- Cá nuôi với mật độ quá dày, dùng thức ăn tự chế có thể là nguyên nhân chính khiến cá của các hộ dân nuôi cá bè trên sông Cái (nhánh sông Đồng Nai) chết kín mặt sông. Ông Phan Cẩm Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai trao đổi với VietNamNet.

Ông Hà cho hay, sau khi khảo sát hiện trường, lấy mẫu nước để phân tích, Chi cục Thủy sản nhận thấy nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt là do hàm lượng oxy hòa tan trong nước rất thấp.

“Hàm lượng oxy hòa tan trong nước chỉ dao động từ 2-2,5. Trong khi ngưỡng tốt cho cá sinh trưởng phải là từ 4 trở lên. Như vậy, nguyên nhân trực tiếp khiến cá chết là do thiếu oxy”, ông Hà nói.

{keywords}
Mộ hô nuôi cá đang vớt cá chết nổi trên mặt sông. Ảnh: Thiên Quân.

Tuy nhiên, nguyên nhân nào khiến lượng oxy hòa tan trong nước tại khu vực nuôi cá của các hộ dân xuống thấp, dẫn tới cá chết, ông Hà cho biết vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Hiện tại, Chi cục Thủy sản đang chờ báo cáo của Chi cụ Thú y và ý kiến từ Sở Tài nguyên Môi trường để có kết luận cuối cùng, ông Hà thông tin.

Tuy nhiên, ông Hà cho biết, từ những thông mà Chi cục Thủy sản có được thì có thể nhận định, nguyên nhân chính khiến cá chết hàng loạt như vừa qua là do những sai sót trong kỹ thuật nuôi cá của các hộ dân tại đây.

Theo ông Hà, thời gian này đúng vụ cá Tết, vì vậy, các hộ dân nuôi cá bè thường có xu hướng nuôi cá với mật độ dày hơn. Bên cạnh đó, mật độ bè nuôi cũng dày hơn so với quy hoạch mà thành phố đã sắp xếp.

Mật độ nuôi quá dày đã cản trở dòng chảy làm giảm sự trao đổi nước khiến hàm lượng oxy giảm xuống. 

Ngoài ra, một số hộ nuôi cá sử dụng thức ăn tự chế để giảm giá thành, thời điểm này cá lạisắp thu hoạch, lượng phân thải lớn khiến nguồn nước cục bộ tại khu vực bị ô nhiễm.

“Những nguyên nhân này làm quá trình oxy hóa tiêu hóa nhiều oxy, khiến lượng oxy hòa tan trong nước giảm xuống mức thấp”, ông Hà khẳng định.

Xác nhận thông tin nói trên, ông Châu Văn Hiệp Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Hòa cho rằng nguyên nhân cá chết một phần là do người nuôi còn để mật độ cá trong lồng quá dày, tăng gấp nhiều lần so với tỷ lệ cần thiết. Do đó, chỉ cần nguồn nước thay đổi nhẹ là cá sẽ bị ngộp, chết rất nhanh.

“Mấy ngày qua, chính quyền địa phương đến vận động, tuyên truyền cho bà con nuôi cá hạn chế thức ăn gây ô nhiễm bằng cách cho ăn hạt đậu tằm. Hạt đậu tằm không chỉ giúp cá có thịt ngon mà còn có thể bảo vệ môi trường nước không bị nhiễm tạp chất từ thức ăn như trước đây”, ông Hiệp nói.

Trong khi đó, ông Vũ Đình Đàm, một trong những hộ ít bị thiệt hại vì cá chết trong đợt này, cho biết các bè cá của ông đều được nuôi không quá dày, lượng thức ăn cũng giảm đi và tăng cường cho cá ăn bằng thực phẩm tươi sạch, nhờ vậy, cá nhà ông Đàm có chết nhưng rất ít.

Trả lời câu hỏi nếu cá chết vì người dân nuôi sai kỹ thuật thì vì sao Chi cục Thủy sản không khuyến cáo người dân, ông Hà cho biết, hiện tượng cá chết nhiều và lặp đi lặp lại khoảng 10 năm trở lại đây khi phong trào nuôi cá bè phát triển mạnh và người dân vì lợi nhuận kinh tế thường nuôi cá với mật độ dày và sử dụng thức ăn tự chế để sinh lời cao.

“Mặc dù Chi cục Thủy sản và UBND Thành phố Biên Hòa thường xuyên khuyến cáo, bà con cũng không phải không biết nhưng cá có khi chết có khi không nên bà con vẫn làm”, ông Hà nói.

Trước đó, đêm 3/1, cá được nuôi tại các bè cá của các hộ dân trên sông Cái (nhánh sông Đồng Nai), thuộc xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã chết hàng loạt, kín cả mặt sông. Những bè cá này đều chỉ còn một thời gian ngắn nữa là thu hoạch. Thống kê của chính quyền địa phương cho thấy, có những hộ dân chết hơn 1 tấn cá, mất trắng cả tiền tỉ.

Thiên Quân – Lê Văn

TIN LIÊN QUAN