- Từ ý tưởng về một website chia sẻ địa điểm ăn uống, cả 4 thành viên nhóm sáng lập Lozi đã quyết định rời bỏ đại học để theo đuổi đam mê của mình. Chưa đầy 3 năm sau, từ con số không, mạng xã hội ăn uống của nhóm bạn 9X được định giá hơn 2 triệu USD.

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, Trần Minh Sơn (1991) đồng sáng lập và hiện phụ trách kinh doanh của Lozi nói rằng, ý tưởng về Lozi bắt đầu vào khoảng tháng 5/2012. Khi đó, Sơn và Hoàng Trung (sinh năm 1992, hiện là CEO của Lozi) đều đang theo học đại học ở nước ngoài. Sơn học ở Mỹ, năm 3 ngành marketing còn Trung học tại Hàn Quốc, năm 2 ngành khoa học máy tính.

{keywords}
Nhóm sáng lập Lozi: Nguyễn Hoàng Trung (ngoài cùng, trái), Trần Minh Sơn, Nguyễn Đức Huy, Đoàn Minh Tú. Ảnh: NVCC.

“Lúc đó, hai người trao đổi với nhau rằng, nếu như một người xa nhà lâu ngày như mình về Việt Nam mà muốn tìm món gì ăn ngon thì phải làm thế nào? Lúc đó, không biết tìm ở đâu một trang cung cấp những thông tin như thế”, Sơn kể. Từ đó đôi bạn 9X nghĩ tới một trang web chia sẻ địa điểm ăn uống cho những người trẻ như mình.

Cùng với hai bạn khác, Sơn và Trung bắt đầu xây dựng và phát triển một mạng xã hội chia sẻ ảnh và địa điểm ăn uống với tên gọi là Lozi. Từ nhóm 4 người, tới nay, Lozi đã thành lập được công ty với gần 50 thành viên, hầu hết đều là những bạn trẻ thuộc thế hệ 9X.

“Hầu hết các bạn thành viên của Lozi sinh năm 93-94. Người lớn tuổi nhất sinh năm 1988 còn người trẻ nhất mới sinh năm 1997”, Minh Sơn tiết lộ.

Phần lớn là những người trẻ và bắt đầu hoàn toàn từ con số không, thế nhưng Lozi đã có sự phát triển khá nhanh. Hiện tại, Lozi đã có trên 600 ngàn người dùng đăng ký với hơn 250 ngàn địa điểm ăn uống được chia sẻ. Lượng truy cập website của Lozi hàng tháng là hơn 4 triệu. Ứng dụng Lozi cho smartphone cũng có hơn 500 ngàn lượt tải.

Lozi cũng là một trong số không nhiều ý tưởng được sự hỗ trợ, tư vấn từ Dự án Thung lũng Sillicon Việt Nam, nơi nhóm của Sơn được gặp gỡ giao lưu nhiều đối tác và nhận được sự tư vấn trong nhiều vấn đề, từ marketing, quản trị nhân sự... mà những người trẻ của Lozi hoàn toàn rất ít kinh nghiệm.

Mới đây nhất, Lozi vừa nhận được khoản đầu tư lên tới triệu USD quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan của Nhật Bản. Không tiết lộ chi tiết số tiền đầu tư từ hai công ty Nhật, song Minh Sơn cho biết, trước khi nhận đầu tư, Lozi đã được định giá là hơn 2 triệu USD.

Minh Sơn cũng cho biết, hiện tại, Lozi vẫn chưa tính tới chuyện kinh doanh. “Trước mắt Lozi cần tạo nên sản phẩm tốt, có cộng đồng tốt rồi sau đó mới nghĩ tới mô hình kinh doanh”, Sơn nói và giải thích rằng, nhiều công ty, dự án của các nhóm tại Việt Nam quá quan tâm tới phát triển nóng, tới dòng tiền nên đánh mất giá trị cốt lõi. “Lozi không muốn đi vào vết xe đổ có sẵn đó”.

