Làm việc trong một văn phòng hiện đại, ngay giữa trung tâm Mahattan (thành phố New York), Mark Bonner – Thư ký toà soạn tờ báo Kinh doanh quốc tế (International Bussines Times) có dáng dấp một chuyên viên tài chính hơn là một nhà báo.

Cơn vật lộn của báo in

6 năm trước đây, khi nhìn thấy “số phận” báo in Mỹ ngày càng tồi tệ, Mark Bonner khi đó đã xin nghỉ việc ở tờ báo in vùng New Orleans và quyết định chuyển đến sống tại TP New York, vừa làm thêm tại 1 số cơ quan xuất bản sách báo, vừa học thêm các nội dung về truyền thông – công nghệ số, thương hiệu, marketing, mạng xã hội…

{keywords}

Mark Bonner - Thư ký tòa soạn tờ Thời báo Kinh doanh Quốc tế đang trò chuyện về cuộc "sống sót" trong nghề báo


“Tôi đã chuẩn bị một bước thay đổi khác trong sự nghiệp” – Mark Bonner nhìn lại những kiến thức, kỹ năng , kinh nghiệm đã tích luỹ trong 5 năm giúp anh bước vào toà soạn Kinh doanh quốc tế điện tử trong vai trò thư ký nội dung.

Cuộc vật lộn của báo chí Mỹ trong kỷ nguyên công nghệ số vẫn đang tiếp diễn. 2 tuần cuối tháng 6 năm 2015 khi được Trung tâm Đào tạo Phát triển Nâng cao Năng lực nhà báo ICFJ đưa tham quan một số tờ báo hàng đầu nước Mỹ, 14 nhà báo Việt Nam chúng tôi đã cảm nhận rõ hơn cuộc vật lộn này

Trong cuộc gặp ngày 21/6, bà Michelle LaRoche - Biên tập viên Phát triển tờ Nhật báo phố Wall thông báo sẽ có khoảng 100 nhân sự của tờ báo bị sa thải trong thời gian sắp tới. Nguyên nhân của đợt sa thải được Tổng biên tập của The Wall Street Journal là ông Gerard Baker nói : "Tốc độ phát triển nhanh chóng của thông tin và nội dung miễn phí, sự nổi lên của những công ty truyền thông kỹ thuật số đã khiến thị trường cạnh tranh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Họ thu hút người đọc, các nhà quảng cáo và thậm chí cả những phóng viên giỏi của chúng tôi".

{keywords}
Một phóng viên tờ Washington Post đang làm việc


Trong năm 2014, tờ New York Times đã cắt giảm hơn 100 biên tập và phóng viên, trong đó có nhiều PV- BTV giỏi, Clay Risen, Trưởng ban Bình luận, New York Times cũng chia sẻ với đoàn nhà báo Việt Nam ngày 22/6 tại trụ sở báo.

Trong một diễn biến khác, theo thống kê của ABC (Audit Bureau of Circulations – ABC), 15 quý gần đây nhất (tính tới đầu năm 2012), Washington Post lỗ tới 13 quý (chỉ 2 quý có lãi). Tính trong cả giai đoạn ấy, tờ báo này lỗ tới 412 triệu USD, trong đó riêng quý gần nhất lỗ 23 triệu USD và tổng doanh số giảm 7%. Và hậu quả là trong vòng 8 năm qua, giá trị cổ phiếu của Washington Post trên sàn chứng khoán ở New York mất giá tới 60%. Để cứu tờ báo, gia đình nhà Katharine Graham đã phải bán Washington Post cho Jeff Bezos – ông chủ Công ty buôn bán trực tuyến Amazon

Đổi mới hay là chết?

“Báo chí Mỹ đang đang trải qua giai đoạn vật lộn quyết liệt để tồn tại trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, thách thức của mạng mạng internet lại chính là cơ hội của chúng tôi” - Bill Nichols, Trưởng ban Biên tập của tờ Politico kể về quá trình thành lập của tờ báo.

Năm 2006, Bill Nichols lúc đó đang là BTV tờ USA Today cùng 1 số đồng nghiệp đã sáng lập 1 tờ báo mạng chuyên về chính trị có tên gọi là Politico. “Nhiều người nghĩ chúng tôi điên khùng nhưng chúng tôi không sợ hãi mà luôn nỗ lực và đã thành công, phát triển”.

