Không muốn hạnh phúc của con dở dang thế nhưng nghĩ đến cảnh đồ đạc trong nhà vỡ, nghĩ những khi nàng dâu bất trị trừng mắt quát lại... thì bà không muốn nhún nhường nữa.

Bà Hoài có duy nhất một cậu con trai năm nay gần 30 tuổi. Ngày con trai đưa người yêu về ra mắt, bà đã thấy “không ưa nổi cái con bé mắt xếch, miệng rộng, đanh đá và ăn mặc rất mát mẻ”. Nhưng thấy con trai một hai đòi cưới, bà đành bấm bụng bỏ ra hơn hai cây vàng cưới vợ cho con. Nhìn con trai cười hớn hở trong lễ cưới mà bà cũng vui lây.

Thế nhưng, mới sống chung với cô con dâu được gần hai tháng, bà đã muốn điên đầu vì nàng dâu bất trị. Hoa - con dâu bà, làm công nhân một công ty nước ngoài, hàng ngày đều đi làm bằng xe đưa đón của công ty. Nghĩ thương con dâu đi làm vất vả, lại chiều ý con, nên mọi công việc nhà bà đều giành làm. Ban đầu, Hoa đi làm về, thấy mẹ chồng nấu ăn cũng xúm xít phụ mẹ. Nhưng cô làm đâu thì bỏ đấy, khiến bà Hoài bực. Dần dần, đi làm về, Hoa chỉ xuống nhà chào mẹ chồng một tiếng rồi lại lướt nhanh lên phòng, đợi khi bà gọi thì xuống ăn cơm.

Những lúc bà khỏe mạnh không sao, nhưng những hôm trái gió trở trời, người bà mỏi rã rời vẫn phải xuống bếp cơm nước cho chồng, cho con. Hoa đi làm về, thấy mẹ chồng nằm li bì trong phòng cũng chẳng thèm hỏi một tiếng mà bỏ lên phòng đợi cơm. Ngồi trò chuyện với mấy bà trong xóm, nghe người ta kể con dâu hiếu hạnh, gọn gàng bà lại chạnh lòng buồn bã.

Bà để ý còn thấy con dâu mình có quá nhiều điểm thiếu sót nhưng chẳng bao giờ nghe bà góp ý. Nhiều khi nàng dâu còn trừng mắt, quát lại mẹ chồng. Là chúa bừa bộn nhưng Hoa lại chưa một lần tham gia vào việc dọn dẹp nhà. Cứ đi làm về thì túi xách vứt lăn lóc ngoài ghế salon, điện thoại thì khi để trên tủ, khi nằm trên bàn đá, lúc lại ở trong bếp. Váy áo, phụ kiện thay ra thì lúc chiếc tất ở chiếu nghỉ gần phòng hai vợ chồng, chiếc sơ mi xộc xệch ở lưng chừng máy giặt... Hễ bà nhắc nhở thì Hoa nhấm nhẳng: "Để đâu chả là để. Mẹ nhiều chuyện quá". Phòng ngủ của vợ chồng Hoa cũng do chính tay bà Hoài dọn dẹp. Mỗi sáng, Hoa chỉ có việc dậy vệ sinh cá nhân rồi đi làm. Còn lại mùng màn, gối nệm đều bày như bãi chiến trường. Lúc đầu, bà Hoài còn cố gắng dọn dẹp cho ngăn nắp, rồi lựa lời nói với Hoa. Hoa vâng vâng dạ dạ nhưng đâu vẫn vào đấy, chẳng thấy Hoa động vào đến cái chổi nói chi dọn phòng.

{keywords}

Hàng ngày, thấy con trai đi làm về trong tình trạng say khướt, bà Hoài lại đau lòng. (Ảnh minh họa)

Bà Hoài nhẫn nhịn làm mọi việc cũng được, nhưng điều mà bà không ưa nổi Hoa nhất là cách cô đối xử với chồng. Con trai bà từ trước đến giờ đều được bà chiều chuộng hết mực, chẳng để động tay động chân việc gì. Ấy thế mà từ khi có vợ, nhìn Hoa sai con trai bà cứ như mẹ sai con. Mà anh con trai bà cũng lạ, mẹ sai thì cau có, chứ vợ sai là răm rắp làm theo, chẳng dám trái ý nửa lời. Thậm chí nửa đêm vợ đòi ăn chân gà nướng, anh cũng xách xe đi tìm bằng được mua đem về cho vợ, trong khi bà ốm không ăn được cơm, đến bát cháo anh còn chẳng mua nổi cho mẹ.

