- Hằng năm, lượng lớn du khách nước ngoài đến Việt Nam để khám phá vẻ đẹp của đất nước và con người nơi đây. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề xoay quanh du lịch khiến du khách phải “than phiền”.

Giao thông lộn xộn

{keywords}

Khách nước ngoài run rẩy qua đường. Ảnh: Zing
 

Arnaud Jaegers, sinh viên, đến từ Bỉ, chia sẻ: “Tôi đã từng đến du lịch ở Hà Nội, Sapa, vịnh Hạ Long. Điều làm cho tôi lo ngại nhất là giao thông. Tôi thấy không an toàn khi đi trên đường phố, đặc biệt là mối nguy hiểm khi qua đường”. Việc qua đường ở Việt Nam khiến nhiều du khách phải e ngại, đặc biệt những nơi không có đèn báo giao thông.

Một số du khách chọn phương tiện công cộng để di chuyển trong thành phố. Họ cho rằng con người Việt Nam tốt bụng, thân thiện. “Tuy nhiên, trên các phương tiện công cộng như xe bus, tàu thì cách tổ chức còn yếu, chen lấn, xô đẩy, tranh giành nhau”, Arnaud Jaegers chia sẻ.

Ông Frank Larser, một du khách đến từ Na Uy hài hước bày tỏ: “Ở châu Âu, luật lệ đã được cố định. Còn ở Việt Nam, luật ở trong đầu mỗi người, ai thích làm gì thì làm. Ai thích bấm còi thì cứ bấm, ai thích sang đường thì cứ sang, chẳng tuân theo luật lệ nào cả”.

{keywords}

Chị Virginia Santamaria Briones: "Ở Việt Nam thì lúc nào cũng nghe tiếng còi xe”. Ảnh: Đỗ Dung

Chị Virginia Santamaria Briones, một du khách đến từ Tây Ban Nha: “Điều tôi cảm thấy khó chịu nhất khi tham gia giao thông tại Việt Nam, đó là việc bấm còi liên tục và không theo một trật tự nào, thêm nữa là tiếng ồn từ các phương tiện đi lại”. Chị so sánh, ở Tây Ban Nha, họ không bấm còi nhiều như ở Việt Nam, họ chỉ bấm còi thúc bạn đi, khi đến đèn xanh rồi mà bạn vẫn đứng yên vì lơ đãng. Hoặc người ta bấm còi khi thấy có người đi lấn làn đường, hoặc trường hợp thật sự rất nguy hiểm như tai nạn xảy ra thì bấm còi là một hành động cần thiết. “Còn ở Việt Nam thì lúc nào cũng bấm còi”.

Chị Virginia Santamaria Briones cũng phàn nàn về hiện tượng nhồi nhét, bắt khách dọc đường: “Vừa rồi, tôi vừa bắt xe đi Hải Phòng, cùng với vài lần trải nghiệm trước đó, tôi nhận thấy xe liên tuyến đi các tỉnh, cứ đi được một lúc lại dừng để bắt khách”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, chị cũng thấy giao thông ở Việt Nam cũng có những cái hay, ví dụ, tương tự như ở Mỹ, tại những điểm đèn đỏ được phép rẽ phải, trong khi ở Châu Âu, thì khi có tín hiệu đèn đỏ, chắc chắn tất cả các phương tiện đều phải dừng lại.

Dễ lạc đường

Hành trang của du khách nước ngoài không thể thiếu là bản đồ. Bản đồ giúp họ có thể di chuyến đến những nơi mình cần. Tuy nhiên, việc xác định phương hướng ở các địa điểm du lịch ở Việt Nam khá có khăn, nên họ thường xuyên phải hỏi đường. Đặc biệt, khi vào phố cổ Hà Nội, du khách như “lạc” vào mê cung với những tên Hàng khác nhau. Đi vào thì dễ, mà tìm đường ra vô cùng khó khăn.

{keywords}

Du khách nước ngoài xem bản đồ khi vào phố cổ Hà Nội. Ảnh: Hoa Lê

Khách du lịch nước ngoài thường xuyên phải hỏi đường. Đôi khi, họ không nhận được câu trả lời thỏa đáng vì sự bất đồng ngôn ngữ. Anh Robert, du khách người Pháp bày tỏ: “Trước đây, thế hệ ông tôi đã từng tới Việt Nam. Thời đó, người Việt cỡ tuổi như ông bà bạn cũng nói tiếng Pháp. Tuy nhiên, tôi đã ở Hà Nội được 2 tuần và không thấy có người nào nói được một câu tiếng Pháp. Theo tôi, các bạn nên tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa các nước bạn khác, bởi chính điều đó là cơ hội cho các bạn hiểu hơn về ngôn ngữ và văn hóa của đất nước mình”.

 

{keywords}

Hai du khách nước ngoài đang hỏi đường. Ảnh: Hoa Lê

Nhiều du khách cũng than phiền rằng, rất nhiều những danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử đều không có những biển báo bằng tiếng Anh.

