- “Hành động như tăng giá, bắt chẹt khách của một số nhà hàng khách sạn, vận tải dịp nghỉ lễ vừa rồi là không thể chấp nhận được. Tôi cho rằng họ thiếu đạo đức kinh doanh, lợi dụng được tình cảnh của khách du lịch để chèn ép, nâng giá, làm ăn theo kiểu chộp giật, lừa đảo”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc công ty kinh doanh du lịch TransViet Travel cho biết.

Chặt chém khách du lịch là thiếu đạo đức

Theo bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Giám đốc Chi nhánh Lửa Việt Tours tại Hà Nội, tình trạng quá tải tại các điểm du lịch là điều đã được cảnh báo qua các phương tiện truyền thông, nhân viên du lịch và kinh nghiệm của nhiều du khách từng trải. Nhưng rất nhiều người vẫn bất chấp và chọn đi du lịch vào thời điểm này. Tuy nhiên việc này không thể trách du khách, vì một thực tế là họ và gia đình chỉ có thể đi du lịch cùng nhau khi có thời gian rỗi, chính là những ngày nghỉ lễ này. Du khách “bất chấp” hay “chịu đựng” vì họ cũng không còn cách nào khác để chọn đi du lịch.

Chính điều trên đã đẩy nhiều du khách đến tình cảnh phải chịu sự chen lấn, xô đẩy, vất vưởng trông rất nhếch nhác. 

{keywords}

Du lịch hay sự hành xác mùa nghỉ lễ (Ảnh Dân Việt)

Lý giải điều này, bà Khánh cho rằng: Dịch vụ du lịch luôn có số lượng phục vụ nhất định, trong cùng một thời điểm khi cầu cao hơn cung, chắc chắn sẽ có hiện tượng một số khách không có dịch vụ không được phục vụ. Xảy ra hiện tượng chen lấn, xô đẩy, hay vất vưởng là điều không thể tránh khỏi, và nhà cung cấp dịch vụ cũng “bất lực.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc công ty kinh doanh du lịch TransViet Travel thì đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua rất dài nên mọi gia đình đều có nhu cầu đi du lịch và điều đó đã gây nên tình trạng quá tải nhiều điểm du lịch rất nhiều lần so với bình thường. Khách sạn, nhà hàng, dịch vụ tại địa phương có tình trạng tăng giá vé không chỉ gấp đôi mà còn gấp 3, 4 lần.

Và những hành động như tăng giá, bắt chẹt khách của một số nhà hàng khách sạn, vận tải như trên là không thể chấp nhận được. Tôi cho rằng họ thiếu đạo đức kinh doanh, lợi dụng được tình cảnh của khác du lịch để chèn ép, nâng giá, làm ăn theo kiểu chộp giật, lừa đảo. Ông Đạt cho rằng chính những hành động trên đã làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, nhà hàng, địa phương nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.

Ông Đạt cho hay, dịp nghị lễ 30/4, 1/5 Transviet đưa nhiều đoàn khách và chỉ đưa khách đến những địa phương mà vẫn đảm bảo được dịch vụ: khách sạn, nhà hàng có uy tín và đặt trước từ 3 đến 6 tháng.

Tình trạng khách bị chặt chém thường xảy ra với khách tự đi, không có kế hoạch đặt trước. Họ nghĩ rằng lên đó đặt khách sạn, nhà hàng, phương tiện là được nhưng đến nơi mới té ngửa rằng mọi nhà hàng thì quá đông, khách sạn thì không còn phòng.

Để tránh tình trạng trên, TransViet khuyến cáo người dân nên đặt những tour trọn gói của các công ty du lịch uy tín. Tại những đợt cao điểm nên đặt trước dịch vụ và bảo đảm dịch vụ đó ổn định về giá. Ví dụ ở Sapa có 46 triệu một phòng rất điên rồ. Thực tế chúng tôi cho du khách đi Sapa 3 ngày 2 đêm chỉ hơn 3 triệu mà dịch vụ vẫn rất chuẩn.

Tôi lấy ví dụ trên để nói rằng, chúng tôi đã làm ăn với các đơn vị nhà hàng, khách sạn, địa phương cả năm nên sẽ được ổn định về giá chứ họ không thể tự tiện thay đổi trong mấy ngày được.

“Khó để xách balo lên và đi”

Theo bà Khánh, nguyên nhân chính của những hiện tượng trên là do xuất phát từ tâm lý của một số đối tượng khách cho rằng “cứ xách balo lên mà đi” họ hoàn toàn không có kế hoạch trước, không đặt dịch vụ trước, cho rằng đến đó “kiểu gì cũng có”. Nhưng sự thật thì rất khó thực hiện. Phòng khách sạn 30 phòng thì cũng tối đa 60 người, tàu 200 chỗ thì cũng chỉ là 200 khách, nhà hàng 100 chỗ thì tối đa cũng 100 khách và tất cả các dịch vụ khác cũng như vậy.

