- Ngôi làng nghèo giữa miền rừng có tên xóm Lẫm thuộc thôn Phước Thạnh, xã miền núi Tam Thạnh, Núi Thành, Quảng Nam chỉ vỏn vẹn 24 gia đình nhưng suốt hơn 17 năm nay, họ cùng chung tay chăm sóc và nuôi dưỡng bà Phạm Thị Sòng (60 tuổi) sống đơn độc, lại bị tâm thần và nằm một chỗ.

Tình người nơi xóm nghèo

Xóm Lẫm nằm heo hút nơi đầu nguồn hồ chứa nước Phú Ninh. Nhà bà Sòng bé nhỏ nằm giữa xóm. Gọi là nhà nhưng đó chỉ là một căn phòng gạch xây rộng chừng 20m2 được bà con xóm Lẫm chung tay góp sức xây dựng.

{keywords}

Ngôi nhà bà Sòng nằm giữa xóm nghèo.

Thấy khách lạ ghé nhà bà Sòng, trưởng thôn Phước Thạnh Ngô Quang Vinh bỏ dở công việc chạy sang, bảo: “Thấy người lạ bà Sòng hay nổi cơn điên ném đá rất nguy hiểm vì bà sợ bị bắt đi trại tâm thần. Để tui vào trước xem sao đã…”

Bà Sòng có 4 anh em, mẹ bà mất khi bà mới 2 tuổi. Sau đó, chiến tranh loạn lạc lai cướp mất của bà 2 người anh trai.

Để trốn chạy khỏi vùng chiến tranh ác liệt, cha bà đã đưa 2 chị em bà vào Bà Rịa - Vũng Tàu sinh sống. Khi đất nước thống nhất, hai cha con bà Sòng quay lại địa phương, còn người chị gái bà thì lấy chồng rồi định cư trong đó luôn. Chị gái bà cũng bị bệnh tâm thần giống bà.

Về lại quê nghèo, hai cha con bà sống tựa vào nhau. Bà đem lòng yêu người con trai cùng làng. Nhưng tai họa ập đến, người chồng chưa cưới của bà qua đời vì bạo bệnh khiến bà bị suy sụp tinh thần. Năm 1992, cha bà cũng qua đời, bà Sòng bị bệnh nặng hơn.

Trong những cơn điên loạn, bà đập phá nhà cửa, hết điên bà đi làm kiếm sống. Đến năm 1998 bà đau nặng rồi bị liệt đôi chân, không còn đi lại được nữa. Bắt đầu từ đó bà con xóm Lẫm thay nhau nuôi bà.

“Hồi bà Sòng đau nằm một chỗ bà con tui ai cũng nghĩ bà sẽ khỏe trở lại, ai ngờ bà bị liệt. Hơn 4 tháng ròng rã, gia đình tui lo nuôi bà, nhưng bệnh tình không tiến triển. Lúc đó, tui gọi các gia đình họp và thống nhất thay nhau nấu cơm nuôi bà và bà con ở đây ai cũng đồng lòng", ông Vinh kể.

Hiện xóm Lẫm có 24 hộ gia đình, thì có 4 hộ được miễn giảm không nuôi bà Sòng bởi họ thuộc diện nhà nghèo, trong gia đình có người bệnh tật nặng. Do đó, hai chục hộ thay nhau cơm ngày 3 bữa. Còn chuyện tắm rửa, giặt áo quần cho bà thì hội phụ nữ xóm đảm nhận.

Chính quyền địa phương đưa bà vào bệnh viện tâm thần nhưng bà không chịu. Rồi đứa cháu gái ra đưa bà vào Vũng Tàu để chăm sóc, nhưng bà cũng nhất quyết ở lại.

“Bà con tui ở đây thay nhau chăm bà Sòng đã thành thói quen rồi, đến lịch là lo nấu cơm đưa sang cho bà. Gia đình ăn chi thì bà ăn nấy” - Chị Bùi Thị Tuyết tâm sự.

Tâm tình hai mẹ con nghèo nuôi người điên

Mặc dù không phải là bà con thân thích, nhưng bà Châu Thị Nữ bao nhiêu năm chăm sóc bà Sòng nay bước sang tuổi 60 đau ốm thường xuyên, nên bà Nữ bàn giao “sự nghiệp” nuôi người điên lại cho người con trai của mình là anh Nguyễn Đức Nhân.

Bà Nữ bảo rằng: “Việc bà con tui làm mấy chục năm ni là tình làng nghĩa xóm. Đây cũng là việc để giáo dục lớp con cháu của xóm đã làm người thì phải biết thương yêu nhau”.

{keywords}

Những người hàng xóm mang cơm đến cho bà Sòng.

Gia đình anh Nguyễn Đức Nhân cuộc sống khó nghèo, ngoài việc chăm người mẹ già yếu là bà Nữ, vợ chồng anh vẫn sẵn lòng cùng góp sức nuôi bà Sòng như chăm mẹ mình.

“Ở trong xóm có nhiều nghèo khổ hơn mình mà họ còn nuôi bà Sòng, vợ chồng tui mạnh khỏe, đi làm thuê có thu nhập sao không cùng chung tay với bà con hàng xóm. Đấy là việc phải làm mà, chẳng có chi, mỗi bữa ăn nấu thêm cơm, còn thức ăn mọi người trong gia đình ăn ít một chút là được. Ba mẹ tui ngày trước nuôi bà, giờ đến lượt mình tiếp tục, đấy là trách nhiệm của bà con tui trong xóm này!”.

{keywords}

Anh Nhân kể: “Mỗi khi mang đồ ăn cho bà Sòng, vợ chồng anh và bà con hàng xóm thường dành thức ăn ngon nhất trong bữa cơm cho bà. Trong xóm có đám đình, cưới hỏi thì bà con mang cho bà ăn trước. Hoặc đi đám cưới có cái ngon họ cũng mang về cho bà. Đấy là cái nếp của người dân xóm Lẫm, từ người già đến trẻ con ai cũng thương bà Sòng cô độc".

Tôi rời xóm Lẫm khi mặt trời đang khuất núi với hình ảnh người dân nghèo xóm Lẫm cưu mang bọc đùm bà Sòng trong tình yêu thương và lời trưởng thôn như vang lên, xót xa: “Bà con tui ai cũng nghèo nên bà Sòng đau ốm cũng phải chịu chung cảnh khó khổ. Chỉ mong những tấm lòng nhân ái cùng chung tay góp sức với bà con nghèo quê tui giúp cho bà Sòng bữa sáng có được gói mì tôm, trong bữa cơm có thêm chút thịt, chút cá...".

Vũ Trung