- Đến xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam hỏi thăm hoàn cảnh gia đình chị Bảo, anh Chiến – hai chị em tâm thần có bố mẹ tham gia cách mạng ai ai cũng biết, cũng đau lòng.

Con đường làng ngoằn nghèo đầy sỏi đá và cỏ dại dẫn chúng tôi vào ngôi nhà nhỏ không có gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế cũ kỹ và 2 chiếc giường của chị em họ. 

Anh Trần Văn Tuấn, hàng xóm của chị em Bảo - Chiến tâm sự: “Ông Ao (bố của chị Bảo, anh Chiến) từng đi bộ đội bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, còn bà thì khi mang thai bị địch bắt và tra tấn dã man lắm. Nhìn hai người sống vật vờ như vậy chúng tôi buồn lắm, thương lắm nhưng biết làm sao được. Nhiều lúc nhìn chị Bảo cười vô hồn tôi vừa sợ vừa thương. Nghĩ cũng khổ cho ông bà Ao Diệu, sinh con ra mà đâu có được hưởng trọn niềm hạnh phúc, đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn lo cho các con”.

Chị Bảo suốt ngày ngồi bên hiên nhà cười ngơ ngẩn.

Chị Trần Thị Bảo (1954) và anh Trần Đăng Chiến (1967) tại thôn Đọi Nhất, Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam là con của ông Trần Đăng Ao và Trần Thị Diệu. Ông Ao từng là bí thư Đảng ủy xã Đọi Sơn hai nhiệm kỳ từ năm 1975 đến 1986, bà Diệu từng tham gia du kích chống Pháp.

Trong quá trình tham gia cách mạng, bà Diệu bị địch bắt và tra tấn dã man khi đang mang thai chị Bảo. Không biết có phải do ảnh hưởng từ sự tra tấn dã man, tàn bạo lên người mẹ mà chị Bảo khi sinh ra đầu to, chân bé, lớn lên cũng không thể đi lại như người bình thường. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người chăm lo. Bao năm qua, lúc nào người ta cũng thấy hình dáng nhỏ bé, thỉnh thoảng lại cười một cách khó hiểu của chị trước hiên nhà. Gặp người lạ không nói gì, cũng không nhìn vào ai, vô hồn trước cảnh vật con người.

Người con trai duy nhất của ông bà cũng bị tâm thần, ngớ ngẩn. Anh Chiến cao chưa đầy 1m suốt ngày đi lang thang. Đến tên chị gái anh cũng chẳng biết, luôn nhầm lẫn chị cả và chị hai.

Ông Ao và bà Diễn lần lượt qua đời hơn 10 năm nay. Mọi trách nhiệm đặt lên vai người con thứ hai của ông bà, chị Trần Thị Thảo. Chị đã lập gia đình ở làng bên, song thường xuyên phải sang thôn Đọi Nhất để chăm sóc chị gái và em trai. 

Anh Trần Đăng Chiến.

Kể từ khi cha mẹ qua đời, hai chị em Bảo - Chiến cơm canh thất thường, bữa no bữa đói. Chỉ khi nào chị Thảo sang mới có được bữa cơm “tươm tất”, nhưng đâu phải lúc nào chị cũng có thể dẹp chuyện đồng áng, chồng con sang một bên để sang chăm em ngớ ngẩn, chị tâm thần không tự sinh hoạt cá nhân được.

Đôi mắt hằn vết chân chim, dấu ấn của những lam lũ, vất vả của người con đang thay cha mẹ chăm sóc chị gái, em trai rơm rớm: “Mỗi khi lau người, ôm lấy thân hình nhỏ bé, gầy gò của chị cả tôi đau lòng lắm. Nhưng ba mẹ tôi còn đau hơn, ông bà chưa bao giờ được nghe hai tiếng bố mẹ từ chị, cho đến phút cuối cùng của cuộc đời. Thương cả cho em trai, cậu ấy là con trai trưởng trong nhà, nhưng bênh tật từ nhỏ, không thể lấy vợ sinh con đẻ cái để thờ cúng cha mẹ tổ tiên. Mà tôi thì không phải lúc nào cũng có thể ở bên chăm sóc chị và em được. Cũng nghèo khổ túng quẫn lắm”.

Ông Đinh Trọng Tế, trưởng thôn Đọi Nhất cho hay: “Đây là gia đình cách mạng, nhưng cũng là hoàn cảnh éo le, khó khăn nhất không chỉ trong thôn Đọi Nhất mà cả xã Đọi Sơn này, địa phương chúng tôi cũng rất quan tâm nhưng cũng không thể thay đổi được hiện thực. Cũng mong các nhà hảo tâm gần xa động viên chia sẻ giúp đỡ bớt đi phần nào đau thương, khốn khó”.

Loan Phạm