Theo quan niệm truyền thống, đàn ông châu Á là người chủ tuyệt đối của gia đình. Họ có thể đánh vợ, say rượu, cờ bạc, chơi bời... Dù vậy, phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng của phụ nữ (PN) châu Á vẫn đang phát triển mạnh mẽ.

Nữ tiến sĩ xã hội học Imtiaz Ahmad nói: “Ở Ấn Độ hôm nay, PN không chấp nhận những điều vô lý như họ từng phải chịu đựng từ nhiều đời. Thậm chí ở những vùng công giáo toàn tòng mà cách đây không lâu ly hôn còn bị ngăn cấm, nay tòa án cũng xử ly hôn, ngay cả với những lá đơn chỉ có một chữ ký”. Bà Irma Hutabarat, chủ tịch Hội Bảo vệ PN, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Gia đình và PN ở Indonesia cho biết: “PN ngày nay không thể ngồi chờ đàn ông giải phóng mình, muốn được giải phóng, phải đấu tranh”.

Không cần đàn ông

Ở Malaysia, nữ luật sư Kamar Ainiah khẳng định: “Khi ly hôn xảy ra, nhiều PN có khả năng nuôi con thậm chí không cần sự hỗ trợ của chồng cũ. Nhưng, không phải chỉ vì thế họ muốn ly hôn mà còn vì họ đã được trang bị những kiến thức về hôn nhân và gia đình”. Alya Rohali, nữ diễn viên nổi tiếng ở Indonesia đã quyết định kết thúc cuộc hôn nhân bất hạnh của cô sau năm năm chung sống, và bây giờ ở tuổi 28, Alya tuyên bố: “Chúng ta cần chứng minh rằng có thể thành công về mọi phương diện mà không cần phải có đàn ông”.

Sự ly hôn gia tăng còn vì giới trẻ đòi hỏi ngày càng cao. Uthaiwan Jamsutee, một nhà nghiên cứu gia đình ở Thái Lan nói: “PN ngày nay biết sống cho mình hơn. Nếu xảy ra mâu thuẫn trong hôn nhân, đầu tiên họ quan tâm đến quyền lợi của chính họ thay vì nhường nhịn đối tác. Trong nhiều vùng của châu Á, ngày càng ít cảnh kể lể trong nước mắt của những người vợ bị chồng đối xử tệ bạc, họ sẵn sàng viết đơn ly hôn”. Nếu năm 1975, có 6.810 đôi vợ chồng Nhật Bản ly hôn sau 20 năm chung sống thì năm 2002 là 45.553, gấp khoảng sáu lần. Bà Atsuko Okano, tác giả cuốn Cuộc hôn nhân hoàn hảo viết: “Bạn tìm được người bạn đời lý tưởng thì bạn hạnh phúc nhưng nếu tôi không tìm được người như thế, tôi cũng có thể hạnh phúc khi sống một mình”.

Không còn cách nào khác, người đàn ông phải quen dần với thực tế mới này. Ở Nhật Bản, những người chồng bị từ bỏ hầu hết đang bối rối với cuộc sống một mình. Chuyên gia tâm lý Hiromi Ikeuchi, tác giả nhiều cuốn sách về hôn nhân ở Nhật nhận xét: “Đàn ông đối phó với ly hôn kém hơn PN. Phần lớn họ không những chỉ mất vai trò người chồng mà mất luôn cả vai trò người cha. Đó là nỗi đau kép của họ”.

{keywords}

Phụ nữ Ấn Độ biểu tình chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.

Ly hôn ở Việt Nam có nhiều yếu tố bạo hành, ngoại tình

Việt Nam không nằm ngoài vùng ảnh hưởng quả bom ly hôn của châu Á. Những năm gần đây, số lượng các vụ ly hôn ở Việt Nam tăng nhanh. Thống kê của ngành tòa án cho thấy, nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ; đến năm 2010, con số này lên tới 126.325 vụ. Người vợ đứng đơn ly hôn gấp hai lần so với người chồng. Số năm sống trung bình trước khi ly hôn của các cặp vợ chồng là 9,4 năm, riêng ở các khu vực nội thành của các thành phố lớn, chỉ tám năm.

Theo số liệu của ngành tòa án TP.HCM, hiện có khoảng 40% các cuộc kết hôn kết thúc bằng ly hôn (tăng gấp đôi so với năm 1998). Nếu so sánh thì tỷ lệ này của nước Mỹ là 49%, cao nhất thế giới. Ở các nước phát triển khác cũng khoảng trên 40%. Như vậy, tuy thua kém nhiều về thu nhập nhưng tần suất ly hôn trong các gia đình Việt Nam ở các đô thị lớn cũng không kém các nước phát triển. 60% các vụ ly hôn ở Việt Nam có yếu tố bạo lực gia đình và trung bình, cứ ba vụ ly hôn thì có một vụ do nguyên nhân ngoại tình. Trên thực tế, tỷ lệ này hẳn sẽ còn cao hơn, nếu tính tới các trường hợp “khéo chùi mép” hoặc tha thứ và hàn gắn.

Trung bình sức chịu đựng hôn nhân bất hạnh của người phụ nữ châu Á ngày nay vào khoảng chín năm trước khi ly hôn. Đó là hồi chuông cảnh báo cho những đàn ông không muốn mất vợ?

Một cuộc điều tra đã chỉ ra bốn nguyên nhân chủ yếu thường dẫn đến ly hôn là mâu thuẫn về lối sống, ngoại tình, kinh tế và bạo lực gia đình, nhưng nguyên nhân chủ yếu là lối sống và ngoại tình. Từ xưa đến nay, đàn ông Việt hầu như không làm những việc vặt trong nhà. Nhiều người coi đó là “thiên chức” của PN. Với lý do kiếm tiền, đàn ông tự cho mình quyền đi suốt ngày, thậm chí cả buổi tối, dồn tất cả việc nhà và chăm con cho vợ. Họ vẫn đòi “dạy” vợ như ông và bố họ ngày xưa. Trong khi đó, công cuộc giải phóng PN ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả đáng kể. Ở các thành phố, hầu hết PN đi làm ngoài xã hội như chồng, không ít trường hợp có địa vị xã hội và thu nhập bằng hoặc hơn chồng. Khi việc ngoại tình hết đường chối cãi, các ông chồng hứa sửa chữa nhưng chỉ ít lâu sau lại đâu vào đấy và người vợ không tha thứ nữa, họ nộp đơn ra tòa.

Theo truyền thống, đa số PN châu Á yêu và tôn trọng người bạn đời. Nhưng, lịch sử đã sang trang, ngày nay họ không còn sống sau tấm mạng che mặt và tự bằng lòng với sự phụ thuộc vào chồng. Theo tính toán của nhà xã hội học Ikeuchi, trung bình sức chịu đựng hôn nhân bất hạnh của người PN châu Á ngày nay vào khoảng chín năm trước khi ly hôn. Đó là hồi chuông cảnh báo cho những đàn ông không muốn mất vợ?

Trịnh Trung Hòa

(Theo Phunuonline)