Bỏ đại học chứ không ngừng học

Trong cuộc trò chuyện, tôi hỏi Sơn gia đình ý kiến thế nào về việc Sơn bỏ dở việc học đại học tại Mỹ để “đặt cược” vào một dự án khởi nghiệp mà khi đó không ai biết chắc có thể thành công hay không. Sơn kể, lúc đó bố mẹ đều phản đối quyết định của mình vì gia đình em vốn coi trọng việc học hành.

{keywords}
Các thành viên xây dựng Lozi đều còn rất trẻ, nhiều bạn còn đang là sinh viên. Ảnh: NVCC.

Từ năm cấp 3, Sơn đã theo học tại Mỹ rồi nhận học bổng vào học đại học. Bố mẹ và chị gái của Sơn cũng đều học ở nước ngoài. Vì thế, quyết định bỏ học về Việt Nam để khởi nghiệp của Sơn khiến cả gia đình bất ngờ và không đồng tình.

Sơn kể, mặc dù bố mẹ không đồng ý nhưng vẫn hỗ trợ khi Sơn cần. Chi phí hoạt động ban đầu của Lozi cũng có phần tiền của cha mẹ Sơn. Hiện tại, Sơn đã có thể lo cho cuộc sống của cá nhân và gia đình nhưng bố mẹ vẫn chưa hết lo.

“Trước thì bố mẹ lo rằng, trong một ngàn người chỉ có 1 người làm được, không biết con mình có làm được không. Bây giờ thì làm được rồi nhưng lại lo không biết có giữ được không”, Sơn chia sẻ.

Tôi hỏi Sơn, nếu như Lozi thất bại, liệu Sơn có hối tiếc vì đã đánh đổi việc học ở Mỹ để quay về Việt Nam khởi nghiệp hay không? Sơn nói, điều Sơn và các bạn xác định là phải theo đuổi cái mình muốn làm một cách triệt để.

“Đã có ý định cái gì thì phải làm. Có thể thành công hay thất bại nhưng vẫn phải làm cái đã”, Sơn quả quyết.

Còn việc bỏ học, Sơn cho rằng, mình và các bạn chỉ tạm ngưng học tại môi trường đó thôi chứ không có nghĩa là không tiếp tục học nữa. Bởi lẽ, trong quá trình khởi nghiệp của mình, Sơn và các bạn đã học được rất nhiều.

“Trong quá trình đó, tôi đã tích lũy được những kinh nghiệm đáng giá mà bằng cấp không nói lên vấn đề gì cả”, Sơn nói. Chàng trai mới 25 tuổi khẳng định, hiện tại, mình đã có thể tự tin rằng, nếu không làm việc ở Lozi nữa vẫn có thể tới làm việc ở một công ty khác mà không cần tới bằng cấp.

“Vấn đề là cá nhân có tự học, tự vươn lên hay không”, Sơn nói. Tuy nhiên, Sơn cũng khẳng định, quãng thời gian du học tại Mỹ là thời gian vô giá đối với mình.

Tôi hỏi Sơn có nghĩ về một sản phẩm phục vụ cộng đồng khi bắt đầu làm Lozi hay không? Sơn trả lời rằng, quan niệm về phục vụ cộng đồng với mình rất đơn giản. Đó là một sản phẩm mình làm ra, đem về nhà giải thích cho cha mẹ, chú bác, những người không rành về công nghệ thông tin hiểu được trong vòng 30 giây.

Sơn nói rằng, luôn tâm niệm điều này nên Sơn và các bạn luôn cảm thấy sản phẩm mình làm ra chưa đủ tốt để tạo động lực để luôn hoàn thiện hơn nữa sản phẩm của mình.

Sơn nói, hiện tại, Lozi chỉ mới đang ở giai đoạn đầu, song Sơn và các bạn mong muốn mong muốn sẽ xây dựng Lozi theo mô hình của những công ty công nghệ lớn của thế giới như Google, Facebook. Không phải ai bỏ học cũng thành công, song hy vọng rằng, với bản lĩnh, sự tự tin, Sơn và nhóm sáng lập Lozi sẽ thực hiện được hoài bão của mình.

Lê Văn