Gọi là vào mùa, nhưng thời điểm để đánh trứng kiến chỉ rơi vào mấy ngày đầu và cuối tháng 3 âm lịch. Sau đó các tổ tiến sẽ bị tàng hoặc trứng sẽ nở thành con non. Vì thế tôi cho rằng mình là người may mắn, bởi không phải ai lên xã An Lạc, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang cũng có cơ hội được thưởng thức món thời trân được làm từ sản vật này.

Lộc rừng

Tháng tư bắt đầu mùa nắng, cũng là lúc người dân xã An Lạc (Sơn Động) bước vào vụ đánh trứng kiến - thứ quà tặng mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho núi rừng. Hẹn hò mãi nhưng phải chờ đúng hôm trời nắng đẹp, khô ráo chúng tôi mới tổ chức chuyến đi săn trứng kiến. Theo một nhóm người thôn Biểng lội suối, men theo lối mòn hơn 2km, chúng tôi đến khu rừng Cô Lìu thuộc bản Thác để tìm trứng kiến. Vọng từ núi bên kia, những tiếng gọi nhau í ới của những người đi tìm trứng kiến, khiến khu rừng bớt đi phần im ắng.

Theo kinh nghiệm của bà Hoàng Thị Hợp ở thôn Biểng, mỗi năm mùa lấy trứng kiến chỉ rơi vào những ngày đầu và cuối tháng 3 âm lịch, lúc này trứng rất mẩy nên các gia đình thường rủ nhau đi rừng lấy về ăn hoặc bán, ngày nghỉ học sinh cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội đi hái lộc rừng.

{keywords}

Hạ tổ kiến xuống và rũ trứng kiến.

Tổ kiến được hạ xuống gặp nắng to, kiến sẽ nhanh chóng tản ra ngoài, còn lại những hạt trứng trắng muốt như gạo, còn nếu mưa kiến nằm lỳ bên trong rất khó lấy trứng. Với người đi rừng lâu năm có nhiều kinh nghiệm, tổ nào nhìn có màu đen bạc, thớ tổ gờ to, cành cây hơi trĩu, khi chặt cành nâng lên thấy nặng tay, y như rằng tổ kiến mẩy. Tổ nào trông đen xì, xốp khỏi mất công chặt đốn, để gây dành đến mùa sau. Tuy nhiên, không phải loài kiến nào cũng có thể lấy trứng mà phải là loại kiến vàng ươm, hoặc kiến nâu trứng mới thơm và ngậy. Còn trứng kiến đen mùi hôi, giống này rất lỳ lợm, gõ bồm bộp vào tổ chúng không chịu chui ra.

Mồ hôi đầm đìa sau lưng áo, cô Mã Thị Hòa, dân tộc Tày, người có thâm niên đánh trứng kiến, chui vào giữa bụi cây rậm rạp, ngước mắt nhìn ngọn cây trước mặt và reo lên “Nó đây rồi! tổ này to lắm”. Đưa tay vén mớ dây rừng chằng chịt, vô tình cô đã làm kinh động đến bầy kiến và hàng loạt chú kiến kềnh, kiến thợ với đôi càng dữ tợn ào ào chui ra bâu kín xung quanh, chúng len lỏi bám vào cổ, bò vào quần áo và chui cả lên mắt người mà cắn. Khi bị động mạnh, đàn kiếm xúm vào ăn trứng, vì thế đã hạ tổ xuống phải vạc ra và gõ nhanh, tránh lũ kiến tấn công người và không để chúng kịp ăn trứng. “Tránh thật xa nữa ra nếu không muốn làm mồi cho kiến” - giọng cô Hòa vang lên giữa lùm cây như một lời cảnh báo khi tôi cố lại gần chụp thêm vài bức ảnh.

Đưa được tổ kiến đến chỗ thoáng, người thợ săn kiến dùng dao vạc một đường trên thân, rồi gõ cộc cộc khiến kiến bố, kiến mẹ rơi lẫn cùng trứng xuống rá. Lấy một ít đất khô xoa lên cán rá để lũ kiến khi bò đến đây sẽ bị trượt ngã, cô Hòa phân trần: “Đối với những ai đã từng đi lấy trứng kiến việc bị kiến hay muỗi rừng đốt là thường, có khi phải leo lên đỉnh cây cao mà lôi tổ kiến xuống, nếu không cẩn thận đụng vào rắn, rết rất nguy hiểm. Lại có tổ kiến làm trên cây sơn người không biết mà đụng phải cây này sẽ bị sơn ăn cho sưng vù mặt mũi”.

