Để trẻ có thể hấp thụ tốt mọi dưỡng chất thiết yếu từ các thực phẩm ăn dặm, các mẹ cần tránh những điều này!

Cho trẻ ăn dặm là giai đoạn làm quen với "thực đơn" mới lạ của bé ngoài sữa mẹ - một giai đoạn thú vị nhưng đầy khó khăn cho cả trẻ và người mẹ. Khi bắt đầu cho trẻ tiếp xúc với đồ ăn dặm, các mẹ đã phải dày công nghiên cứu và học hỏi từ các bà mẹ khác hay thậm chí là hỏi ý kiến chuyên gia. Những lời khuyên vàng của mọi người thường luôn là ‘cứu cánh’ cho các bà mẹ nuôi con nhỏ, đặc biệt là chị em lần đầu làm mẹ.

Tuy nhiên, các mẹ cần biết rằng không phải ý kiến nào cũng chính xác, điều đó ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ. Dưới đây là 3 quan niệm sai lầm khi cho trẻ ăn dặm mà các mẹ nên biết để tránh.

1. Nếu trẻ cố gắng với tay đến đồ ăn người lớn đang dùng, điều đó có nghĩa bé đã sẵn sàng để ăn thức ăn đặc

Sự thật: Một số bé trong giai đoạn 4 - 5 tháng bắt đầu biểu hiện rất háo hức khi thấy người lớn ăn, nhưng điều đó không có nghĩa là bé đã sẵn sàng ăn dặm. Đây chỉ là mốc phát triển rất bình thường, khi bé muốn bắt chước những gì mà người lớn làm. Tuy nhiên để các mẹ yên tâm và năm bắt được đúng thời điểm cho trẻ ăn dặm, các mẹ có thể dựa vào một số dấu hiệu của trẻ dưới đây:

- Bé có thể ngồi vững: Khi trẻ đã sẵn sàng cho giai đoạn ăn dặm cũng là lúc xương cổ của bé đã có thể đỡ được đầu và bé đủ kiểm soát mình trong tư thế ngồi. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một biểu hiện không thuộc số đông mà chỉ đúng với một số trường hợp.

- Bé trông rất hứng khởi khi người lớn ăn: khi người lớn ăn bé có biểu hiện nhóp nhém mồm và dường như muốn đưa tay với lấy thức ăn mà mẹ đang cầm.

- Bé có thái độ hợp tác: khi mẹ thử đút thức ăn trong đĩa của mình cho bé và nhận thấy bé sẵn sàng há miệng và chồm đến để đón bằng được thức ăn.

- Trằn trọc về đêm: Bình thường, nhu cầu ăn đêm chỉ có ở trẻ sơ sinh và kéo dài tối đa đến 3 tháng. Sau thời gian này hầu như trẻ không còn duy trì thói quen thức đêm. Vì thế, khi những trẻ đã dần bước đến mốc 6 tháng lặp lại tình trạng này rất có khả năng trẻ đã ăn không đủ no vào ban ngày. Mẹ có thể dựa vào sự thay đổi này để đoán biết bé đã sẵn sàng để được ăn dặm.

- Bé đòi bú thêm: Trong những tháng đầu đời, trẻ bú liên tục theo nhiều cữ trong ngày. Mỗi cữ bú của trẻ có thể cách nhau từ 2-3 tiếng tùy thuộc đó là sữa công thức hay sữa mẹ. Khi dần đến mốc 6 tháng, trẻ bú thưa hơn và số lượng sữa mỗi cữ sẽ tăng lên. Nếu sau mỗi cữ bú trẻ vẫn khó chịu, khóc rứt và chỉ nín khi được cho bú thêm chứng tỏ trẻ đã có nhu cầu khẩu phần cao hơn

2. Khi mới cho trẻ ăn dặm nên cho trẻ tập ăn hoa quả trước khi ăn rau sẽ tốt cho răng

Sự thật: Đây cũng là một trong những quan niệm sai lầm khi cho trẻ ăn dặm bởi khi đến tuổi ăn dặm rau, củ, quả là một trong những thực phẩm không thể thiếu bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Ở rau xanh có chất xơ và các loại vitamin mà ở hoa quả không đủ để thay thế do đó cha mẹ hãy lựa chọn hoa quả như một thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng bên cạnh rau xanh bổ dưỡng cho các bé.

{keywords}

Khi đến tuổi ăn dặm rau, củ, quả là một trong những thực phẩm không thể thiếu bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, trong độ tuổi từ 6-9 tháng tuổi, lượng sắt trong cơ thể bé có thể giảm, do đó mẹ nên chọn cho bé ăn bổ sung một số loại ngũ cốc tăng cường chất sắt như bột yến mạch, thịt xay nhuyễn, cá...Sữa chua cũng là một trong những thực phẩm rất tốt cho trẻ ăn dặm bởi nó có chứa nhiều canxi và protein. Khi mới đầu cho trẻ ăn dặm, các mẹ chỉ nên cho ăn từng ít một để xem trẻ có bị dị ứng hay không.

3. Nên tránh cho trẻ ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng trong khoảng thời gian bé ăn dặm

Sự thật: Không có bằng chứng rõ ràng về việc này. Tháng 2/ 2013, Học viện Nhi khoa Mỹ (APP) đã ra một thông báo rằng ngoại trừ sữa bò thì trẻ từ 4 đến 6 tháng tuổi có thể tiêu thụ được các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu phộng, sữa, trứng, lúa mì, đậu nành, cá và động vật có vỏ.

Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, khi muốn cho trẻ làm quen với các loại thực phẩm này, người lớn nên tìm hiểu trước xem gia đình mình có tiền sử bị dị ứng hay không để có biện pháp an toàn nhất khi cho trẻ ăn. Không những vậy, khi mới đầu cho trẻ ăn, mẹ nên quan sát kỹ biểu hiện của trẻ, nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường thì nên dừng lại ngay.

(Theo Khám phá)