Lá thư chạm vào trái tim người đọc bởi giọng văn tâm tình, lối suy nghĩ và những dự định đầy trách nhiệm với con của người bố trẻ trong tương lai.

Bức thư dài có tựa đề Gửi con trai của bố được Nguyễn Bá Ngọc, sinh năm 1988, đến từ Ba Vì, Hà Nội đăng tải lên trang cá nhân ngày 3/7 đang trở thành tâm điểm chú ý của cư dân mạng.

Dù tháng 8 này mới kết hôn nhưng Bá Ngọc chia sẻ mình thường xuyên nằm mơ thấy hình ảnh gia đình nhỏ hạnh phúc và cậu con trai đầu lòng kháu khỉnh. Đó cũng chính là điều thôi thúc anh viết nên những dòng thư này, dù con trai anh vẫn chưa có mặt trên đời.

{keywords}

Bá Ngọc và vợ tương lai.

Ông bố tương lai mở đầu lá thư gửi cho con trai tương lai với giọng điệu trĩu nặng suy tư, anh viết:

"Hôm qua bố đã thức cả đêm trông quán con trai ạ, khoảng 8h thì bố lên phòng nhưng chẳng làm sao ngủ được. Đầu óc bố cứ hiện lên nhưng câu hỏi đại loại như: Liệu mình có làm được không?, Con đường mình đang đi liệu đã đúng hướng chưa?, Mình đã làm hết khả năng của bản thân chưa?, Ồ, hình như mình ham chơi quá thì phải?".

Lý do chính khiến ăn boăng khoăng nhiều về bản thân ở hiện tại chính là vì ý thức được bản thân sắp có gia đình, sắp là một người chồng, người cha với bao trách nhiệm trong tương lai.

Giọng văn tâm tình, cùng lối kể chuyện giàu hình ảnh về con trai tưởng tượng của Bá Ngọc lôi cuốn người đọc đi vào những giấc mơ kì lạ của chính anh.

"Có lẽ giờ này con vẫn đang ở đâu đó trên thế gian này dõi theo mọi hành động của bố và mẹ tương lai của con, con nhỉ? Chẳng hiểu sao nhưng bố vẫn luôn tin là như vậy đấy!

Hai năm vừa qua, cuộc sống của bố có biết bao nhiêu là biến cố, việc lợi cho bố thì ít, mà việc thiệt cho bố thì nhiều, mệt mỏi quá con ạ. Và hơn lúc nào hết, thời gian này chính là lúc mà bố muốn con xuất hiện trong cuộc đời bố nhất. Hẳn là con đã biết người mà bố đang yêu rồi chứ? Và bố tin là con cũng sẽ cảm thấy thật tuyệt vời nếu sau này người đó thực sự là mẹ của con, phải không con trai?

Đã hơn một lần bố từng mơ thấy con trai rồi đấy có biết không? Trong mỗi giấc mơ, con trai của bố lại hiện lên trong những hoàn cảnh, và độ tuổi khác nhau.

Có lần, bố thấy mình đang loay hoay bế một thằng nhóc xinh trai gần một ngày tuổi, ông bà nội con cứ tranh luận mãi về việc đôi lông mi của con giống bố hay giống bà nội hơn. Và con có biết lúc ý con cứ nhăn nhó tỏ ra khó chịu như muốn nói với cả đại gia đình: “Con yêu bà nội lắm, nhưng đôi lông mi của con giống của ba Ngọc cơ!".

Ông bố trẻ mường tượng ra niềm hạnh phúc khi đón chào đứa con trai đầu lòng chào đời.

{keywords}

Một lần khác, Ngọc mơ thấy ngày con trai đầy tháng:

"Rồi, có lần bố mơ thấy con trai của bố được rất nhiều các chú, các bác, các cô là bạn của bố đến dự ngày đầy tháng của con.

Bố còn nhớ lúc đó đã véo nhẹ lên má con và nói rằng: “Các chú, các bác nhận đại ca bé nhỏ của bố làm con nuôi bố đồng ý hết vì các chú các bác đều chơi rất thân với bố. Nhưng đại ca của bố phải nhớ rõ không được hư nhé, con mà hư là cả bố lẫn các bố nuôi sẽ mỗi người một cái roi dạy con đấy".

Chẳng mấy chốc, cậu bé lại học lớp 5:

"Lại có lần khác, bố mơ thấy lúc đó con đã đi học lớp 5. Hôm đó con đi học về với vẻ bề ngoài bám đầy đất cát, chân tay thì xước xát hết ra. Bố hỏi thì con nói là có xích mích với bạn học cùng lớp, và cả 2 đã giải quyết với nhau bằng nắm đấm kèm theo một cuộc vật lộn.

Nghe con nói vậy, tuy con còn nhỏ nhưng bố cũng đã dành một khoảng thời gian để phân tích cho con một chút về kỹ năng sống, rằng có thể con là kẻ mạnh, đàn ông con trai thì không tránh khỏi có đôi lần va chạm, nhưng con hãy nhớ sức mạnh của lời nói còn quan trọng hơn sức mạnh nắm đấm.

{keywords}

Cậu bé thông minh nhưng rất hiếu động. Ảnh: Minh họa.

