Ba anh em trai nhà cụ Nguyễn Văn Chiến từ lúc sinh ra đều để tóc dài, không bao giờ cắt dù chỉ một lọn ngắn. Mái tóc cụ Chiến 70 năm không cắt, nặng chừng 3kg, dài khoảng 3m.

Nghe tiếng gọi, ông cụ đội mái tóc vàng ươm, nặng chịch trên đầu xuất hiện. Dường như mái tóc khổng lồ ấy không hề cản trở tác phong đi đứng và làm việc của cụ. Cụ hoạt bát và rắn rỏi khác xa với cái tuổi “xưa nay hiếm”.

Bà con ở vùng sông nước Đông Hòa, Châu Thành, Tiền Giang bao năm nay vẫn xem gia đình cụ Nguyễn Văn Chiến (87 tuổi) có “đặc sản” về tóc. Cụ Chiến sống một mình ở miếu rộng chừng 10m2 đã mấy chục năm nay.

{keywords}

Cụ Chiến với mái tóc 70 năm không cắt.

Năm 17 tuổi, tóc của cụ đã có thể tết thành búi. Thời đi học, cụ nghe thầy cô khuyên: “Cái răng cái tóc là góc con người, con trai để tóc ngắn, con gái tóc dài mới đúng truyền thống của người Việt Nam”. Nghe vậy, cụ về nhà xin phép cha mẹ đi cắt tóc. Tuy nhiên sau khi cắt, cụ thường xuyên bị chứng đau đầu như búa bổ, cơ thể ốm yếu, không còn sức lực để học. Dù được gia đình chạy chữa thuốc thang nhưng bệnh tình vẫn không thuyên chuyển. Sức khỏe không đảm bảo nên cụ đành nghỉ học.

Kể từ lúc nghỉ học cụ Chiến để tóc mọc dài như trước. Và khi mái tóc càng dài ra thì căn bệnh đau đầu, cảm cúm triền miên của cụ tự dưng khỏi hẳn. Từ đó đến nay, cụ Chiến chưa bao giờ dám đụng dao kéo đến mái tóc của mình. Tóc dài được cụ bới cẩn thận trong cái chụp đầu bằng vải vừa để bảo vệ tóc vừa không cho người khác nhìn thấy mái tóc khác lạ của mình. Dù phải đội trên đầu 3kg tóc suốt mấy chục năm nhưng cụ ông vẫn cảm thấy bình thường, kể cả lúc đi làm ruộng.

Chị Nguyễn Thị Bích Thủy (51 tuổi), con gái cụ Chiến cho hay: “Trước đây vì muốn gội đầu dễ dàng, cha tôi thường tháo các sợi tóc rời ra nhưng mỗi lần như thế cụ cảm thấy nhức đầu, chóng mặt. Từ đó cụ cứ để nguyên như vậy”. Kể cả khi tắm gội làm ướt toàn bộ phần đầu và đuôi tóc thì cụ Chiến cũng bị cảm lạnh và mái tóc rất khó khô. Vì vậy, hơn 30 năm qua hễ tắm gội cụ chỉ cho ướt phần da đầu bên dưới, còn cái “đuôi rồng” không cho nhúng nước bao giờ. Ngày vợ còn sống, bà là người giúp cụ Chiến gội đầu và chăm sóc tóc. Nay bà mất rồi, việc đó dành lại cho con. Cụ Chiến có 7 người con, đều đã trưởng thành xây dựng cuộc sống riêng, trong đó có Nguyễn Văn Lượm và Nguyễn Thị Bích Thủy thừa hưởng gen từ cha để tóc dài.

Cụ Chiến cho biết, ba anh em trai nhà cụ từ lúc sinh ra đều để tóc dài, không bao giờ cắt dù chỉ một lọn ngắn. Cách đây vài năm, người em Nguyễn Văn Dày qua đời với mái tóc dài vài mét, nặng vài ký. Điều bất ngờ là, ngày cụ Dày “về với đất”, mái tóc tự nhiên rụng rời ra hết. Chỉ còn vài sợi tóc bạc trên đầu.

Khách xa gần nhiều năm nay vẫn lui tới để được tận mắt xem mái tóc rồng của cụ Chiến. Cụ không khó dễ gì chuyện đó, bởi theo cụ mái tóc này chính là tạo hóa của trời. Cụ Chiến buông tấm vải chùm ra, nhẹ nhàng gỡ từng lớp tóc to như cổ chân cuốn quanh đầu xuống trông có vẻ rất nặng nề. Những sợi tóc vàng óng, loăn quăn cuốn một cánh tự nhiên vào nhau thành một khối, xen lẫn các sợi bạc bện chặt giống dây thừng, càng về phía đuôi càng nhỏ dần. Cụ Chiến nâng khối tóc lên, vuốt nhẹ những sợi lòa xòa bên ngoài, cho biết: “Mái tóc này 70 năm không cắt. Nó nặng chừng 3kg, dài khoảng 3m. Người ta đo lâu rồi, giờ phải dài hơn thế”.

Không chỉ đặc biệt ở mái tóc mà nếp sống của cụ Chiến cũng vô cùng kỳ lạ. Cụ cho biết, từ khi mái tóc ngày một dài ra thì cơ thể của cụ có nhiều chuyển biến. “Mỗi ngày tôi chỉ ăn một giờ duy nhất vào đúng canh ngọ (12 giờ trưa). Tôi ăn uống không nhiều và vì ăn chay trường nên chỉ ăn thực vật và sống thanh tịnh”. Hằng ngày, cụ dành phần lớn thời gian ngồi dưới gốc tre già trước am tu để thiền. Hai người anh em của cụ Chiến, sau khi ông Nguyễn Văn Dày qua đời, còn người em Nguyễn Văn Tiên vẫn giữ được tóc dài đuôi rồng giống anh trai mình.

Với cụ Chiến, việc nuôi tóc dài còn là bí quyết rèn luyện sức khỏe để trường thọ. Cụ chia sẻ: “Thấy ba anh em tôi nuôi tóc dài mà sống thọ nên nhiều người đến hỏi bí quyết. Thực ra chẳng có gì cao siêu cả, chúng tôi để tóc dài để hiếu nghĩa với mẹ cha, sống chay tịnh, gần gũi với thiên nhiên”.

(Theo CA TP.HCM)