- Chiều 1/4/2016 theo giờ Mỹ (tức rạng sáng 2/4/2016 theo giờ Việt Nam), các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân lần thứ 4 tại Washington đã kết thúc thành công với bản tuyên bố chung quan trọng.

{keywords}

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 4 ở Washington DC. Ảnh theo nguồn THX.

Văn kiện chính thức từ Washington

Kèm theo bản tuyên bố chung này là năm phụ lục về kế hoạch hành động cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước tham dự hội nghị và các cơ quan quốc tế như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Cảnh sát quốc tế (Interpol).

Trong bản tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết thúc đẩy môi trường quốc tế ổn định bằng cách giảm nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố hạt nhân và tăng cường an ninh hạt nhân. Đồng thời, “tái khẳng định cam kết với mục tiêu chung về giải trừ hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình".

{keywords}

Tổng thống Mỹ Barack Obama đón Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh đến dự hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân lần 4. Ảnh: SGGP.

Trong văn bản đó, các nước, đặc biệt tái khẳng định cam kết ngăn chặn nguy cơ để các loại vũ khí hạt nhân không rơi vào tay những phần tử cực đoan. Và nhấn mạnh: "Còn nhiều việc cần phải làm để ngăn chặn các lực lượng phi nhà nước sở hữu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ có khả năng được sử dụng cho các mục đích đen tối...”

Tuy nhiên, trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo thế giới cũng nhấn mạnh đến nguy cơ "gia tăng thường trực" và cam kết rằng sẽ thúc đẩy môi trường quốc tế ổn định bằng cách giảm nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố hạt nhân và tăng cường an ninh hạt nhân.

Nguy cơ còn lại lớn nhất

{keywords}

Một nạn nhân trong vụ khủng bố ở sân bay Brussels.

Nhiều nước vẫn băn khoăn với hiện tượng: trong lúc hơn 50 quốc gia đã có mặt tham gia hội nghị thì Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối tham dự và Thủ tướng Pakistan Nwaz Sharif lại hủy không đến vì vụ đánh bom thảm khốc ở Lahore. Trong lúc, cả hai quốc gia đều đã sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nhưng điều quan trọng hơn cả, như vị Tổng thống Hoa Kỳ nhận định, là: Nguy cơ khủng bố sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công để "thay đổi thế giới của chúng ta" là có thật. Theo ông Obama, thế giới đã có những bước tiến "vững chắc" chống lại khủng bố bằng hạt nhân, nhưng việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tìm cách có được vũ khí hạt nhân vẫn là "một trong những đe dọa an ninh toàn cầu".

Sau khi dẫn lại tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên quy mô toàn cầu, với “Nam Mỹ đã đạt được mục tiêu này, và Trung Âu, Đông Nam Á được trông đợi cũng sẽ đạt được trong năm nay”, ông Obama nói: Dù có những bước tiến ấy, khu vực Nam Á và bán đảo Triều Tiên là những khu vực cần nỗ lực nhiều hơn để giải trừ hạt nhân. Và nhấn mạnh: "Không nghi ngờ gì thứ những kẻ điên rồ có thể gây ra nếu chúng chạm tay vào được bom nguyên tử hay vật liệu nguyên tử”, vì, dĩ nhiên đối với chúng, “giết càng nhiều người càng tốt".

Vì vậy, cách phòng vệ hiệu quả duy nhất chống lại khủng bố bằng hạt nhân là, trước hết, lưu giữ những vũ khí đó được an toàn để không rơi vào tay kẻ xấu. Rõ ràng, đó là cái kết luận đúng đắn và hợp lý nhất.

Minh Trần