Ông Nguyễn Văn Sơn ở Mê Linh, Hà Nội bị mù từ nhỏ do biến chứng của bệnh đậu mùa. Việc ông bị mù không có gì lạ trừ việc ông có thể đi xe đạp vòng quanh huyện thu mua đồng nát. Người ta bảo ông có đôi tai và năng lực cảm nhận phi thường. Và điều này còn "phi thường" hơn nữa là ông vẫn kịp lấy 12 bà vợ và sinh được 30 người con!

Mù nhưng vẫn đạp xe

Lâu nay, người dân thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, Hà Nội đã quen với hình ảnh, từ 6 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Sơn, tục danh là Sơn “dù” , lọc cọc đạp xe đi từ trong ngõ đi ra đường lớn với lỉnh kinh bao bì trên giá đèo hàng. Nếu chỉ nhìn thế mà không nghe kể chuyện thì chẳng ai có thể tin rằng, ông Sơn mù đang trên đường đi thu mua đồng nát đấy!

Chúng tôi tìm về Chi Đông tìm ông Sơn. Không ngờ, cái tên Sơn “dù” lại nổi tiếng đến vậy. Từ đầu làng cuối xóm, ai ai cũng biết ông và các giai thoại về ông. Bà Bé, vợ cả bảo: “Ông Sơn ấy à, có mà giời tìm. Hai tuần trước ông ấy có về đây vài ngày, xong là đi rồi không biết bao giờ về”. Chúng tôi tìm đến nhà những người vợ khác của ông nhưng đều không gặp được. Câu chuyện về ông Sơn “dù” được chính các bà vợ ông kể lại.

Ông Sơn chuyên nghề đồng nát kiếm sống. Đi buôn thì đương nhiên phải có vốn, có tiền. Vậy, làm cách nào để ông Sơn phân biệt được mệnh giá tiền. Thì ra ông phân biệt bằng tay, nghĩa là chỉ cần rà ngón tay là ông biết đó là tiền gì. Thế nên, ông ấy đi buôn đồng nát, xe đạp, đài catset cũ mấy chục năm nay cũng chưa bị ai lừa bao giờ. Bật đài catset lên, nghe một lúc, sờ nắn một lúc là ông biết đó là đài Nhật hay đài Tàu. Xe máy cũng vậy, nghe tiếng máy là ông phân biệt được xe ấy là xe gì. Thậm chí, chỉ cần nghe tiếng xe máy một lần là ông nhớ xe ấy là xe của ai. Người ta gọi ông là “siêu mù” ngẫm cũng không ngoa.

{keywords}

Phóng viên trò chuyện với bà Mùa - vợ thứ 11 của ông Sơn. (ảnh: Hiền Anh)

Trông kiểu đạp xe của ông Sơn thì rất buồn cười. Ông chỉ nhấp nửa vòng pê-đan, đi thật chậm, từng tí một, y như thể trẻ con mới tập xe không với tới chân. Thấy còi xe hay có gì đó lạ lạ trên đường là ông dạt ra mép đường, loạng quạng như thể sắp ngã.

Chuyện tập xe đạp của ông Sơn cũng rất vui. Khoảng năm 1978, khi ông Sơn vẫn còn ở với bà vợ cả, trong một đêm, đứa con trai ông lên cơn đau bụng nhưng không mượn được ai bế con đi bệnh viện. Không còn cách nào khác, ông bảo bà vợ buộc dây vào tay ông dẫn đường rồi ôm con chạy một mạch ra viện huyện. Chạy tới nơi thì trời đã gần sáng, đứa con suýt chết vì viêm ruột thừa. Sau vụ ấy, ông Sơn nảy ra ý muốn tập xe đạp.

“Mù lòa, đi còn chả vững, nói gì đến đi xe đạp”, bà vợ ông cằn nhằn thế. Nhưng ông vẫn năn nỉ vợ giữ giúp để thử tập xe. Ông ngã lên ngã xuống, cứ gặp ổ gà là gã sõng soài. Thỉnh thoảng nhãng ý, cả người cả xe lai lao tuốt xuống ruộng. Chuyện đâm xe vào cột điện, gốc cây là chuyện thường. Về sau, vất vả quá, ông nghĩ ra một cách, ông lấy hai cái sọt tre cột vào sau xe để khi không giữ được thăng bằng sẽ không bị ngã lăn ra đường. Dần dần như thế, sau gần nửa năm tập tành, ông đã có thể đi xe ra quốc lộ được.

Khi chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên về việc làm sao ông nhớ được đường, bà Tính - vợ thứ tư của ông Sơn bảo: “Ông ấy mù mắt nhưng được cái thính tai, cái chân như có mắt nên chưa bao giờ đi lạc, cũng chưa đâm vào ai bao giờ, chỉ cần dẫn ông ấy đi một lần là ông nhớ như in từng ngóc ngách, tùng ổ gà giữa đường.

Nói tóm lại, ông "nhìn" bằng tai chứ không phải nhìn bằng mắt. Ông cảm nhận mọi sự vật thông qua sờ nắn và nghe ngóng nhưng chính xác đến tài tình. Thường thường, những người bị tàn phế một trong 5 giác quan nào đó thì những giác quan còn lại thường phát triển mạnh hơn để bù đắp phần việc của giác quan kia. Kiểu như người mù mắt thì rất thính, tai điếc thì mắt lại rất tinh. Như ông Sơn, có vẻ như giời không cho ông đôi mắt sáng nhưng lại cho ông đôi tai thính vượt bậc.

Nhiều người bảo rằng, ông Sơn dù được giời cho con mắt thứ ba. Có nhà khoa học từng nói, đại ý rằng, con mắt thứ ba là khả năng hiếm có và đó là cơ chế siêu vật lý mà khoa học chưa giải thích được. Nếu như chúng ta hiểu được cơ chế đó, mở được khả năng đó và nếu như người nào đó có thể khai mở con mắt thứ ba sẽ giúp cho người khiếm thị nhìn thấy. Đấy là cách ứng dụng cơ chế nhìn không bằng mắt. Biết đâu đấy, ông Sơn cũng thuộc nhóm những người này.

Còn tiếp...

(Theo Petrotimes)