Hiện nay mỗi hệ điều hành di động như iOS hay Android đều có rất nhiều phiên bản và những phiên bản mới hơn thường bao gồm những bản sửa lỗi hay cải thiện về giao diện hoặc hiệu năng của máy. Tuy nhiên việc nâng cấp hệ điều hành lên bản mới hơn có thể là quá trình rắc rối và rủi ro.

Bài viết dưới đây của PC Pro đưa ra sự khác biệt của mỗi phiên bản iOS và Android, qua đó bạn có thể quyết định có cập nhật hệ điều hành cho điện thoại của mình hay không?

Thường thì bạn không có quyền lựa chọn phiên bản của Android hay các hệ điều hành khác trên điện thoại khi mua máy, nhưng trong thời gian sử dụng sẽ có một số bản cập nhật xuất hiện và điều quan trọng là phải hiểu được những bản cập nhật đó bổ sung những gì và chúng có đáng cập nhật hay không.

Lý do gì khiến bạn chọn không cập nhật? Chẳng phải điện thoại được cập nhật mới nhất là tốt nhất sao? Thứ nhất, sẽ có những rủi ro – dù khả năng xảy ra không cao – là quá trình cập nhật sẽ thất bại, ROM của điện thoại hỏng và chiếc máy của bạn sẽ biến thành một cục gạch. Thứ hai, trong một số trường hợp việc cập nhật sẽ xóa hết bộ nhớ điện thoại, đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải cài đặt lại tất cả ứng dụng, dữ liệu hay nhạc ở trong máy. Thứ ba, tùy thuộc vào phiên bản hệ điều hành và bộ nhớ điện thoại, quá trình cập nhật có thể lên tới một giờ hoặc hơn.

Nếu không cẩn thận, điện thoại của bạn có thể biến thành "cục gạch" sau khi nâng cấp hệ điều hành

Thứ tư, có khả năng bản cập nhật sẽ làm xuất hiện lỗi mới, hoặc làm thay đổi cách hoạt động khiến bạn không quen. Thứ năm, bạn có thể gặp trường hợp những ứng dụng đã bỏ tiền ra mua không hoạt động được nữa. Và cuối cùng, có thể đơn giản là bạn cảm thấy dùng điện thoại như hiện nay đã là đủ.

Lợi ích của việc cập nhật

Dù có những rủi ro, bản cập nhật cũng có thể mang lại nhiều cải tiến. Bạn có thể nhận ra những chức năng hữu dụng mới được thêm vào hoặc thời gian sử dụng pin được kéo dài. Đôi khi các kết nối 3G hay Wi-Fi cũng mạnh hơn sau khi nâng cấp.

Bạn cũng có thể cần nâng cấp hệ điều hành để chạy những ứng dụng mới và điều này thường xảy ra đối với thiết bị của Apple. Nếu vẫn giữ bản cập nhật cũ, bạn sẽ thấy nhiều phần mềm không còn sử dụng được nữa.

Việc cập nhật lên phiên bản mới nhất của hệ điều hành không phải lúc nào cũng đơn giản. Một số điện thoại cũ không có đủ yêu cầu phần cứng để cập nhật lên hệ điều hành mới. Nhà sản xuất thường cũng không đưa ra bản cập nhật cho các thiết bị cũ, nhằm khuyến khích bạn nâng cấp lên một chiếc điện thoại mới. Đối với những người dùng điện thoại theo nhà mạng, nhà sản xuất không phải đối tượng duy nhất đưa ra bản cập nhật, mà nó còn phải trải qua sự kiểm nghiệm và cho phép của nhà mạng, khiến cho thời gian bản cập nhật xuất hiện có thể kéo dài thêm tới vài tuần hoặc vài tháng.

