- Ruồi đục quả đang trở thành rào cản lớn nhất cho việc xuất khẩu thanh long ra những thị trường khó tính. Kỹ thuật triệt sản côn trùng (SIT) được coi là lời giải tối ưu cho bài toán “được mùa mất giá, được giá mất mùa” lâu nay.

Đau đầu tìm lối ra cho quả thanh long

Với diện tích gần 30 ngàn ha, Việt Nam là nước trồng và xuất khẩu thanh long lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, 75-80% thanh long Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, chủ yếu qua đường tiểu ngạch.

{keywords}
Người dân trồng thanh long luôn rời vào tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Những người dân Bình Thuận rồi Long An, Tiền Giang có lẽ không lạ gì cảnh các thương lái Trung Quốc thu mua quả thanh long Việt Nam rồi đóng thương hiệu Trung Quốc xuất về nước mỗi khi vào chính vụ.

Không chỉ phải “làm thị trường cho Trung Quốc”, giống như hầu hết các loại rau quả xuất khẩu khác, việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc khiến quả thanh long dễ dàng ra “đứng đường” với giá “như cho” mỗi khi thị trường Trung Quốc “hắt hơi sổ mũi”.

Để giải bài toán “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của nông dân, giải pháp duy nhất là phải đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm những thị trường mới cho quả thanh long, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường như lâu nay.

Thực tế, những thị trường như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Đông, Đài Loan đều có nhu cầu nhập khẩu trái thanh long Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm qua, con số xuất khẩu sang những thị trường này vẫn rất lẹt đẹt.

Thống kê năm 2013 cho thấy, sản lượng thanh long Việt xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ chiếm 0.4%, toàn bộ châu Âu: 4%, Nhật Bản: 0,1% và Thái Lan 0.4%... Với sản lượng hơn 500 ngàn tấn/năm, nghĩa là mỗi năm chúng ta xuất sang các thị trường này chỉ vài ngàn tấn.

Một trong những nguyên nhân chính khiến sản lượng thanh long xuất khẩu sang thị trường này liên tục “èo uột” trong nhiều năm là bởi đây là những thị trường khó tính, yêu cầu rất khắt khe về chất lượng và các sản phẩm nhập khẩu bao giờ cũng được kiểm dịch rất gắt gao.

Năm 2015, Bình Thuận, vùng trồng thanh long lớn nhất cả nước với diện tích thực tế hơn 20 ngàn ha đã ký được hợp đồng xuất khẩu quả thanh long sang Nhật Bản trong 5 năm, mỗi năm 3 ngàn tấn. Nếu hợp đồng này được thực hiện, mỗi năm, sản lượng xuất khẩu trái thanh long sang Nhật sẽ tăng từ 0,1% lên 0,6%.

Tuy nhiên, để có được hợp đồng xuất khẩu 3.000 tấn/năm xuất sang Nhật Bản, Bình Thuận phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe: quả từ 300 gram trở lên, đạt tiêu chuẩn của Nhật về dư lượng hóa chất. Ngoài ra, toàn bộ lô hàng được xử lý qua hơi nước nóng (gia nhiệt) để loại bỏ ruồi đục quả và tăng chất lượng sản phẩm. Hệ thống xử lý được chính Nhật bán cho Việt Nam kèm theo hợp đồng.

Theo TS Lê Đức Khánh, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến thanh long nói riêng và rau quả Việt Nam nói chung khó tìm được thị trường xuất khẩu ngoài Trung Quốc là bởi các rào cản về kiểm dịch thực vật, trong đó ruồi đục quả là nguyên nhân số 1.

{keywords}
Ruồi đục quả thanh long là cản trở số một khiến quả thanh long Việt Nam khó tìm được thị trường xuất khẩu mới.

“Tất cả các loại quả Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu đều bị ruồi đục quả, do đó, khó tìm được thị trường xuất khẩu bởi vì khi phát hiện ra ruồi đục quả thì các nước sở tại sẽ đặt ra các rào cản kiểm dịch rất gắt gao”, TS Khánh nói.

TS Khánh cho biết, ruồi đục quả thích ứng rất rộng với các ký chủ, nên một loại ruồi có thể ký sinh trong rất nhiều loại quả. Chính vì vậy, các nước rất sợ nhập khẩu sản phẩm mang theo loại ruồi này bởi một khi nhập khẩu, nó sẽ trở thành dịch hại cho nước đó. Đây cũng chính là lý do Nhật Bản khi ký hợp đồng nhập khẩu thanh long Bình Thuận đã yêu cầu toàn bộ lô hàng phải được xử lý qua hơi nước nóng để loại bỏ ruồi đục quả trước khi xuất đi.

