Chỉ sau một thời gian ngắn gắn bó, nhiều người giúp việc đã “chạy mất dép” vì phát hiện chủ nhà quá keo kiệt, bủn xỉn.

Đàn ông “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”

Làm nghề giúp việc đã nhiều năm, kinh qua nhiều nhà chủ nhưng đến nay chị Nguyễn Thương (quê Hưng Yên) vẫn nhớ nhất lần “rơi” vào một nhà chủ “quái đản”. Sự “quái đản” này được chị Thương giải thích là cách hành xử keo kiệt đến khó tin của ông chủ nhà giàu có.

{keywords}

Nhiều chủ nhà "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" khiến người giúp việc phát hoảng. (Ảnh minh họa)

Chị kể, lần đó chị mới nghỉ làm cho một nhà chủ suốt ngày nợ lương thì được người quen giới thiệu tới giúp việc cho gia đình này. Vốn tính cẩn thận nên chị Thương cũng hỏi kỹ người giới thiệu về tính cách của chủ nhà, nếp sống của gia đình họ… Người này nói rằng chủ nhà rất giàu có, đối xử với mọi người rất tốt, cứ yên tâm đến làm việc.

Hôm đầu tiên đến nhà gặp mặt, trao đổi qua về công việc, thì nhiệm vụ của chị Thương là làm những việc nội trợ trong nhà và đưa đón đứa con nhỏ của nhà chủ đang học tiểu học ở gần nhà. Mức lương của chị là 3 triệu đồng/tháng. Ngay buổi đầu tiên này, ấn tượng của chị về ông chủ nhà đã có chút gì đó gợn gợn. Thường thì các chủ nhà hay đưa ra yêu cầu với giúp việc là ngăn nắp sạch sẽ, quan tâm chăm sóc, đưa đón con cái họ chu đáo. Còn ông chủ nhà này có câu cửa miệng cứ nhắc đi nhắc lại là phải “tiết kiệm”.

Những ngày sau đó, chị Thương tận mắt chứng kiến cái tính “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” của ông chủ. “Tôi mua sắm đều phải ghi vào sổ chi tiêu và mỗi ngày ông ấy kiểm tra sổ một lần, thường xuyên cằn nhằn sao mua cái này đắt cái kia đắt. Nhà có ô tô nhưng đắp chiếu để đấy, chỉ thỉnh thoảng mưa to gió lớn hoặc chở vợ con về quê mới thấy ông ấy đi. Để tiết kiệm xăng, ông ấy toàn đi chiếc xe máy cà tàng mà mỗi lần nổ máy là đinh tai nhức óc hàng xóm. Tôi làm việc ở đó được một tháng, lấy lương xong là “chạy mất dép”, chị Thương ngao ngán kể.

Trăm kiểu tiết kiệm có một không hai

Chị Trần Hà (quê Hải Dương) thì cũng từng ôm nỗi ám ảnh khi giúp việc cho một gia đình ở Ba Đình, Hà Nội. Nhà này có đôi vợ chồng trẻ và một đứa con gần 2 tuổi, kinh tế gia đình khá giả nhưng nữ chủ nhà vô cùng keo kiệt.

“Ngay từ những ngày làm việc đầu tiên tôi đã nghĩ là mình không thể gắn bó lâu dài ở nhà này được. Vì tôi phải làm đủ thứ việc quần quật từ sáng tới 9-10h tối. Chị chủ chỉ cần thấy tôi nghỉ ngơi một chút là lại nhanh chóng chỉ tay 5 ngón bảo làm cái nọ cái kia. Đến bữa, tôi ăn nhiều một chút là chị ta bóng gió nói ăn nhiều thì mỡ máu chứ báu gì. Làm việc ở đây được hơn 1 tháng thì mẹ tôi ở quê bị bệnh, tôi bảo ứng trước tháng lương thứ hai nhưng chị ta tỏ ý không chịu đưa. May mà anh chồng quát vào mặt, thì chị ta mới lút cút vào phòng lấy tiền để ứng cho tôi. Ngoài tiền lương, cũng chẳng có thêm chút gì gọi là đồng quà tấm bánh cho mẹ tôi đang bị bệnh cả”, chị Hà nhớ lại.

Nhưng kinh khủng hơn cả là không chỉ bóc lột sức lao động, đối xử keo kiệt với người giúp việc, nữ chủ nhà còn chi li với cả chồng, con của mình rồi tiết kiệm đến nỗi tự làm khổ bản thân. “Mỗi lần chị ta cho con uống sữa, thằng bé chỉ uống nửa bình sữa là chị ta giằng bình ra, mặc cho thằng bé khóc ngằn ngặt đòi uống nữa. Nước vo gạo chị ta nhắc tôi dùng để tưới cây cho tiết kiệm. Nhà có máy giặt nhưng thường chị ta bảo tôi giặt đồ bằng tay cho sạch, thực tế là để tiết kiệm tiền điện chạy máy giặt.

Rồi có đợt thời tiết nắng nóng đến 40 độ, nhà thì có trẻ con, anh chồng bảo lắp điều hòa mà chị ta cứ dùng dằng có nên mua hay không vì nhà tầng 1 cũng mát. Lại bị anh chồng quát cho một trận vì thói tiết kiệm không đâu nên chị ta mới đành xì tiền ra mua. Thế nhưng chỉ hôm nào trời vô cùng nóng chị ta mới bật điều hòa, còn có những hôm nóng bình thường, chị ta nhất quyết chỉ cho cả nhà dùng quạt điện. Bi hài nhất là có lần chị ta cần đi gấp mà xe máy thì đang bảo dưỡng ở tiệm, chị ta sợ tốn kém không dám gọi taxi đậu ngay ngõ ngoài, cứ phải vào mạng tìm kiếm số điện thoại của xe ôm thân thiện”, chị Hà kể.

Cám cảnh với chủ nhà quá bần tiện này, khi hoàn thành tháng làm việc thứ hai, chị Trần Hà đã xin nghỉ ngay tắp lự.

Có thể thấy, xã hội càng phát triển, nhu cầu sử dụng người giúp việc để làm những công việc gia đình ngày càng cao. Những năm gần đây, vào các dịp cao điểm như Tết, nhu cầu về người giúp việc luôn tăng cao đột biến, nhiều chủ nhà phải nghĩ ra “trăm phương ngàn kế” để giữ chân giúp việc, người thì lại chạy đôn chạy đáo mới tìm được giúp việc vừa ý.

Mối quan hệ giữa người thuê với người giúp việc rất đặc biệt. Đặc thù của công việc này là giúp việc không chỉ tiếp xúc với chủ nhà trong 8 tiếng làm việc mà có thể còn ở chung nhà, ăn cùng ngày này sang tháng khác. Vì thế, cách ứng xử của chủ nhà ra sao sẽ quyết định lớn đến việc người giúp việc có muốn làm việc lâu dài hay không. Sự keo kiệt, bủn xỉn của chủ nhà là một điểm trừ rất lớn khiến giúp việc cảm thấy bị bóc lột sức lao động, bị đối xử tệ bạc và tỷ lệ ra đi sau vài ngày, một tháng thử việc là điều dễ dàng đoán được.

(Theo Congluan)