Hai năm vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu: Huawei vẫn trong cuộc chiến sinh tồn
"Ái nữ Huawei" Mạnh Vãn Chu. Ảnh: Internet

Hai năm kể từ vụ bắt giữ bà Mạnh, Huawei bị cắt đứt khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ mà họ cần có để duy trì tham vọng 5G và smartphone. Để đối phó, công ty tháng trước tuyên bố “ly hôn” thương hiệu smartphone bình dân Honor và tập trung vào các mảng kinh doanh có nguy cơ bị tổn thương thấp hơn.

Paul Haswell, đối tác của hãng luật Pinsent Masons, nhận định vấn đề của Mỹ với công nghệ Trung Quốc đã có từ lâu. Câu chuyện của bà Mạnh chỉ là một phần của vấn đề lớn hơn.

Nó báo hiệu các lệnh trừng phạt đối với Huawei của Washington tiếp tục leo thang trong năm sau. Không chỉ bị cấm cung ứng thiết bị viễn thông cho cơ quan chính phủ Mỹ, tháng 5/2019, Huawei còn bị Bộ Thương mại Mỹ thêm vào danh sách đen, cấm mua sản phẩm và dịch vụ từ doanh nghiệp Mỹ nếu không được cấp phép.

Khi tuyên bố quyết định, Bộ Thương mại Mỹ cho biết Huawei và các công ty con “dường như tham gia vào các hoạt động đi ngược với an ninh quốc gia, lợi ích chính sách ngoại giao của Mỹ”.

Huawei liên tục bác bỏ cáo buộc của Mỹ.

Không được mua hệ điều hành và con chip quan trọng, Huawei cần tới giải pháp dài hơi để sống sót khi không có công nghệ Mỹ. Ba tháng sau đó, công ty giới thiệu hệ điều hành tự phát triển mang tên Harmony OS. Sự chú ý cũng đổ dồn vào HiSilicon, công ty bán dẫn của Huawei có trách nhiệm phát triển chip riêng dùng cho smartphone và thiết bị mạng. Mục tiêu của HiSilicon là thay thế linh kiện từ nhà cung ứng Mỹ như Intel và Qualcomm. HiSilicon thiết kế chip và giao cho TSMC của Đài Loan sản xuất.

Ban đầu, các lệnh trừng phạt chỉ ảnh hưởng không đáng kể tới Huawei khi họ báo cáo doanh thu kỷ lục 858,8 tỷ NDT (121 tỷ USD) trong năm 2019, tăng 19,1% so với năm 2018. Theo luật sư Tan Albayrak, các lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ năm 2019 không làm Huawei tổn thương vì chúng không sâu rộng như hiện nay. Ngoài ra, Huawei cũng dự trữ đủ linh kiện bán dẫn từ nhà cung ứng Mỹ và tăng lượng đơn hàng với TSMC để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

“Cú đấm thép” chỉ được vung lên vào tháng 5 năm nay, khi Washington mở rộng lệnh cấm, yêu cầu các nhà sản xuất chip nước ngoài đang sử dụng công nghệ Mỹ cũng phải xin giấy phép nếu muốn kinh doanh với Huawei. Quyết định khiến TSMC không còn cách nào khác phải khuất phục, cho thấy cuộc chiến leo thang nghiêm trọng, chặn đường Huawei đến với hầu hết các nhà cung ứng chip toàn cầu.

Phiên tòa xử vụ dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ còn tiếp tục ít nhất tới ngày 30/4/2021. Đội ngũ pháp lý của bà Mạnh cho rằng, Canada vi phạm quyền của thân chủ khi không thông báo bà sẽ bị bắt khi giao nộp thiết bị điện tử, mật khẩu và trả lời câu hỏi của sỹ quan biên phòng. Họ cũng gọi việc chuyển giao mật khẩu thiết bị của bà Mạnh là một phần trong quy trình thu thập bằng chứng thay mặt Cục Điều tra liên bang Mỹ.

Huawei khẳng định, họ tin tưởng hệ thống tư pháp của Canada sẽ “duy trì tính liêm chính và bảo đảm công lý cho tất cả mọi người”. Huawei luôn “tin tưởng vào sự trong sạch của Mạnh Vãn Chu”.

Nếu tòa án Canada chấp nhận yêu cầu dẫn độ bà Mạnh về Mỹ, đây sẽ là phép thử lớn đầu tiên của quan hệ Mỹ - Trung dưới chính quyền Joe Biden. Luật sư Albayrak dự đoán, chính phủ Trung Quốc có xu hướng sử dụng mọi biện pháp có thể để đưa bà Mạnh trở lại, dù có khả năng đẩy căng thẳng lên mức độ mới. Tất nhiên, mức độ trầm trọng cũng phụ thuộc vào cách tiếp cận của chính quyền Biden.

Ông dự đoán các nhà sản xuất chip sẽ tăng cường vận động Washington sau khi ông Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, với hi vọng quan chức của chính quyền mới sẵn sàng lắng nghe nguyện vọng của giới doanh nghiệp hơn và không chỉ tập trung vào an ninh quốc gia.

Theo ông, một phần lớn doanh thu của các nhà sản xuất chip Mỹ đến từ Trung Quốc. Chúng sẽ được chuyển hóa thành chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D). R&D là thứ giữ một nước đi trước trong bất kỳ lĩnh vực nào. Một dấu hiệu cho thấy các cân nhắc kinh tế đã được xem xét, đó là việc Qualcomm gần đây được nhận giấy phép bán chip 4G cho Huawei.

Khi năm 2020 dần qua đi, các biện pháp siết chặt công nghệ của Mỹ và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên kinh tế toàn cầu cuối cùng cũng tác động tới Huawei. 9 tháng đầu năm, doanh thu Huawei tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 671,3 tỷ NDT, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 24,4% một năm trước đó.

Tại hội thảo Connect 2020 thường niên diễn ra cuối tháng 9, Chủ tịch luân phiên Huawei Guo Ping cho biết, họ có đủ chip để duy trì bộ phận thiết bị truyền thông, bao gồm các sản phẩm dành cho doanh nghiệp. Mất mát lớn nhất của công ty do lệnh cấm của Mỹ là phải bán đi bộ phận smartphone bình dân Honor. Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi so sánh động thái với một cuộc “ly hôn” và nói rằng, đây là điều cần thiết để Honor, nhân viên và nhà cung ứng không bị kéo vào cuộc chiến giữa Mỹ và Huawei.

“Huawei không còn lựa chọn nào khác ngoài thích ứng, giảm lệ thuộc vào công nghệ và linh kiện gốc Mỹ, cân nhắc các thị trường có thể bán hàng và hoạt động. Cuối cùng, Huawei có thể được hưởng lợi từ điều đó vì đổi mới thường sinh ra từ nghịch cảnh”, ông Haswell chia sẻ.

Du Lam (Theo SCMP)

Điện thoại Trung Quốc ‘xâu xé’ miếng bánh của Huawei

Điện thoại Trung Quốc ‘xâu xé’ miếng bánh của Huawei

Xiaomi, Oppo, Vivo đang thực hiện nhiều nước đi quyết liệt nhằm giành giật thị phần từ đối thủ Huawei đang ‘xây xẩm’ vì lệnh cấm của Mỹ.