Một vụ án ly hôn quá đơn giản, nhưng kéo dài nhiều phiên tòa, chỉ bởi người cha giàu có, nhưng nhất mực chỉ chịu cấp dưỡng cho đứa con khiếm khuyết 20 bát phở trong một tháng.

Tòa sơ thẩm chỉ nghe lời người cha làm trẻ bị thiệt thòi

Đây là vụ án ly hôn khá đơn giản, đôi vợ chồng không tranh chấp về tài sản, quyền nuôi con, chỉ tranh chấp về mức cấp dưỡng nuôi con. Đứa con chung của họ bị bệnh tâm thần phải điều trị thường xuyên nên ngoài chi phí sinh hoạt đời sống, còn có thêm chi phí điều trị bệnh. Người vợ kê khai chi thường xuyên cho cháu bé (đang sinh sống ở Quận 9, TP.HCM) là trên sáu triệu đồng, đề nghị chồng trả ba triệu.

Theo luật và hướng dẫn của TANDTC thì căn cứ để tính cấp dưỡng “căn cứ vào thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng”.

Việc dân sự, trách nhiệm chứng minh thuộc đôi bên, tuy nhiên thu nhập, tài sản là quyền riêng tư của cá nhân; do đó người vợ nuôi con khó có thể chứng minh thu nhập của người có trách nhiệm cấp dưỡng, và có người không trung thực khi khai báo thu nhập.

Tòa có thẩm quyền và có trách nhiệm hỗ trợ xác minh thu nhập của bên cấp dưỡng để có cơ sở xác định mức cấp dưỡng phù hợp. Chị Nguyễn Thị Thu Hồng đã cung cấp thông tin cho tòa án là chồng cũ là tài xế có bằng F, lái xe container cho công ty có địa chỉ, số điện thoại rõ ràng, lương tháng khoảng 10 triệu.

Thế nhưng TAND huyện Châu Thành chỉ nghe theo lời khai (mà không hề có động thái xác minh) của người cha là lương mỗi tháng ba triệu đồng, nên áp mức cấp dưỡng 575 ngàn/ tháng (1/2 mức lương tối thiểu). Nếu so với giá món ăn phổ biến ở mức bình dân thì số tiền này chưa đến 20 bát phở.

{keywords} 

Với thẩm quyền và năng lực của Tòa, việc xác minh tài sản, mức lương của người chồng hoàn toàn không phải khó. Chỉ cần phát hành một công văn cho tổ chức đang trả lương yêu cầu thông tin, xác minh mức lương là tòa án hoàn toàn có căn cứ để xem xét ra quyết định, mà cả hai bên nguyên bị đơn tâm phục khẩu phục.

Tòa phúc thẩm ba lần xác minh

Chị Hồng đã kháng cáo. Quá trình thụ lý vụ án của cấp phúc thẩm vụ án này rất trách nhiệm minh bạch. Tòa đã ba lần yêu cầu các tổ chức liên quan, công ty nơi người chồng làm việc (hai lần) và Cục Thuế TP.HCM.

Vì sao Tòa phúc thẩm phải xác minh thu nhập đến ba lần? Đây cũng là một kinh nghiệm tốt cho các cơ quan xét xử và những người có hoàn cảnh tương tự.

Thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp có khuynh hướng đối phó, giấu thu nhập của người lao động bằng nhiều biện pháp: Tách thu nhập thành nhiều khoản khác nhau, ghi thu nhập trong hợp đồng thấp hơn thu nhập thực tế…

Chính vì vậy, khi người có trách nhiệm không tự giác trung thực khai báo, và đơn vị trả lương cũng không trung thực cung cấp thông tin, thì cần phải xác minh thêm các cơ quan quản lý như cục thuế.

Cụ thể, với trường hợp này, khi tòa gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin lần thứ nhất, công ty gửi cho tòa Hợp đồng lao động của người chồng và có văn bản trả lời chung chung “mức lương theo hợp đồng là 2,9 triệu đồng và một vài khoản trợ cấp”. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì có lẽ tòa phúc thẩm cũng sẽ tuyên y án sơ thẩm. Thế nhưng chủ tọa là thẩm phán Phạm Phước Thiền đã không chấp nhận thông tin này mà phát công văn lần thứ hai, yêu cầu phải giải thích rỏ những khoản trợ cấp là gì, bao nhiêu tiền và kê khai tổng thu nhập từng năm.

