- Hàng loạt vấn nạn chặt chém du khách ở một số tuyến, điểm du lịch liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây.

1,4 triệu đồng/kg tôm sú

Đoàn khách 5 người nước ngoài đến nhà hàng Bình H. trên đường Trần Hưng Đạo (Hải Phòng) ăn uống. Sau khi thanh toán, họ giật mình với hóa đơn hơn 8 triệu đồng, trong đó tôm sú là 1,4 triệu đồng/kg. Theo thông tin được chia sẻ trên mạng, đoàn có 5 người đã dùng hết hơn 2kg tôm sú, 4kg tu hài giá 850.000 đồng/kg bò húc, coca giá 30.000 đồng/lon,...

{keywords}
Hóa đơn với món tôm sú 1,4 triệu đồng/kg.

Ngay sau khi thông tin được đăng tải, các cư dân mạng không khỏi bức xúc với kiểu làm ăn chụp giật của nhà hàng này. Có người cho rằng nhà hàng đã kê khống lên để lấy tiền của khách. Được biết, giá tôm sú trên thị trường cùng thời điểm khoảng 450.000 đồng/kg loại dưới một lạng/con; loại to hơn giá 700.000 đồng/kg.

Trước đó, trên mạng xã hội cư dân mạng cũng xôn xao về hóa đơn của một nhà hàng ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) khi tính 600.000 đồng một đĩa thịt gà công nghiệp cho khách, đĩa thịt lợn rang cháy cạnh khoảng 1,5 lạng giá 150.000 đồng, đĩa thịt bò xào hành tây giá 250.000 đồng,... Một khách du lịch khác đi cùng gia đình vào ăn ở một nhà hàng trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nha Trang. Vị khách này gọi một số món và chọn một con cua buộc dây, cân được 1,2kg, giá 350.000 đồng/kg, nhưng khi nhà hàng dọn ra là một con cua bé tí cân lên được 0,42kg và vị khách phải trả 420.000 đồng cho con cua này.

Thêm một câu chuyện khác, chiều 27/6 vừa qua, chị Nguyễn Thị Mỹ Hòa (23 tuổi) và gia đình gồm 12 người từ Đồng Nai đi thị xã La Gi (Bình Thuận) du lịch cuối tuần. Khi đang mua hải sản tại khu vực ven biển xã Tân Tiến, thấy hải sản bị cân thiếu, có người bị cân thiếu từ 4kg thành 2kg, chị Hòa phản ánh với người bán hàng thì lập tức bị những phụ nữ bán hàng và nhiều người khác lao vào đánh. Chị Hòa bị thương chảy máu ở vùng mặt và mang tai.

Chế tài xử phạt vẫn chưa đủ mạnh 

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thì, tình trạng ép giá, bắt chẹt khách lâu nay là một vấn đề không mới nữa nhưng gần đây lại có xu hướng rộ lên ở một số nơi. Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến ngành du lịch. Theo ông Tuấn, để giải quyết vấn nạn trên thì mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 14 quy định rõ trách nhiệm của các ban ngành nhất là chính quyền địa phương các cấp trong việc xử lý vấn nạn chặt chém du khách. 

Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm, hiện nay các chế tài xử phạt vẫn chưa đủ mạnh vì vậy để xử lý triệt để thì các cấp, các ngành cần nắm vững vai trò, trách nhiệm của mình. Đồng thời cần tăng mức xử phạt lên và vận dụng điều đó để có chế tài xử lý ở mức cao nhất. 

{keywords}
Con cua 1,2kg sau khi luộc lên còn 0,42kg

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam thì tình trạng chặt chém cũng như tình trạng ăn xin, ăn mày ở các khu, điểm du lịch đều là những hoạt động làm xấu đi hình ảnh của du lịch. Đây không chỉ là vấn nạn của riêng nước Việt Nam mà còn là ở các nước trên thế giới. Vì vậy muốn phát triển, muốn đưa hình ảnh đất nước phát triển thì phải giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Đối với ngành du lịch, chúng ta phải chỉ ra, vạch ra những vấn nạn chặt chém, phải đồng hành với du khách, bảo vệ quyền lợi của du khách. Những cán bộ ngành du lịch đứng đầu phải mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi của du khách" - ông Bình nói.

Hạnh Thúy