Tùy thuộc vào hệ điều hành, bạn có thể khắc phục những khó khăn này bằng cách sử dụng những bản ROM không chính thức từ những trang như MoDaCo, xda-developers, CrackBerry… Một số trang có khu vực "nấu" riêng, để bạn "nấu" (cook – từ để chỉ việc tạo ra bản ROM của riêng mình) ROM của riêng mình bằng cách lựa chọn phiên bản phần mềm gốc và thêm hoặc bỏ một số tính năng – bằng việc bỏ đi những thứ bạn không bao giờ dùng, bạn sẽ có thêm nhiều chỗ lưu trữ cho ứng dụng và file.

Những bản cập nhật của iOS

Đầu tiên ta sẽ xem lại quá trình cập nhật của iOS, vốn đơn giản hơn vì số lượng thiết bị dùng hệ điều hành này không nhiều.

Thông thường một phiên bản iOS mới sẽ được ra mắt cùng lúc với phần cứng mới - ví dụ chiếc iPhone đầu tiên có hệ điều hành iOS 1 và iOS 2 xuất hiện cùng iPhone 3G.

App Store lần đầu tiên xuất hiện trên iOS 2


Tính năng quan trọng nhất được bổ sung ở iOS 2 là App Store – và chỉ một người ngớ ngẩn mới sử dụng iOS 1 ở thời điểm này. iOS 2 cũng bổ sung push email, danh bạ, lịch và một vài chính sách bảo mật cũng như cho phép xóa nội dung từ xa. Một tính năng rất quan trọng cho những người viết về công nghệ là khả năng chụp ảnh màn hình bằng cách bấm nút nguồn và Home cùng lúc – thao tác mà điện thoại Android mãi gần đây mới có.

iOS 3 bổ sung tính năng Copy & Paste


Phiên bản cập nhật lớn tiếp theo, iOS 3, được giới thiệu cùng chiếc 3GS. Nhiều người đã chỉ trích Apple vì chưa đưa tính năng cắt dán (copy and paste) vào iOS, nhưng điều này được sửa chữa ở iOS 3. Ngoài ra, còn có nhiều cập nhật ở trình duyệt Safari, khiến cho iPhone trở thành thiết bị di động duyệt web tốt nhất ở thời điểm đó. iOS 3 cũng bổ sung khả năng quay phim, hỗ trợ tin nhắn SMS tốt hơn và tính năng chỉ đường với thiết bị GPS ngoài.

iOS 3.2 dành riêng cho iPad

Bản cập nhật quan trọng tiếp theo là iOS 3.2, dành cho iPad chứ không phải cho iPhone và iPod.

iOS 4 được giới thiệu cùng iPhone 4 và ban đầu là bản cập nhật dành cho iPhone và iPad, không dành cho iPad. Đây cũng là bản cập nhật đầu tiên dành cho iPod mà không cần phải mua thiết bị mới, mặc dù tính năng của nó trên iPhone 3G và iPod Touch thế hệ 2 cũng rất hạn chế. Hạn chế tính năng ở thiết bị cũ là một điểm mà Apple cho rằng để đảm bảo "trải nghiệm người dùng tốt nhất", nhưng nhiều người cho rằng đây chỉ là cách họ ép người dùng mua thiết bị mới.

Đa nhiệm xuất hiện

Đa nhiệm lần đầu tiên xuất hiện trên iOS 4


Khả năng đa nhiệm cuối cùng cũng đã xuất hiện trên iPhone từ iOS 4, dù việc sử dụng đa nhiệm yêu cầu người dùng bấm hai lần vào nút Home không giống với phong cách sử dụng giao diện trực quan của Apple. Tính năng tạo thư mục trên màn hình cũng xuất hiện, cùng với đó là khả năng hỗ trợ các tài khoản Exchange và hộp thư đến hợp nhất.