Nạn "chặt chém", chèo kéo

Tại các khu du lịch, người bán hàng luôn coi khách du kịch nước ngoài là đối tượng để kiếm lợi nhuận. Nhiều nơi chỉ niềm nở với khách nước ngoài, chứ không mặn mà với người Việt đi du lịch. Với khách du lịch nước ngoài, họ thường “hét” giá cao hơn so với giá bán bình thường. Chị Manohack Liêmxayack (du học sinh) chia sẻ: “Có lần đi mua quần jean ở chợ sinh viên, người bán hàng biết là sinh viên Lào nên nói giá cao gấp ba bình thường. Nhưng mình cũng không muốn bớt nữa, rồi đi ngay. Sau đó, họ còn nói xấu lại mình”. Các du khách còn bị các chủ bán hàng lôi kéo, mời chào, ép mua hàng khi đang đi tham quan. Điều này gây ra cho họ những phiền toái không nhỏ.

 

{keywords}

Một khách nước ngoài đang mua đồ ở chợ Đồng Xuân. Ảnh: Hoa Lê
 

Chị Virginia Santamaria Briones kể, một ngày trời mưa, chị đi mua một cái ô tại một khu mua sắm. Khi hỏi giá của chiếc ô, người bán hàng nói 100.000 đồng. Tôi đã cảm ơn và đi khỏi. Tuy nhiên, người phụ nữ đó gọi lại hỏi với một thái độ thăm dò khó chịu: “Thế cô trả cái ô này được bao nhiêu?”. Chị đáp lại: “Đó là việc của bà, bà là người bán hàng cơ mà. Tôi không có khái niệm trả giá này như thế nào cả”.

Thế rồi, chị trùm mũ lên đầu và bước đi. Bà bán hàng nọ vội gọi với theo: “Được rồi tôi bán cho cô”, nhưng với gương mặt thật giận dữ. Giá cuối cùng cô ấy phải trả cho chiếc ô là 50.000 đồng. Tuy nhiên, chị cho biết, chiếc ô đó mà ra gió to một chút thì sẽ bị lật ngược lên.

 

{keywords}

Du khách mua đồ trên phố. Ảnh: Hoa Lê

Ông Frank Larser, đến từ Norway thì cho biết: “Ở châu Âu, mọi hàng hóa đều được cố định giá. Không như ở Việt Nam, giá cả có thể thương lượng, mặc cả hay nâng lên, hạ xuống, nên tôi rất sợ bị chặt chém khi mua hàng ở Việt Nam”.

Một hành động nữa khá phản cảm đối với khách du lịch là chèo kéo, chị Virginia kể, khi đến du lịch ở Sa Pa, trẻ em cứ kéo theo: “Làm ơn mua cho tôi”, “Làm ơn mua cho tôi”. Chị thấy rất thương những hoàn cảnh đó nhưng “đang trong tâm trạng thoải mái để đi chơi, mà nghe những lời đó rót vào tai nhiều khi thấy buồn bã và rất phiền. Có những lúc bước chân ra khỏi trung tâm du lịch, tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều”, chị phân trần.

Một số khách du lịch đến VN bị lái xe dùng các chiêu trò để kiếm lời. Bà Professor Silviaspence hiện đang là giảng viên Phương pháp dạy Tiếng anh ở New Boston, từng đi du lịch ở phố cổ Hà Nội chia sẻ: “Tôi gặp phiền phức khi đi taxi. Khi đó, tôi gọi taxi về khách sạn. Nhìn thấy khách sạn ở ngay trước mắt mà họ vẫn chở đi vòng vòng. Cuối cùng tôi phải trả 500.000 đồng. Cùng quãng đường đó, lúc đi chỉ hết 100.000 đồng”.

Nỗi lo an toàn thực phẩm

Từng đi du lịch nhiều quốc gia ở Châu Á, Jacob Gordon (Western Aus) từng có những khám phá thú vị ở Việt Nam. Tuy nhiên, anh đã bị đau dạ dày khi trở về nước. “Một số quán ăn ở vỉa hè không được đảm bảo vệ sinh”, anh chia sẻ. Vì vậy, ăn uống ở đâu, ăn gì luôn là mối quan tâm lớn của du khách nước ngoài. Làm sao để họ vừa thưởng thức được những món ăn cổ truyền, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm.

 

{keywords}

Một nhóm khách chọn quán nước bên đường để giải khát. Ảnh: Hoa Lê

Anh Craig (người Anh) chia sẻ: “Do không hợp đồ ăn ở đây, nên mình rất hay bị đau bụng”. Còn ông David thì nhận xét: “Tôi đã từng quan sát rất nhiều những vật dụng nhà bếp của một số nhà hàng thì nhận thấy nó không được sạch sẽ, nơi nấu nướng và các khu vệ sinh lại rất gần nhau”.

Phóng uế bừa bãi

Vứt rác bừa bãi, phóng uế vào gốc cây, bờ tường là những hành vi khiến du lịch Việt mất điểm trong mắt du khách.

 

{keywords}

Ảnh: Internet

“Điều tồi tệ nhất mà tôi thấy, những nơi như Hỏa Lò hay Văn Miếu Quốc Tử Giám, có rất nhiều xe ôm đứng chờ khách ở đó. Có thể nói, đi qua những khu vực đó, mùi rất kinh khủng. Rất dễ thấy những nhà vệ sinh công cộng ở những nơi này nhưng nhiều người đã phóng uế một cách bừa bãi”, ông David, du khách người Canada bức xúc cho rằng đây chính là một trong số những nhân tố gây ô nhiễm môi trường đáng báo động nhất.

Hoa Lê - Đỗ Dung