Một cuộc khỏa sát ngẫu nhiên với 2000 website bán hàng trực tuyến trong tháng 1/2016 cho thấy, công việc kinh doanh online chưa bao giờ là "dễ dàng" tại Việt Nam.

Theo Bizweb, đơn vị tiến hành khảo sát, có tới gần 40% chủ shop online thừa nhận hoạt động kinh doanh của họ không tăng trưởng, khi kết quả chỉ bằng hoặc tệ hơn so với năm ngoái. Điều này đặc biệt đúng với những shop có quy mô nhỏ, tiềm lực yếu, khi mà 72% các shop online đang kinh doanh dậm chân tại chỗ, thậm chí là đi lùi nằm ở nhóm có doanh thu dưới 200 triệu/năm.

{keywords}
Gần 40% shop bán hàng qua mạng tại VN kinh doanh giậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi trong năm 2015

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, mà dễ thấy nhất là sự cạnh tranh quá khốc liệt của thị trường, khi “nhà nhà, người người buôn bán online”. Bên cạnh đó, một nguyên nhân chủ quan là khâu làm hình ảnh của các cửa hàng này vẫn còn yếu.

Một phát hiện đáng chú ý nữa là các shop online Việt Nam hiện có xu hướng sử dụng tất cả các kênh bán hàng có thể dùng như website, mạng xã hội, sàn giao dịch, diễn đàn, rao vặt, mua theo nhóm, bán tại cửa hàng… Trên 28% các shop tham gia khảo sát sử dụng đồng thời tất cả các kênh này.

Thay vì chỉ bán hàng trên kênh đơn lẻ, họ sẵn sàng tham gia tất cả các kênh và phân bổ nguồn lực vào những kênh chính. Các shop online đang có xu hướng bán hàng đa kênh giữa website - mạng xã hội - sàn giao dịch TMĐT. Trong đó, website và Facebook là 2 kênh bán hàng mà các shop tập trung chủ yếu. Có tới 95-98% các shop online sử dụng hai kênh này và quá nửa trong số đó đánh giá cao hiệu quả của chúng  - tỷ lệ này cao gấp đôi so với các kênh bán hàng khác.

Zalo là một kênh bán hàng còn khá mới mẻ nhưng cũng đã có 64% shop sử dụng, trong đó hơn 1 nửa sử dụng Zalo như một kênh bán hàng chính và 26,2% đánh giá có hiệu quả tốt (cao hơn forum hay các trang rao vặt). Ngược lại, có thể nói bán hàng trên các kênh mua theo nhóm kiểu Nhóm mua đã đi qua giai đoạn bùng nổ hồi đầu những năm 2012 - 2013, bằng chứng là chỉ có 46% shop còn sử dụng kênh bán hàng này, đồng thời hiệu quả cũng ở mức thấp nhất trong các kênh (chỉ có 18,8% chủ shop đánh giá là có hiệu quả).

Một nguyên nhân nữa khiến cho bán hàng trực tuyến chưa thực sự phát triển mạnh tại Việt Nam là vì thói quen và tâm lý tiêu dùng của người dân. Họ vẫn chuộng việc mua sắm "nhìn tận mắt, sờ tận tay" hơn so với mua hàng trên mạng, cũng như thích giao dịch tiền mặt trực tiếp hơn là thanh toán bằng thẻ. Việc nhiều website "con sâu làm rầu nồi canh", bán hàng kém chất lượng, đội giá càng khiến cho người dùng e dè và cảnh giác hơn. Hẳn độc giả vẫn chưa quên vụ việc lùm xùm vào tháng 12 vừa qua, khi nhiều website tham gia ngày Mua hàng trực tuyến Online Friday 2015 của Việt Nam bị tố là bán hàng fake, khuyến mãi ảo...

{keywords}
Ngày Mua sắm Trực tuyến 2015 bị "tố" có nhiều website bán hàng fake, khuyến mãi ảo

Đồng thời, nhiều website nhỏ mới chỉ dừng lại ở bước giới thiệu mặt hàng trên website để cho người dùng "chọn online" chứ chưa bán hàng theo đúng nghĩa. Các khâu thanh toán chủ yếu vẫn chỉ là COD (giao hàng mới thu tiền) và chuyển khoản ngân hàng (hơn 80% đều áp dụng 2 hình thức thanh toán này, trong đó có trên dưới 60% shop áp dụng thường xuyên hàng ngày, hàng tuần). Các kênh thanh toán còn lại như ví điện tử, thanh toán thẻ trực tuyến… chiếm tỷ lệ rất ít (69% shop không áp dụng thanh toán bằng ví điện tử, 55% shop không tích hợp thanh toán trực tuyến).

T.C