Bên cạnh đó, hầu hết những du khách bị vất vưởng là do tâm lý chủ quan, không đặt mua trước các dịch vụ, mà họ tự túc đi, đến nơi mới mua dịch vụ. Trong khi một lượng du khách khác đã đặt trước và các dịch vụ của nhà cung cấp đã đầy.

Còn việc xảy ra hiện tượng xô đẩy, chen lấn là do ý thức của một số du khách, luôn muốn và cố để hơn người khác, không có ý thức xếp hàng hay chờ đợi. Đây cũng là một vấn đề về văn hóa ứng xử.

Vậy cách tốt nhất để không phải “ bị hành xác” là du khách nên đặt trước dịch vụ cho chuyến đi sớm nhất có thể, và như vậy sẽ không phải lo lắng phải tranh giành dịch vụ, hay chờ đợi.

Tình trạng quá tải vào ngày nghỉ là điều không thể tránh khỏi, đây không hẳn là lỗi hay trách nhiệm thuộc về ai, bản thân du khách họ cũng không mong muốn phải chen lấn hay xô đẩy mà do chính tình hình ở thời điểm đó như vậy.

{keywords}

Cảnh vạ vật của khách du lịch ở một số điểm du lịch.

Theo tôi về phía du khách không nên chủ quan, nên chuẩn bị dịch vụ từ trước cho chính mình. Về phía nhà làm du lịch thì cần tăng cường thêm dịch vụ vào mùa cao điểm ở mức có thể, và không tiếp nhận vượt quá mức.Về phía cơ quan chức năng thì cần đầu tư cho vệ sinh môi trường như lắp đặt sọt rác, túi đựng rác, xe lấy rác, máy dọn rác… ở các điểm du lịch công cộng, và yêu cầu hoặc quy định các doanh nghiệp tự trang bị nghiêm túc cho khu vực của mình.

Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam thì, “Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 người dân được nghỉ 6 ngày. Đây là một cơ hội rất tốt cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và các công ty du lịch, lữ hành và khách sạn nói riêng tổ chức đón khách du lịch trong nước và quốc tế lớn.

Theo đánh giá sơ bộ, lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam là 350 nghìn, khách du lịch nội địa 10 triệu. Lượng khách lớn đã gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ ở các khu, điểm du lịch, chặt chém du khách, ép giá, ép khách ở một vài địa điểm.

Đánh giá chung của Tổng cục Du lịch dịp nghỉ lễ nhìn chung tình hình đã được kiểm soát tốt hơn, tình trạng chặt chém, hét giá ở một số địa phương đã được xử lý kịp thời góp phần làm cho môi trường du lịch lành mạnh hơn. Ví dụ ở Sầm Sơn UBND đã quy định chính sách “9 có 9 không” để công bố rõ ràng các cơ sở lưu hành, lưu trú đảm bảo chất lượng, văn minh, tính hấp dẫn. Nhiều địa phương khác thì tăng cường công bố đường dây nóng, công khai giá cả để du khách biết và chủ động lựa chọn dịch vụ.

Ở Sapa, trên trang mạng đăng giá phòng tăng gấp 3 - 4 lần, chính quyền địa phương đã kịp thời kiểm tra và xử lý 2 khách sạn và một số công ty có liên quan công bố giá lên đến 12 triệu đồng. Khi chúng tôi kiểm tra lại, đây là những khách sạn công bố 3 sao nhưng chưa được Tổng cục Du lịch cấp phép, cấp sao và quan điểm của Tổng cục Du lịch là nếu được cấp phép, cấp sao thì chúng tôi kiên quyết có quyết định thu hồi lại.

Tuy nhiên do lượng khách khá đông nên cũng không thể tránh khỏi quá tải ở các địa điểm. Nhiều doanh nghiệp ép giá, đẩy giá và chúng tôi hoàn toàn không ủng hộ với cách làm thiếu chuyên nghiệp và mang tính chộp giật trên.

Ngay từ đầu tháng 4, nắm bắt trước tình hình này, Tổng cục Du lịch đã có công văn gửi các sở văn hóa thể thao du lịch yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tình hình giá cả cũng như công tác dịch vụ phục vụ tại các khu, điểm du lịch.

Dưới góc độ quản lý nhà nước chúng tôi xem xét và phối hợp các đơn vị liên quan trình bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội để xem xét, điều chỉnh một số điều khoản để tăng mức xử phạt đối với những hành vi trên nhất là trong quá trình thực hiện nghị định 109 về xử phạt vi phạm hành chính trong việc đưa tin thất thiệt về giá cả đối với doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ

Chúng tôi đề nghị các chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giải quyết những đơn vị có sai phạm làm ảnh hưởng môi trường, chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam.

Yêu cầu các địa phương công khai giá cả, giá dịch vụ để du khách lựa chọn những địa chỉ phù hợp túi tiền của mình để tránh tình trạng ép giá, ép khách làm mất đi hình ảnh đẹp của môi trường du lịch Việt Nam”.

Hạnh Thúy - Minh Thùy