Tiền lương hàng tháng, con trai bà đều đưa hết cho vợ cất giữ. Mỗi sáng, Hoa phát lại cho chồng 30 ngàn để xăng xe, ăn sáng, cà phê, cũng may con trai bà không hút thuốc, không nhậu nhẹt, chứ không thì thành con nợ mất. Thấy con trai như vậy, bà Hoài lại phải dấm dúi thêm vài chục ngàn vào tay anh, phòng khi xe hư giữa đường. Thương con trai bao nhiêu thì bà lại chướng tai gai mắt cô con dâu bấy nhiêu.

Hoa lại có tính hay ghen, lúc nào cũng bo bo giữ chồng bên cạnh. Cứ mỗi lần con trai bà đi dự đám tiệc gì là nhà lại xảy ra “chiến tranh nóng”. Thôi thì đủ mọi ngôn ngữ “chợ búa” được phát ra từ miệng con dâu và đích đến là con trai bà. Lần này như giọt nước tràn ly. Con trai bà đi đám cưới bạn, lâu ngày gặp bạn cũ, nên anh tắt máy ngồi chơi tới tận 10 giờ mới về. Nhìn Hoa đi lên đi xuống, lăm lăm điện thoại trên tay, mặt mày cau có, bà Hoài nghĩ thế nào cũng có chuyện xảy ra. Đúng như bà dự đoán, vừa thấy con trai bà bước vào nhà, Hoa đã thẳng tay ném cái điện thoại vào chồng ngay trước mặt cha mẹ chồng.

Vợ chồng bà Hoài đứng sững người trước hành động của con dâu. Con trai bà sẵn có hơi men nên nhào tới túm tóc Hoa tát cho một cái. Thế là chồng bà phải lao vào ôm con trai, bà thì ôm con dâu kéo ra. Mà sức bà Hoài sao bằng sức Hoa, cô lại đang tức tối nên bà bị cô xô ngã dúi dụi xuống nhà. Thấy mẹ chồng ngã, Hoa không đỡ bà dậy đã đành, cô còn quay ra chì chiết mẹ chồng: "Bà cố tình ôm tôi để cho con bà đánh!". Thế rồi nàng dâu bất trị ném tung đồ đạc, đập phá tan tành những gì tay cô vơ được...

Sau trận hỗn chiến, Hoa ôm quần áo bỏ về nhà mẹ đẻ. Con trai thì nằm vật ra ghế salon ngủ chẳng biết gì. Vợ chồng bà lắc đầu ngao ngán nhìn bãi chiến trường nào là mảnh vỡ đĩa, bình hoa, điện thoại, rồi cả ghế nhựa nằm ngổn ngang…

Không muốn hạnh phúc của con dở dang thế nhưng nghĩ đến cảnh đồ đạc trong nhà vỡ, nghĩ những khi nàng dâu bất trị trừng mắt quát lại... thì bà không muốn là người nhún nhường nữa. Bà lựa lời khuyên con trai, không thể sống mãi với tình cảnh này được. Biết là không muốn nhưng hai người chưa có con, tình huống xấu nhất xảy ra là ly hôn thì nên giải quyết sớm khi mọi chuyện vẫn còn đơn giản. Con trai bà đồng ý nhưng rất buồn. Còn Hoa, từ lúc bỏ nhà đi, chẳng hề thấy gọi điện hay nhà ngoại có động tĩnh gì.

Hàng ngày, thấy con trai đi làm về trong tình trạng say khướt, bà Hoài lại đau lòng. Hồi đó, nếu bà kiên quyết phản đối cuộc hôn nhân này thì có lẽ, con trai bà đã không rơi vào tình trạng như hiện tại...

(Theo Trí thức trẻ)