Con lúc đó có lẽ chưa đến tuổi để hiểu hết những gì bố nói, nhưng bố vẫn luôn vui vì đã dạy được cho con một trong những bài học đầu đời.

Bá Ngọc lại nghĩ về cách dạy con tiêu tiền khi cậu bé lên cấp 2:

Dạo đó, con đang học cấp 2, để mà nhận xét, con cũng tạm coi là ngoan ngoãn, duy chỉ có cái tật là mẹ chiều con quá nên hay cho tiền con tiêu vặt không hợp lý, lúc đó bố nhận thấy con trai bố dường như chưa biết quý trọng đồng tiền. Bố quyết định cùng mẹ về quê, để con ở nhà một mình, bố đã nói dối con rằng tiền bố để trên nóc tủ lạnh, lúc nào con ngủ dậy mà đói thì cầm đi ra quán mà ăn kẻo tối bố mới về, sự việc đó bố cũng giấu cả mẹ của con.

Đúng như dự đoán, lúc bố và mẹ mới về đến quê được một lát thì con trai của bố gọi điện, con nói rằng không thấy tiền ở trên nóc tủ lạnh, và bố thì vờ như giật mình nói rằng bố quên mất lúc đi vội quá không để lại.

Lúc đó con hư lắm nhé, con dám nói giọng hờn dỗi với bố rằng: “Không có tiền thì con mua đồ ăn thế nào được hả bố?”, nhưng bố vẫn nhẹ nhàng khuyên con là trước mắt tìm trong tủ lạnh xem có gì ăn được không để con ăn tạm đi, rồi bố lại khuyên con hay là sang nhà chú Q hàng xóm ăn tạm một bữa (nhưng bố thừa biết là với cái tôi của con thì sẽ chẳng làm thế đâu).

Ba tiếng sau, con gọi điện cho bố một lần nữa và nói rằng con đói quá không thể chịu thêm được nữa. Bố vờ lo lắng rồi bày cho con một cách đó là thu gom những lon bia mà nhà mình đã sử dụng, rồi đi xe đạp mang ra chỗ cô H thu mua phế liệu để bán thì sẽ có tiền đi ăn. Lúc đó con tỏ vẻ lưỡng lự, nhưng bố thì cứng rắn nói rằng nếu ko làm thế thì chỉ có nước đợi bố mẹ về buổi tối thôi, rồi bố cúp máy và hi vọng một điều gì đó...

Buổi tối về, việc đầu tiên bố vào nhà là liếc mắt vào nơi bố để đống vỏ lon bia cũ, nó trống trơn.

Bố cười thầm trong bụng rồi hỏi con trai của bố hôm nay đã ăn chưa? Con nói vẫn giọng hơi giận dỗi bố rằng con đạp xe dưới cái nắng gắt mãi mới tìm được cái chỗ thu mua số vỏ lon đó, và đã dùng số tiền đó đi ăn rồi.

Lúc này thì bố cười và nói với con rằng: “Con thấy chưa, mỗi ngày mẹ con có thể cho con nhiều hơn số tiền mà con hôm nay phải vất vả mới kiếm được. Số tiền mà mẹ con cho con không tự nhiên mà có, bằng cách này hay cách khác bố mẹ cũng phải vất vả mới có được đấy con ạ. Nên từ sau mỗi lần con tiêu tiền vào việc gì thì hãy thử nhớ xem với số tiền đó con sẽ phải chịu nắng nóng để đi bán bao nhiêu cái vỏ lon bia cho đủ nhé!”.

{keywords}

Anh khéo léo nghĩ ra cách giúp con biết quý trọng giá trị đồng tiền. Ảnh: minh họa.

Cách dạy con biết quý trọng đồng tiền của Bá Ngọc khiến nhiều người đọc cảm phục dù chỉ là tưởng tượng.

Người cha tương lai khép lại bức thư bằng lời nhắn nhủ, hứa hẹn chân thành:

"Bố đề nghị (kèm theo năn nỉ, dọa dẫm nữa) con hãy mau mau nịnh mẹ của con đi nhé! Bố đang đầy tự tin để bước vào cuộc sống hôn nhân với mẹ của con rồi, sẵn sàng trở thành một ông bố tuy có thể sẽ hơi lóng ngóng trong ngày đầu tiên làm cha, nhưng chắc chắn rằng ông bố đó sẽ luôn cố gắng mang lại cho con và mẹ của con nói riêng, cho toàn thể nhà ta nói chung một mái ấm gia đình".

Bài viết nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng mạng.

Thành viên Khanh Ly chia sẻ: "Bài viết xúc động quá anh ạ. Em thấy bài viết có 2 ý nghĩa, một là dành cho con anh sau này và thứ hai quan trọng nhất, đây chính là lá thư cầu hôn độc đáo hơn tất thảy".

"Giá trị ở đây không chỉ cho gia đình bé nhỏ, mà cả giá trị cho tất cả những ai đã và đang làm cha làm mẹ. Hãy nghĩ đến giá trị sống của mình với gia đình trong mọi hoàn cảnh" - Nguyễn Ánh Tuyết nói.

(Theo Zing)