- Điều khiển bằng giọng nói, bằng cử động đầu hay gọi điện tới số khẩn cấp, cảnh báo khi gặp nguy hiểm… Chiếc xe lăn của nhóm sinh viên Đại học Kỹ thuật Hưng Yên xứng đáng với tên gọi “xe lăn siêu thông minh”.

Nhà sáng chế sinh viên và chiếc "siêu xe lăn"

Tham gia và đoạt giải Nhất tại cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo 2015 do TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức, chiếc xe lăn thông minh của nhóm sinh viên Bùi Xuân Tài, Nguyễn Văn Đại, Tạ Quang Quân được ban giám khảo đánh giá cao khi có khả năng ứng dụng rất cao.

{keywords}
Nhóm của Quân (giữa) đoạt giải Nhất tại cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo 2015 với sản phẩm xe lăn thông minh. Ảnh: Lê Văn.

Trao đổi với chúng tôi, Tạ Quang Quân, trưởng nhóm cho biết, Quân hình thành ý tưởng về một chiếc xe lăn thông minh từ khi còn là sinh viên năm thứ 2 đại học khi chứng kiến một người thân của em gặp khó khăn trong việc đi lại do chấn thương.

“Tuy nhiên, vào thời điểm đó, bọn em chưa có đủ kiến thức cũng như thời gian để hiện thực hóa ý tưởng của mình nên chủ yếu là đọc và tập hợp các tư liệu liên quan”, Quân kể.

Cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo đã cho Quân và các bạn cơ hội để thực hiện ý tưởng của mình. Với một chiếc bo mạch được ban tổ chức phát cho 50 ý tưởng được gửi đến, nhóm 3 sinh viên đã bắt tay vào sáng tạo nên chiếc xe lăn “trong mơ” của mình.

Sau hơn bốn tháng mày mò, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô trong khoa Công nghệ Thông tin, Quân và các bạn trong nhóm đã tạo nên chiếc xe lăn thông minh với rất nhiều tính năng hiện đại và rất độc đáo.

Quân cho biết, chiếc xe lăn của nhóm mình được tích hợp khoảng 8 tính năng thông minh được thiết kế và lập trình dựa trên bo mạch được ban tổ chức cung cấp. Các tính năng bao gồm: Điều khiển bằng điện qua joystick, điều khiển bằng điện thoại, điều khiển bằng giọng nói, điều khiển bằng cử chỉ đầu, gọi điện trong tình huống khẩn cấp, cảnh báo khi gặp nguy hiểm (vật cản, cầu thang), xác định vị trí xe và cả tính năng nghe nhạc…

Với tính năng điều khiển bằng giọng nói, người dùng chỉ cần ra lệnh cho chiếc xe “tiến, lùi” hoặc “rẽ trái, rẽ phải”… chiếc xe sẽ tự động nhận diện giọng nói và thực hiện theo. Quân cho biết, khả năng nhận lệnh qua giọng nói của chiếc xe có độ trễ khá thấp (chỉ vài trăm mili giây) nên người dùng không lo lắng về sự an toàn. Tuy nhiên, Quân cũng thừa nhận, chiếc xe sẽ không nhận được lệnh nếu người nói bị ngọng hay nói sai ngữ pháp.

Tính năng điều khiển bằng đầu là tính năng được cả nhóm của Quân tâm đắc nhất. Với chiếc tai nghe được trang bị cảm biến chuyển động, người dùng chỉ cần cúi đầu chiếc xe sẽ tự đi về phía trước, hơi ngửa ra sau để chiếc xe dừng lại. Nghiêng đầu sang trái để chiếc xe rẽ trái và nghiêng sang phải để rẽ phải.

“Nhiều người lo ngại khi người dùng cúi đầu về phía trước quá xe không nhìn thấy đường nhưng chúng em đã điều chỉnh để cảm biến chuyển động rất nhạy, người dùng chỉ cần cúi nhẹ đầu về phía trước là chiếc xe đã có thể chuyển động, không ảnh hưởng tới việc nhìn đường”, Quân cho hay.

Với mong muốn đảm bảo an toàn cho người dùng, chiếc xe lăn cũng được tính hợp bộ cảm biến để phát tín hiệu cảnh báo khi phía trước có vật cản hay những khoảng trống không bằng phẳng như hố sâu hay cầu thang. Chiếc xe cũng có cho phép những người thân xác định chính xác vị trí của chiếc xe lăn từ xa thông qua tin nhắn SMS và ứng dụng được phát triển riêng.

