Dời tổ, bắt chim non, dùng keo dán chim lên cành cây… là những cách mà một số nhiếp ảnh gia đã áp dụng để có bức ảnh đẹp.

Những ngày gần đây, khá nhiều nhiếp ảnh gia kéo đến khu du lịch Giang Điền (Đồng Nai) vì có tổ chim “độc”. Chúng tôi cũng đi theo để tìm hiểu…

Hành hạ chim non

Chỉ 2 tổ chim treo lơ lửng trên cây bằng lăng và cây lim xẹt cách nhau khoảng 20 m, nhân viên khu du lịch cho biết cả tuần qua, rất nhiều đoàn đến canh chụp ảnh chim bố mẹ về mớm mồi cho con.

Tổ chim chỉ nhỉnh hơn nắm tay, kết bằng rơm rác mong manh, nếu có cơn gió mạnh chắc chắn sẽ rơi xuống đất. Lần đầu tiên chúng tôi thấy tổ chim “bay” phấp phới giữa đất trời thay vì giấu mình trong những bụi cây! Một điều lạ nữa là tổ chim làm trên cành thông nhưng mọc ra từ cây lim xẹt và còn mọc ngược… Thì ra, các cành cây có treo tổ chim đều được đưa từ nơi khác đến và cột vào những nhánh cây này!

{keywords}

Tổ chim được “dời nhà ra mặt tiền” tại khu du lịch Giang Điền.

Sau chúng tôi, tiếp tục có 2 nhiếp ảnh gia lỉnh kỉnh dụng cụ đến chỗ các nhân viên hỏi thăm tổ chim. Dù được dẫn đến, chỉ tận nơi nhưng họ vẫn không tin đó là tổ chim. “Tôi nghe mấy anh bạn cùng chụp ảnh nói ở đây có tổ chim. Mấy ổng nói tổ chim ở khuất trong lùm cây nên nhờ người leo lên cắt cành, dời “nhà” ra mặt tiền. Tổ gì chút xíu, sáng giờ tụi tui đi qua đi lại cả chục lần mà không thấy, để trong lùm sao thấy mà chụp!” - một người nói.

Gần trưa, những con chim hút mật họng vàng trống và mái lần lượt đem mồi về tổ. Tiếng chim chíp chíp thảng thốt vang trên ngọn cây đến vài phút mới bay về tổ, có lẽ chim bố mẹ vẫn chưa quen với “ngôi nhà mới” bất đắc dĩ. Các nhiếp ảnh gia cho biết khoảnh khắc chim bố mẹ nuôi con rất khó chụp và cũng như con người, hình ảnh này có ý nghĩa thiêng liêng nên ai cũng muốn ghi lại. Tuy nhiên, chim thường làm tổ ở những nơi rất cao hoặc sâu trong bụi rậm nên chụp được cảnh chim mẹ nuôi con là cả một quá trình kỳ công đeo bám, cực khổ, tốn thời gian và phải đầu tư thiết bị hiện đại. Vì thế, một số nhiếp ảnh gia đã nghĩ ra “chiêu” sắp đặt để có những tấm ảnh như mong muốn.

Hy sinh thiên nhiên

Anh Nguyễn Trí Dũng (TP.HCM) đã chứng kiến rất nhiều cảnh “bạo hành” chim chóc. “Để chụp chim hút mật ở quận 2, một số người đã phá nát bãi chuối nước nhằm buộc con chim phải đậu trên những cành cây do họ chọn. Hoặc để có cảnh chim tắm ở biển Cần Giờ, họ không ngại bẻ cành sơ ri cắm xuống nước nhằm dụ chim, cành khô lại bẻ cành mới thay thế, cứ thế cây sơ ri gần như bị vặt trụi. Còn để chụp cảnh chim non tập bay, họ không ngại dán keo vào chân chúng, sau khi có những tấm ảnh chim non rướn mình lên với bố cục đẹp, ánh sáng đầy đủ… thì chẳng ai nghĩ đến việc giải thoát cho nó... “Họ đã hy sinh thiên nhiên một cách không thương tiếc!” - anh Dũng bức xúc.

Theo nhà điểu học Nguyễn Hoài Bão, giảng viên đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, môn “Wildlife photography” (chụp ảnh thiên nhiên hoang dã) được xem là một trong những sở thích cần được khuyến khích, nó làm cho con người yêu thích và trân trọng thiên nhiên hơn. Để xem và chụp được ảnh động vật hoang dã, đôi khi phải sử dụng một số phương pháp gây ảnh hưởng đến đời sống của chúng như cho chúng ăn hoặc giả tiếng kêu (có khi dùng âm thanh thu sẵn)… nhưng cũng hết sức hạn chế.

Một số nước ở châu Á cũng sử dụng phương pháp sắp đặt nhưng theo kiểu bắt chim non để dụ chim bố mẹ thì chỉ có ở Việt Nam. Việc làm này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của động vật hoang dã nói chung và chim nói riêng vì chắc chắn mùa sinh sản năm sau, chúng không bao giờ làm tổ ở khu vực cũ, thậm chí là không sinh sản nữa.

Bên cạnh đó, việc lôi các tổ chim ra những nơi thoáng đãng không khác nào đẩy chim non vào miệng các loài ăn thịt.

“Tôi biết một số người mang danh “bảo vệ động vật hoang dã” để nhiếp ảnh theo kiểu phá hoại như thế này. Đây là vấn đề cần phải lên án mạnh mẽ để không tạo thành một trào lưu cho người chơi và gây hiệu ứng xấu đối với xã hội khi mà vấn đề ý thức bảo vệ thiên nhiên của chúng ta đang ở mức thấp” - ông Bão khuyến cáo.

Vô nhân đạo!

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), không nén được bức xúc khi nghe thông tin về những kiểu sắp đặt tàn phá thiên nhiên như vậy. Theo ông Hùng, một số loài chim khi có hơi người là không về tổ, chim non vì thế mà chết đói. “Đã không cứu hộ chim gặp nạn, tham gia bảo vệ các loài chim thì thôi, cớ sao lại phá tổ, đày đọa chúng như vậy. Thật vô nhân đạo! Nghệ thuật gì, bảo vệ môi trường ở đâu, những sản phẩm sắp đặt phi tự nhiên như thế không có giá trị gì ngoài tội ác” - ông Hùng nói.

Ông Lê Thanh Hiền, Giám đốc nhân sự Công ty CP Du lịch Giang Điền, cho biết khu du lịch rất rộng, hằng ngày có tới trăm khách nên không kiểm soát hết được. “Có thể khách du lịch lợi dụng lúc không có bảo vệ nên leo lên cây bẻ cành, lấy tổ chim” - ông Hiền nhận định.

(Theo Người lao động)