đến những tấm gương như Acer - hãng chỉ bán được một triệu chiếc điện thoại Android mỗi năm, hay HTC - “khai quốc công thần” của Android nhưng vẫn đang phải vật lộn với bài toán doanh số. Windows Phone sẽ vẫn là con át chủ bài của Nokia, nhưng bên cạnh đó, việc ra mắt một phiên bản Google Edition sử dụng phần cứng có sẵn là một chiến lược hay, giúp họ có thêm tiền cũng như một lượng fan mới.

Theo Infonet