Tận hưởng sản vật vùng cao

Chỉ với chiếc rá tre, một con dao, trong vòng hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi đã rũ được hơn 1kg trứng kiến. Từng hạt trứng căng mọng sẽ được đôi bàn tay khéo léo của bà con chế biến thành nhiều món ăn độc đáo. Sau chuyến đi rừng vất vả, những chiến lợi phẩm được mang về sàng sẩy sạch sẽ, loại bỏ tạp chất, lá cây và những chú kiến già lẫn trong đó, công đoạn này phải thật nhẹ nhàng để những hạt trứng không bị vỡ. Đối với những con kiến già cứng cổ không chịu dời đi chỗ khác phải dùng cành lá cây mua quệt đi quệt lại làm chúng dính vào lá.

Có người cho rằng trứng kiến là món thời trân của vùng cao, bởi nó không những là sản vật ngon, lạ, bổ dưỡng mà còn rất hiếm. Vào ngày Tết Hàn thực mùng 3-3 (âm lịch), các món ăn được chế biến từ trứng kiến không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở An Lạc. Theo một nhà nghiên cứu văn hóa của Bắc Giang, trong một số bản thần tích, sự lệ ở một số làng xã thuộc vùng cao của Bắc Giang đều ghi rằng vào các dịp lễ tế thành hoàng phải có món xôi hoặc bánh trứng kiến.

Để có bánh thờ, dân làng phải cử người lên núi đánh trứng kiến đem về làm bánh tế thần. Thế mới biết từ xưa trứng kiến đã là món ngon quý, đâu phải món ăn dân dã quê mùa. Trứng này có thể dùng để làm xôi, làm bánh, quấn lá cây sau sau ăn như gỏi, nấu cháo, ăn cùng bánh đa, trộn lẫn trứng gà hoặc thịt băm để rán… Trong nhiều món ăn được chế biến từ trứng kiến, xôi trứng kiến là phổ biến nhất. Theo các phụ nữ thôn Biểng, cách làm món xôi này khá đơn giản.

Gạo nếp nương vo sạch, đem ngâm trong nước ấm chừng 4-5 giờ, vớt ra để gạo ráo nước rồi cho vào chõ đồ chín. Trứng kiến sau khi đã làm sạch, để ráo nước. Phi thơm hành rồi cho trứng kiến vào xào, khi thấy dậy mùi béo ngậy của trứng kiến và mùi thơm của hành là được. Xôi chín tới, xới tơi trộn đều với trứng kiến cho ra đĩa, thưởng thức nóng sẽ cảm nhận được vị thơm đậm đà, quyến rũ của lúa nếp nương, vị ngọt, bùi và ngậy của trứng kiến. Khi ăn nghe tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng mới thấy hết cái thú vị của món ăn này. Bất kỳ ai dù một lần được thưởng thức xôi trứng kiến sẽ nhớ mãi.

Không những chỉ tạo ra các món ăn độc đáo, một số hộ dân ở An Lạc còn có một nguồn thu nhập đáng kể từ thứ lộc rừng này. Với mức giá 200.000 đồng/kg, mỗi ngày một người có thể đánh được 2-3kg trứng kiến. Ông Hà Văn Cam, Phó Chủ tịch UBND xã An Lạc, cho biết xã đã thành lập tổ nấu ăn phục vụ khách du lịch đến tham quan khu sinh thái Khe Rỗ, các món ăn từ trứng kiến được nhiều du khách rất thích. Tiếc rằng thời vụ lấy trứng kiến quá ngắn, sau đó các tổ kiến sẽ tàng, trứng đã nở thành con non, mặc dù có nhu cầu lớn nhưng chỉ khi lên An Lạc đúng dịp tháng tư du khách mới được tận hưởng hương vị độc đáo của sản vật này.

Thực tế ở các huyện miền núi tỉnh Bắc Giang rất phù hợp với điều kiện sinh trưởng, phát triển của loài kiến nâu, kiến vàng. Thêm nữa, loài kiến này không có thiên địch, không làm hại cây trồng, vật nuôi, cho nên có thể nhân nuôi, khai thác theo mô hình bán tự nhiên sẽ có tính khả thi. Thực tế đã có một số chủ rừng ở Bắc Giang có ý tưởng xây dựng trang trại nuôi kiến đan xen cùng mô hình trồng rừng để khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên để cung cấp cho các khách sạn, nhà hàng.

(Theo SGĐT)