Phép màu phóng xạ

Diệt ruồi đục quả trở thành yếu tố then chốt để thanh long Việt Nam có thể vào được những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật hay châu Âu. Tuy nhiên, theo TS Khánh, các biện pháp diệt trừ ruồi đục quả bằng hóa chất hay đặt bẫy không thực sự tiêu diệt được ruồi, để lại nhiều hậu quả về môi trường. Trong khi đó, các biện pháp xử lý sau thu hoạch (xử lý hơi nước nóng hay chiếu xạ) lại làm gia tăng đáng kể chi phí.

Theo TS Khánh, hiện nay, dưới sự giúp đỡ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Viện Bảo vệ thực vật đang triển khai biện pháp quản lý, phòng trừ ruồi hại quả diện rộng trên cơ sở sử dụng biện pháp triệt sản côn trùng (SIT).

Mô hình này gồm 2 bước. Bước một sử dụng các biện pháp phòng trừ ruồi trên đồng ruộng trên diện rộng gồm treo bẫy tiêu diệt ruồi đực và dùng bả protein tiêu diệt cả ruồi được lẫn ruồi cái.

{keywords}
Biện pháp quản lý ruồi hại quả diện rộng trên cơ sở kỹ thuật triệt sản côn trùng sẽ mở ra hướng mới trong xuất khẩu thanh long của Việt Nam.

Khi mật độ ruồi đã giảm tới mức độ rất thấp, không gây hại đáng kể sẽ chuyển sang bước hai, thả những con ruồi đực đã được chiếu xạ thành những con ruồi bất dục vào cánh đồng. Những con ruồi bất dục sẽ cạnh tranh giao phối với những con ngoài tự nhiên khiến ruồi không thể sinh sản được nữa, từ đó tạo ra một vùng không có ruồi đục quả.

Đây là biện pháp được cho là có thể xử lý “vấn nạn” ruồi đục quả ngay trên đồng ruộng và đạt tiêu chuẩn xuất thẳng sang những thị trường khó tính mà không cần xử lý sau thu hoạch với những máy móc tốn kém. Biện pháp này cũng đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng như Mỹ, Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản, Phillipines,…

“Biện pháp này cũng giúp chúng ta tránh được những hậu quả về sức khỏe và môi trường của một nền sản xuất dựa quá nhiều vào hóa chất như lâu nay”, TS Khánh nói thêm. Đó là chưa kể, việc tạo ra một vùng không có ruồi cũng giúp các loại hoa quả khác ngoài thanh long được hưởng lợi vì ở Việt Nam, một loại ruồi có thể sống ký sinh trên nhiều loại quả.

Chia sẻ thêm về dự án, TS Lê Thị Thanh Hiền, Bộ môn Côn trùng, Viện Bảo vệ Thực vật, đồng chủ nhiệm dự án cho biết, với sự hỗ trợ của IAEA, giai đoạn một của dự án đã triển khai từ năm 2012 nhằm thực hiện bước một của mô hình là giảm mật độ ruồi trên quy mô 1.000 ha thanh long ở Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.

Kết quả cho thấy, tại những nơi xây dựng mô hình trấn áp ruồi đục quả, tỉ lệ quả thanh long bị ruồi gây hại chỉ dưới 3% (2,88%). Trong khi vườn của nông dân chỉ số này vẫn ở mức cao, gần 6%.

“Kết quả này được phía IAEA đánh giá rất cao và sẽ mở ra một chiến lược phát triển thanh long bền vững, hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu quả thanh long ở Việt Nam”, TS Hiền cho hay.

Trên cơ sở kết quả của giai đoạn 1, từ đầu năm 2016, IAEA đã đồng ý tiếp tục hỗ trợ dự án triển khai bước 2 của mô hình này. Theo đó, phía IAEA sẽ hỗ trợ Việt Nam khoản kinh phí không hoàn lại lên tới 7,3 triệu Euro, trong đó có có 3 triệu Euro để xây dựng cơ sở triệt sản côn trùng để tạo ra các giống ruồi bất dục.

“Nếu dự án được phê duyệt theo đúng kế hoạch thì sẽ triển khai từ tháng 3 tới và dự kiến tới năm 2017-2018, chúng ta sẽ thả những con ruồi bất dục đầu tiên do Việt Nam nuôi vào các vườn thanh long ở Bình Thuận”, TS Hiền cho biết. Theo TS Hiền, hiện nguồn ngân sách từ phía IAEA đã sẵn sàng, dự án chỉ còn đợi phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

Lê Văn

XEM CÁC TIN CÔNG NGHỆ KHÁC