Giấc mơ đưa sản phẩm ra thị trường

{keywords}
Sản phẩm mẫu của chiếc xe lăn thông minh được chế tạo từ một chiếc xe lăn cũ. 

Để tạo nên chiếc xe lăn thông minh, Quân và các bạn trong nhóm đã trải qua những ngày tháng lao động sáng tạo miệt mài. Quân cho hay, ngoài chiếc bo mạch do ban tổ chức cấp, các em hoàn toàn không có khoản kinh phí nào khác. Cả nhóm đã phải bỏ tiền mua những vật liệu và dụng cụ cần thiết với tổng kinh phí lên tới 6-7 triệu đồng, một số tiền khá lớn đối với sinh viên.

Tuy nhiên, nhận được sự hỗ trợ của bạn bè cũng như sự hướng dẫn của các thầy cô, Quân và các bạn đã vượt qua những khó khăn, hạn chế để hoàn thành sản phẩm của mình. Quân cho biết, công việc trong nhóm được phân công một cách cụ thể, rõ ràng. Một bạn phụ trách phần cơ khí, một bạn phụ trách phần lập trình mạch, một bạn còn lại phụ trách phần lập trình ứng dụng. Mỗi bạn đều cố gắng hoàn thành tốt phần việc của mình. Chỗ nào khó, cả ba lại cùng bàn thảo và nhờ thầy giáo trong trường hướng dẫn thêm.

Việc đoạt giải nhất tại cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo là một niềm vui lớn đối nhóm của Quân và các bạn sinh viên trường Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, dù giải thưởng cho giải nhất chỉ 10 triệu đồng. Bởi lẽ, giải thưởng đã mở ra cho Quân và các bạn nhưng ước mơ xa hơn một sản phẩm dự thi.

Quân cho biết, hiện tại, nhóm của em đang làm thủ tục để đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm xe lăn của mình và đang tìm kiếm các đối tác để có thể thương mại hóa sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường. “Hiện tại, giá của một chiếc xe lăn chạy điện trên thị trường Việt Nam vào khoảng trên dưới 20 triệu đồng dù không có tính năng gì cả. Chúng em sẽ cố gắng để chiếc xe lăn thông minh của mình được bán ra với giá không quá 10 triệu đồng”, Quân quả quyết.

Nhà sáng chế vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường cho biết, nhóm có thể đưa ra nhiều phiên bản với những tính năng khác nhau để người dùng có thể lựa chọn tùy theo nhu cầu sử dụng thực tế của mỗi người. Ngoài ra, trong thời gian tới, nhóm của Quân sẽ tập trung triển khai thêm các tính năng về sức khỏe (đo nhịp tim, huyết áp…) và cả tính năng phục hồi chức năng cho những người đang trong quá trình điều trị.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Lê Thanh Hiếu, giảng viên Khoa CNTT, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho biết, nhóm sinh viên Quân – Đại – Tài là nhóm nghiên cứu sinh viên thuộc phòng nghiên cứu hệ thống nhúng của Khoa CNTT. Đây là nhóm sinh viên có nhiều ý tưởng và năng lực, vì vậy, khi các em đề xuất ý tưởng đã được các thầy cô trong khoa ủng hộ tích cực để tham gia cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam.

Thầy Hiếu cũng cho biết, trong nhiều năm nay, khoa và trường luôn ý thức đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của các em sinh viên theo hướng ứng dụng vào thực tế, nhiều sản phẩm của các em sinh viên hiện đang được ứng dụng ngay tại khoa.

“Hiện tại, khoa và nhà trường đang hỗ trợ nhóm hoàn thiện các thủ tục để đăng ký sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm này. Trong tương lai, khi có cơ hội thương mại hóa sản phẩm, nhà trường cũng sẽ hỗ trợ nhóm tối đa”, thầy Hiếu cho hay.

Trong khi đó, trao đổi với VietNamNet, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam đánh giá cao các sản phẩm của các bạn sinh viên đã trực tiếp giải quyết các vấn đề của cuộc sống. “Điều đó thể hiện sự quan tâm của các bạn sinh viên đối với các vấn đề thực tế của đời sống xã hội xung quanh”, ông Phong nói. “Trung ương Đoàn sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa để các bạn sinh viên có thể ứng dụng các ý tưởng cũng như sản phẩm của mình vào cuộc sống”, ông Phong nói thêm.

Xem video trình diễn các tính năng của chiếc xe lăn thông minh (nguồn VTV):

Lê Văn

XEM CÁC TIN CÔNG NGHỆ KHÁC