- Giải thưởng Kovalevskaia 2015 đã được trao cho PGS Đặng Thị Cẩm Hà, tác giả của chuỗi công trình nghiên cứu xử lý đất nhiễm dioxin do Mỹ sử trong chiến tranh tại Việt Nam.

Cùng nhận giải thưởng Kovalevskaia năm nay là TS. BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, người có nhiều nghiên cứu về kỹ thuật lọc máu, ghép tạng áp dụng thành công trong thực tiễn.

{keywords}

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (thứ 2, từ trái sang) và bà Trương Thị Mai (phải), Ủy viên Bộ Chính trị, Trương ban Dân vận Trung ương trao giải Kovalevskaia cho PGS. Đặng Thị Cẩm Hà (thứ 2, từ phải sang) và TS. BS. Phạm Thị Ngọc Thảo (trái)

Lễ trao giải Kovalevskaia 2015 được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức sáng nay, 6/3, tại Hà Nội. Năm nay là năm thứ 30, giải thưởng Kovalevskaia được trao cho các nhà khoa học nữ Việt Nam.

PGS Đặng Thị Cẩm Hà nguyên là Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trong hơn 20 năm say mê nghiên cứu khoa học, PGS Đặng Thị Cẩm Hà đã chủ nhiệm gần 30 đề tài, dự án các cấp, công bố hơn 160 công trình khoa học công nghệ trong và ngoài nước.

Công trình nghiên cứu về công nghệ làm sạch dầu ô nhiễm ở các môi trường sinh thái khác nhau bằng công nghệ phân hủy sinh học (bioremediation) được PGS Hà và cộng sự hiện từ năm 1998 tới nay vẫn hoạt động tốt tại 5 kho dầu lớn nhất của khu vực miền Bắc.

Công nghệ xử lý màu thuốc nhuộm bằng hoạt tính bằng tổ hợp các enzyme laccase giúp loại bỏ từ 20-96% các màu thuốc nhuộm dùng để nhuộm vải ở Việt Nam, có thể ứng dụng không chỉ cho xử lý màu thuốc nhuộm mà còn xử lý cả các chất ô nhiễm nồng độ thấp.

Đặc biệt, chuỗi công trình nghiên cứu xử lý đất ô nhiễm chất dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam tại Đà Nẵng và Biên Hòa bằng công nghệ phân hủy sinh học đã được thực hiện 10 năm nay với kết quả được đánh giá rất cao. Hiện chưa có công bố nào trên thế giới về khử độc đất nhiễm dioxin có hiệu quả bằng công nghệ sinh học và thực hiện ở hiện trường quy mô lớn như ở Việt Nam.

Với những công trình nghiên cứu thành công, khả năng ứng dụng cao, PGS Đặng Thị Cẩm Hà đã nhận nhiều giải thưởng. Ngoài ra, PGS Hà còn đang sở hữu 9 bằng sáng chế và 2 giải pháp hữu ích thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học môi trường.

Trong khi đó, TS. BS Phạm Thị Ngọc Thảo gắn tên tuổi và sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình với công việc hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM.

TS. BS Thảo đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có các đề tài như: "Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bện tại khoa Hồi sức cấp cứu", "Ghép gan trên người sống cho gan sống và người hiến tạng chết não"…

Ngoài nghiên cứu  khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới trong công tác điều trị tại bệnh viện, TS. BS Thảo cũng là người rất tích cực tham gia công tác đào tạo cán bộ, bác sĩ tuyến dưới và cán bộ trẻ, thực hiện đề án giảm tỉ lệ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên.

Chuyển giao vị trí Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia

Tại lễ trao giải Kovalevskaia 2015, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam từ 1985 tới nay đã chuyển giao vị trí Chủ tịch giải thưởng cho bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hộ Chủ nghĩa Việt Nam.

Giải thưởng Kovalevskaiamang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỉ XIX - Sophia Kovalevskaia (1850-1891). Bà là phụ nữ đầu tiên trong kỷ nguyên cận đại nhận bằng Tiến sĩ Toán học, được phong hàm giáo sư đại học và bầu làm Viện sĩ Thông tấn Viện hàn lâm khoa học đế chế Nga.

Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam được trao từ năm 1985 cho các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Trong 30 năm qua, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước làm chủ tịch, đã xét chọn và trao giải thưởng cho 17 tập thể và 44 cá nhân có thành tích nghiên cứu và ứng dụng nổi bật trong các lĩnh vực khác nhau.

Lê Văn