Bản 4.2 là bản cập nhật quan trọng tiếp theo, dành cho cả iPhone, iPod Touch và iPad. Tuy nó chỉ có những thay đổi nhỏ như sửa một số lỗi và thêm phông chữ mới, nhưng với người dùng iPad đây là lần đầu tiên họ được trải nghiệm khả năng đa nhiệm và hỗ trợ email tốt của iOS 4.

iOS 4.3 ra mắt cùng iPad 2 và phiên bản này hoàn toàn không hỗ trợ iPhone 3G và iPod Touch thế hệ 2. Phiên bản này hỗ trợ sử dụng AirPlay với phần mềm của hãng thứ 3, cho phép trình chiếu video tới các thiết bị khác và phiên bản trên iPhone còn có tính năng phát Wi-Fi cho các thiết bị khác, tuy có muộn hơn các điện thoại Android.

iOS 5 bổ sung thêm nhiều tính năng mới


iOS 5 ra mắt cùng iPhone 4S, với các thiết bị được hỗ trợ giống như iOS 4.3, nhưng có nhiều tính năng mới như khu vực thông báo thống nhất, iMessage, Newsstand. Riêng trên chiếc iPhone 4S, iOS 5 hỗ trợ Siri, dịch vụ hỗ trợ sử dụng bằng giọng nói. Phiên bản này cũng được tích hợp dịch vụ sao lưu iCloud với 5MB dung lượng miễn phí.

Bản iOS được phát hành gần nhất là iOS 5.1, được giới thiệu cùng iPad 3, nhưng nó không có nhiều điểm mới và nếu bạn đã dùng iOS 5 thì có thể không cần cập nhật.

Điện thoại và máy tính bảng Android

Android 1.5 với giao diện đơn giản


Mỗi phiên bản cập nhật quan trọng của Android đều được đặt một cái tên liên quan đến bánh kẹo. Android 1.5 có tên mã Cupcake, có lẽ đây là phiên bản Android cũ nhất mà bạn có thể gặp được.

Bản cập nhật tiếp theo là Android 1.6, hay còn gọi là Donut, cải thiện sự ổn định, cũng như tính năng tìm kiếm và camera cùng một bộ tổng hợp giọng nói. Bạn có thể gặp phiên bản này trên một số điện thoại rẻ tiền (đặc biệt là của những hãng "no name"), cũng như một số máy tính bảng giá rẻ, thường chỉ có màn hình cảm ứng điện trở.

Android 2 hỗ trợ nhiều kích thước màn hình



Android 2 hay Eclair, hỗ trợ email Exchange trên Android, tính năng quan trọng cho người dùng trong doanh nghiệp. Nó cũng có giao diện tốt hơn nhưng một số nhà sản xuất vẫn sử dụng giao diện của riêng họ như HTC Sense, Motorola Motoblur hay Samsung TouchWiz. Eclair cũng có bàn phím ảo tốt hơn và một số cải tiến cho camera.

Phiên bản 2.2 có tên mã Froyo. Cải tiến lớn nhất của nó là tốc độ vì nó tận dụng hiệu năng phần cứng tốt hơn và tối ưu engine JavaScript trong trình duyệt.

Froyo cũng có tính năng ActiveSync cho Exchange tốt hơn, với khả năng đồng bộ lịch, bảo mật… Hệ điều hành này cũng đã hỗ trợ thông báo cho các ứng dụng sử dụng dịch vụ Google Cloud to Device Messaging.

Android 2.3 cải tiến đáng kể thời gian sử dụng pin


Vào cuối năm 2010, Google ra mắt Android 2.3 Gingerbread. Cải tiến lớn nhất là giao diện đơn giản và cho phép truy cập nhanh vào nhiều tính năng, nhưng các nhà sản xuất vẫn thích dùng giao diện của riêng họ hơn. Gingerbread cũng hỗ trợ các tính năng phần cứng mới như màn hình lớn, cảm biến xoay, vi xử lý âm thanh, camera mặt trước, NFC…, nhưng tất nhiên những người dùng máy cũ không có các tính năng này. Ở phiên bản này Google tiếp tục thay đổi bàn phím ảo, dù nhiều người thích bàn phím trên Froyo hơn. Cùng sự hỗ trợ camera mặt trước, Gingerbread cũng hỗ trợ gọi điện thấy hình.