Mặt khác, dù đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, chị Hồng và Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã đề nghị tòa xác minh thu nhập của chồng cũ ở cơ quan thuế. Tòa án đã chấp nhận yêu cầu này, ra quyết định hoãn phiên phúc thẩm, lý do cần đợi kết quả cung cấp chứng cứ của cơ quan khác theo yêu cầu của bị đơn, chờ thêm kết quả trả lời của cục thuế. Chính nhờ thu thập thông tin chi tiết từ nhiều phía nên trong phiên phúc thẩm, tòa đã có đủ cơ sở để tuyên bản án công minh.

Thực tế tại phiên phúc thẩm ngày 24/9/2014, một lần nữa người cha đã không tự giác trung thực trong khai báo thu nhập. Trong phần thẩm vấn, chủ tọa hỏi chị Hồng làm rõ hoàn cảnh đáng thương của mẹ con mình. Cháu bé bị bệnh tâm thần phải điều trị thường xuyên, chi phí thuốc không cao nhưng chi phí khám và xét nghiệm khá cao.

Chị đòi số tiền cấp dưỡng nuôi con là 3,2 triệu, đã liệt kê rõ các chi phí thực tế. Lấy tiền đâu chi phí nuôi con như liệt kê, chị giải trình từ lương hơn 2,8 triệu/tháng, trồng rau muống hái bán, giúp việc nhà, ai kêu gì làm nấy.

Ông chồng vô trách nhiệm

Chủ tọa hỏi người chồng có tăng mức cấp dưỡng nuôi con? “Không đồng ý tăng”. Chủ tọa khơi gợi trách nhiệm số tiền hơn 500 ngàn có đủ nuôi một đứa trẻ không, trả lời không đủ nuôi. Người chồng biện bạch là “dù bản án sơ thẩm tuyên cấp dưỡng 575 ngàn, nhưng tôi đã tự nguyện cấp dưỡng 1 triệu/tháng và gửi vào tài khoản 3 triệu cho Hồng rút”.

Luật sư chứng minh người chồng không thiện chí, bởi tiền gửi vào tài khoản, nhưng tên chủ tài khoản là người chồng, thì gây không ít khó khăn cho chị Hồng trong việc rút tiền, giữ lại tiền trong tài khoản.

Tòa động viên người chồng tăng thêm chút nữa để cấp dưỡng nuôi con. Vẫn không đồng ý.

Chủ tọa công bố văn bản của cục thuế, xác định năm 2012 thu nhập người chồng là 78,8 triệu đồng; năm 2013 là 91,9 triệu đồng. Văn bản trả lời lần 2 của công ty về thu nhập ông này: Lương cơ bản 2,9 triệu, tiền ăn ca 800 ngàn, lương hiệu quả thấp nhất 2,3 triệu, cao nhất 6,8 triệu, thu nhập trung bình 7,6 triệu/tháng.

Tòa tiếp tục động viên nhưng người chồng vẫn không đồng ý, viện lý do phải nuôi cha mẹ già 63 tuổi, trong khi thực tế cha mẹ ông sống với bốn anh chị em khác.

Đại diện VKS chấp nhận kháng cáo của chị Hồng, đề nghị Tòa xử tăng mức cấp dưỡng. HĐXX đồng ý, xử sửa án sơ thẩm, tăng mức cấp dưỡng nuôi con lên 1,5 triệu/tháng. Tòa cũng chấp nhận bổ sung yêu cầu kể từ ngày chị Hồng có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người chồng chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì phải chịu lãi suất theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định cho phần nghĩa vụ chưa thực hiện. (Bản án sơ thẩm đã bỏ sót phần này).

Theo luật, người nuôi dưỡng con có quyền kiện đòi thay đổi mức trợ cấp nuôi con. Vì vậy chúng tôi thông tin vụ án này như một kinh nghiệm tốt cho nhiều phụ nữ vốn bị thiệt thòi trong các vụ án ly hôn trước đây, có thể kiện đòi thay đổi mức trợ cấp nuôi con, nhờ tòa án xác minh làm rõ thu nhập của những ông chồng cũ vô trách nhiệm.

(Theo PLO)