Bà nội trợ nào cũng biết: đường gì chả ngọt, đường mật mía thơm lành, đường cát ngọt lịm, đường phèn ngọt mát, đường hóa học ngọt giả tạo. Nhiều khi nổi điên với chuyện chồng con, các bà vợ không còn sức lực để sản xuất ra mật mía hay lộng lẫy nhất là đường phèn, thì thôi các bà cứ cho tí đường hóa học, ít ra cũng đẹp lòng hơn là mắm hôi.

Ai đó nói rằng tình yêu chân chính không có chỗ cho sự lừa dối. Vậy thì thế nào mà con mèo con bé bỏng của anh hai năm trước thấy con gián suýt lăn đùng ra ngất mà giờ cưới rồi thì đập gián chết không gớm tay? Ngày xưa khi yêu, anh lỡ đến trễ thì nàng chỉ rơm rớm nước mắt, bây giờ về nhà trễ thì một bà chằn sẽ bay ra tru tréo nghe mà tỉnh hơi men. Bản chất con người thay đổi theo thời gian hay cảm xúc thật sự chưa có cơ hội bột phát? Có thể là cả hai. Nhưng ông chồng thích cái nào hơn? Chắc chắn là khi yêu rồi!

{keywords} 

Tất cả những bà vợ đều nổi điên lên khi chồng có bồ nhưng không ai nghĩ mình sẽ biến thành những em mèo bé bỏng. Các bà thà gầm rú như cọp beo hơn là kiềm chế cơn nóng giận để dùng chiêu "nói ngọt lọt đến xương". Kiềm chế mình và chiến thắng khát khao thỏa mãn cái tôi là cuộc chiến không dễ dàng. Nhưng trừ phi bà muốn đá văng ông ấy ra đường, sẵn sàng sống một mình; còn không thì nên điều chỉnh hôn nhân để tự sống vui vì chính mình, chứ chẳng vì ai hết.

Theo các cuộc nghiên cứu thì phụ nữ hạnh phúc có thần thái tốt hơn, có làn da đẹp hơn, trẻ trung hơn và hạnh phúc ấy là do chính mình gầy dựng. Không có ông chồng nào có thể gây gổ với một bộ mặt tươi cười hay khó chịu với một thùng nước đường pha sẵn. Các bà sẽ phản đối: “Sao so những bà vợ với mấy con bồ phù thủy ấy? Nó không vướng mắc con cái, nó không lo tài chính, nó không phải dọn nhà nấu cơm, nó cười tươi ngọt ngào là phải”. Chị nói cũng đúng đấy, nhưng chị quên rằng chị là vợ chính thức thì không phải đương nhiên anh ấy sẽ yêu chị. Yêu là một cảm xúc và được nuôi dưỡng bằng những điều đẹp đẽ: Những đứa con là những thiên thần đẹp, đừng cáu gắt với chúng; nhà của mình thì mình dọn, mình chưng hoa, ai muốn nhảy xổ vào dọn thay thì mình cho một trận; chồng con mình, mình “bắt” ăn những món độc quyền mình nấu; chồng mình muốn có tiền thì phải lao động, ghét ông sếp đổ nước đổ cái nhưng vẫn phải nói năng tử tế thì mình cũng thế, có chê thì phải có khen để ông chồng phải tận tụy hiến dâng.

Bản thân đàn ông là một đứa trẻ, mê kẹo ngọt, mê cho đến hết đời. Đàn ông có sức đề kháng và sự chịu đựng kém hẳn phụ nữ. Không phải đàn ông vô tâm vô tư, nhưng nếu họ cũng phải đối mặt với những yêu cầu tủn mủn của cuộc sống như phụ nữ thì họ đã chết vì căng thẳng trước khi cưới vợ. Bởi thế, họ rất ngạc nhiên là tại sao các bà lại dễ nổi điên. Đôi dép để sai chỗ thì để lại; đổ nước ra nhà thì đi lau, về trễ thì ăn cơm trước đi, ai mướn ngồi chờ mà mặt sưng mày sỉa? Các ông chỉ bất ngờ là tại sao mụ vợ suốt ngày cằn nhằn. Ngày sinh nhật đã mua hoa tặng cũng cằn nhằn hoa đắt, mua túi xách thì chê nhà quê, không mua thì rõ ràng chính mắt ông thấy bà ấy mắt mũi long lanh khen mụ hàng xóm “Anh nhà khéo quá, đi công tác cũng mua cho chị cái khăn choàng màu cam sang trọng thế kia, chứ chồng tôi ấy hả? Chả bao giờ!”. Khổ thân ông chồng, ông có biết đâu bà hàng xóm khi nghe khen cũng mắt mũi long lanh hãnh diện, nhưng tuần trước lúc vừa thấy cái khăn đã rít lên “Ối giời ơi, ông mua cho con nào rồi đưa nhầm cho tôi phỏng, tôi làm gì xài màu cam chói chang thế kia?”. Có thể các bà đã quên rằng tất cả những phản ứng của ông chồng đều do các bà tác động. Đàn ông dù bản lĩnh đến đâu cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng từ vợ, những nguyên tắc sống ban đầu làm nền cho cuộc hôn nhân đến hết những năm sau. Thế nên, nếu chị không nhận được những điều chị mong muốn thì hãy tự vấn. Ai nói hôn nhân không cần cảm kích?

Đàn bà khéo léo phải biết biến hóa như một con tắc kè, sống sao cho phù hợp với môi trường xung quanh. Bà có thể quát nhân viên đôm đốp nhưng khi chồng điện thoại vẫn nên một dạ hai vâng ngọt như mía lùi. Bà có thể ăn mặc sành điệu, lả lướt như yêu nữ ngoài đường, nhưng về nhà thì việc vào bếp không hề xa lạ. Bà có thể buôn gánh bán bưng, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nhưng tối về phải sạch sẽ thơm tho. Tôi đã sống những tháng ngày thiếu thốn, khi xà phòng toàn là sáp dừa và vải thì mua hợp tác xã. Tôi có một bà chị họ, con cái đông đúc nhưng đứa nào cũng quần áo lành lặn và bản thân chị cũng rất sạch sẽ. Ban đêm, chị ngồi đốt than bằng gáo dừa bỏ vô cái bàn ủi con gà ủi đồ cho chồng con. Vô nhà chị không một chút cát và chẳng tanh hôi dù chị bán cá.

Phụ nữ nhiều người thường đòi hỏi trước khi cho đi. Đòi hỏi chồng phải giàu có, thành công rồi mới ngọt ngào, tử tế. Đòi có nhiều tiền rồi mới nấu ăn ngon. Đòi có nhà riêng rồi mới vén khéo. Đòi chồng hạ giọng rồi mới thôi lớn tiếng. Họ quên cô Tấm ngày xưa bước ra từ quả thị chứ chẳng phải ngay lập tức một bước lên tới ngai vua và sĩ diện đàn ông còn cao hơn các bà. Nếu đồng hành và trân trọng chồng trong những ngày gian khổ thì mới có chiếu hoa, thảm đỏ ngày vinh quy.

Thật ra, trong các loại đường cho hôn nhân, đường phèn chỉ là tạm bợ, chỉ có thứ đường mật tự thân, đơn sơ sóng sánh và đặc trưng của những cây mía ngọt mới nuôi dưỡng tình yêu và tình nghĩa vợ chồng, để những con yêu nhền nhện quyền phép cũng không phá nổi.

(Theo Nguyễn Phạm Khánh Vân/Phunuonline)