Honeycomb được thiết kế dành riêng cho máy tính bảng.

Android 3.0 hay Honeycomb được nhắm tới máy tính bảng và Google không muốn máy tính bảng sử dụng Android các phiên bản trước Honeycomb, tuy nhiên vẫn có nhiều máy tính bảng, nhất là máy giá rẻ, sử dụng hệ điều hành cũ hơn. Nhưng chỉ những máy có chứng nhận của Google mới được sử dụng những dịch vụ như Android Market, Google Maps và Gmail và những máy giá rẻ không dùng Honeycomb sẽ không có những dịch vụ này.

Do được nhắm tới máy tính bảng, giao diện của Honeycomb được thiết kế cho màn hình lớn. Google gọi giao diện này là "Holographic" (ảnh ba chiều), nhưng tất nhiên đây chỉ là quảng cáo.

Với không gian màn hình rộng, Google đã thêm vào thanh Action ở phía trên để hiển thị thông tin, tùy chọn… cho mỗi ứng dụng và thanh System ở dưới cho các nút điều hướng, trạng thái và thông báo. Honeycomb cũng có nhiều tính năng quan trọng cho máy tính bảng, như đa nhiệm tốt hơn, duyệt web nhiều tab và lại một thiết kế phím ảo mới.

Google cũng rất hạn chế đưa Honeycomb lên điện thoại và họ đã không phát hành mã nguồn mở của Honeycomb. Do đó nhà sản xuất không thể đưa Honeycomb lên điện thoại.

Xu hướng ngày nay là điện thoại có màn hình lớn và chúng ta đã thấy những chiếc điện thoại có màn hình 5 inch như máy tính bảng (Samsung Galaxy Note và Dell Streak). Do đó một phiên bản Android thống nhất cho cả thiết bị màn hình lớn và nhỏ là cần thiết. Android 4.0 hay Ice Cream Sandwich là phiên bản đó. Nó được xây dựng dựa trên Honeycomb nhưng phù hợp cho cả điện thoại và máy tính bảng.

Có đáng để nâng cấp lên ICS hay không?

Ice Cream Sandwich có nhiều cải tiến đáng kể

Google đã từng nói các thiết bị được cài sẵn Gingerbread có đủ khả năng chạy ICS, do đó đây là nâng cấp có thể thực hiện được với nhiều máy điện thoại Android hiện nay. Tuy nhiên việc nâng cấp có đáng không? Tôi nghĩ là có, vì ICS là phiên bản Android tốt nhất hiện tại. Nó đòi hỏi một CPU khá mạnh, nên người dùng điện thoại cũ có thể thấy không mượt mà lắm, tuy nhiên đối với điện thoại mới hơn thì nhìn chung là ICS hoạt động tốt.

Có vẻ mọi thứ đều được chỉnh sửa, từ chuyển động tới phản hồi cho người dùng, tới những chi tiết nhỏ như phông hệ thống dễ đọc hơn trên nhiều kích thước màn hình. Những tính năng cho người khuyết tật trên ICS cũng giúp thiết bị Android dễ dùng hơn cho những người khiếm thị, đây là vấn đề mà iPhone và iPad chưa bắt kịp.

Mọi mặt của Android đều được chỉnh sửa và cải tiến trên ICS, đủ để chúng tôi khuyên bạn nên cập nhật. Tuy nhiên, đầu tiên bạn cần kiểm tra xem thiết bị của mình có thể chạy được Android 4 hay không và sau đó xem phản ứng của người dùng về ICS trên thiết bị của mình. Nếu mọi thứ đều ổn, thì chúng tôi khuyên bạn nên cập nhật, vì ICS là một hệ điều hành tuyệt vời trên cả điện thoại và máy tính bảng. Và quan trọng nhất, ICS cho phép chụp ảnh màn hình rất nhanh!

(Theo Tuấn Anh - VnReview)