Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Bộ Tư pháp đăng tải trên Cổng thông tin Bộ này vẫn giữ Điều 292 - “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”.

Dự thảo đang được lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp một cách chính thức để tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016.

{keywords}
Bộ Tư pháp vẫn bảo lưu quan điểm và giữ Điều 292 trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Như vậy là mặc dù cộng đồng công nghệ, đặc biệt là giới khởi nghiệp, và các Hiệp hội như Vinasa, VCCI đã đồng loạt lên tiếng "kêu cứu", kiến nghị, kêu gọi bỏ Điều 292 khỏi dự thảo Luật, Bộ Tư pháp vẫn quyết định giữ lại Điều luật này, ít nhất là tính đến thời điểm hiện tại.

Trong dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Tư pháp cho biết trong quá trình soạn thảo, Bộ này đã tổ chức nghiên cứu nghiêm túc các ý kiến phản ánh của các Bộ Công an, Quốc phòng, Thông tin & truyền thông, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao liên quan đến một số điều khoản của BLHS 2015; các ý kiến phản ánh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) liên quan đến Điều 292 của BLHS năm 2015.

So với phiên bản trước, dự thảo đang lấy ý kiến đã "sửa đổi, bổ sung theo hướng thu hẹp hợp lý phạm vi xử lý hình sự đối với tội danh này bằng cách nâng cao hơn mức định lượng thu lợi bất chính, từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bỏ dấu hiệu định lượng doanh thu tại các cấu thành định tội và định khung tăng nặng để đảm bảo tính thống nhất của BLHS không xem xét xử lý dựa trên dấu hiệu doanh thu của cá nhân, tổ chức;

Riêng đối với các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông (điểm e Khoản 1 Điều 292), tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, ý kiến của các chuyên gia, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng thay "các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật" bằng "các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của Luật", nhằm giới hạn phạm vi, thẩm quyền quy định các loại hành vi này.

Cụ thể, “Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm: a) Kinh doanh vàng miếng trên tài khoản; b) Sàn giao dịch thương mại điện tử; c) Kinh doanh đa cấp; d) Trung gian thanh toán; đ) Trò chơi điện tử trên mạng;  e) Phương án 1: Liệt kê cụ thể các dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông; Phương án 2: bỏ điểm này”.

Lý giải cho quan điểm của mình, Bộ Tư pháp cho biết có hai luồng ý kiến liên quan đến Điều 292. Luồng thứ nhất cho rằng kinh doanh trên mạng hiện nay là một hướng phát triển tiềm năng, ngày càng có nhiều người tham gia. Song bên cạnh việc tạo điều kiện cho những người làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật thì cũng cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này mà vi phạm pháp luật. Những dịch vụ được nêu trong Điều 292 của BLHS là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện và việc kinh doanh này nếu được thực hiện trên mạng máy tính, mạng viễn thông thì sẽ rất khó kiểm soát và dễ xảy ra vi phạm, số người bị hại có thể lên đến hàng trăm, hàng ngàn người. Việc BLHS năm 2015 quy định tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông là nhằm góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh trên mạng; bảo vệ những người làm ăn chân chính, đúng pháp luật, xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm pháp luật và thu lời bất chính lớn từ việc vi phạm đó; góp phần tăng cường sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, quy định của Điều 292 của BLHS năm 2015 có phạm vi tương đối rộng và các từ ngữ sử dụng trong điều luật chưa thật sự phù hợp với các quy định liên quan của pháp luật chuyên ngành. Do vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung theo hướng thu hẹp một cách hợp lý phạm vi xử lý hình sự về tội danh này, đồng thời điều chỉnh các quy định cụ thể trong điều luật cho phù hợp.

Còn theo luồng ý kiến thứ hai, cần loại bỏ hoàn toàn tội danh quy định tại Điều 292 của BLHS năm 2015 vì cho rằng, BLHS đã bỏ tội danh kinh doanh trái phép nhưng Điều 292 lại quy định tội “kinh doanh trái phép trên mạng”. Như vậy là không phù hợp. Hơn nữa, trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 ngành nghề nhưng Điều 292 chỉ quy định xử lý hình sự đối với một số ngành nghề trong số đó. Thêm vào đó, cũng những lĩnh vực kinh doanh nêu tại Điều 292 nếu thực hiện qua mạng thì bị xử lý hình sự còn nếu không thực hiện qua mạng thì không bị xử lý hình sự. Như vậy là có sự bất bình đẳng.

"Dự thảo Luật được thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất", Bộ Tư pháp nêu rõ.

Trước đó, Hiệp hội phần mềm Vinasa từng gửi bản kiến nghị phân tích 9 điểm mâu thuẫn, bất hợp lý của Điều 292, đồng thời lo ngại Điều khoản này đang gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong cộng đồng khởi nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp CNTT nói chung. VINASA khuyến cáo nếu được triển khai vào thực tế, Điều 292 sẽ "gây ra những hệ lụy nghiêm trọng" là đặt các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT nói riêng và mọi doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện vào nguy cơ bị hình sự hoá, tác động tiêu cực đến nỗ lực xây dựng Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp, cũng như ảnh hưởng xấu đến hình ảnh môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của Việt Nam...

Tương tự, VCCI cũng kiến nghị bãi bỏ Điều 292 và phi hình sự hóa các hành vi cung cấp dịch vụ không có/không đúng giấy phép đối với: Sàn giao dịch thương mại điện tử; Trò chơi điện tử trên mạng; Trung gian thanh toán; Các dịch vụ khác bao gồm trang thông tin điện tử, mạng xã hội, dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông. Hiệp hội này cũng tỏ ra đồng quan điểm với VINASA khi nhận định điều 292 không phù hợp với cách thức kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, nhất là các dịch vụ mới, doanh nghiệp khởi nghiệp.

T.C