Khởi đầu vào tháng 1 năm 2007 với 30 nhân viên, cho đến nay Politico đã có 400 nhân viên với một mạng lưới mở rộng không chỉ trong phạm vi nuóc Mỹ mà cả ở châu Âu, bao gồm: Bỉ, Đức, Nga…

Bên cạnh việc xây dựng chất lượng nội dung với những bài phân tích, bình luận khác biệt, sắc sảo nhưng vẫn đảm bảo yếu tố “nhanh, tốc độ”, Politico coi trọng việc phát tán, phủ sóng “thương hiệu” qua mạng xã hội. Yếu tố kỹ thuật được đầu tư đặc biệt dựa trên nguyên tắc “những ưu việt của 2 năm trước có thể đã lạc hậu so với hôm nay” – Bill Nichols cho hay.

Trong cuộc cạnh tranh gay gắt với các tờ báo lớn, thậm chí ngay cả với mạng xã hội, Politico vẫn xác định phải đặt lên trên hết yêu tố “khách quan, cân bằng, tin cậy”. “Trong một bối cảnh người đọc đang mất lòng tin vào báo chí với những tin tức thiên kiến hoặc thiếu chính xác, thì tính “khách quan” được chúng tôi coi là xác tin làm nên thương hiệu tờ báo” – Bill Nichols nói

{keywords}
Phòng Nội dung của tờ Nhật báo phố Wall

Clay Risen – Phụ trách mục Bình luận của tờ nhật báo New York Times khi dẫn đoàn nhà báo Việt Nam đi thăm trụ sở mới của báo cũng nhấn mạnh “trụ sở này hoàn toàn phục vụ cho cuộc cách mạng công nghệ số - tương lại của NYT trong thế kỷ 21”. Risen chỉ vào cabin bàn làm việc của PV và nói những cabin này có thể di động xoay chuyển theo mục đích của ban biên tập “nếu họ muốn biến toàn bộ sàn nhà này thành nơi tường thuật”.


Tòa nhà của The New York Times, tờ nhật báo hàng đầu thế giới vừa tuyên bố sẽ tập trung hàng đầu cho báo mạng và các sản phẩm digital.

Tờ Times vẫn tiếp tục các cuộc họp buổi sáng và buổi nhiều nhưng thay vì bàn thảo chuyện bài nào sẽ lên trang bìa báo giấy hôm sau, các cuộc họp đó giờ sẽ tập trung vào chuyện “cạnh tranh thế nào để có các sản phẩm mạng tốt nhất”.

Đầu năm 2015, New York Times đã khiến làng báo thế giới xôn xao với là thư “Chartingthe Future” (Tìm hướng cho tương lai) nói về những định hướng của tờ báo. Theo đó, tờ Times vẫn tiếp tục các cuộc họp buổi sáng và buổi nhiều nhưng thay vì bàn thảo chuyện bài nào sẽ lên trang bìa báo giấy hôm sau, các cuộc họp đó giờ sẽ tập trung vào chuyện “cạnh tranh thế nào để có các sản phẩm mạng tốt nhất”.

Theo hệ thống mới, mỗi ban ở New York Times sẽ báo bài cho “Dean’s list” (tạm dịch: danh sách ưu tiên - ở đây có chơi chữ với tên Dean của ông TBT) mà sẽ là những bài “được đầu tư tốt nhất trên mọi platform digital” cả trên web, mobile và các platform mạng xã hội.

{keywords}
14 nhà báo Việt Nam tham gia Study Tour thăm quan một số tòa soạn báo Hoa Kỳ do Trung tâm ICFJ tổ chức vào tháng 6/2015


Các bài được chọn vào danh sách này sẽ được các vị trí ưu tiên trên mọi platform. Theo Baquet, ưu tiên này sẽ cho họ linh động để nhắm vào độc giả trên mobile (giờ chiếm hơn ½ traffic của tờ Times) và các platform như Facebook (nơi họ đang triển khai chiến lược mới về cách trình bày/cung cấp thông tin cho bạn đọc). Về nguyên tắc các bài được báo trong cuộc họp phải có ngay sau đó. Các bài cho báo giấy sẽ được bàn trong cuộc họp buổi chiều nhưng chỉ còn chiếm vị trí rất thứ yếu trong nội dung cuộc họp.

Nhà báo Nguyễn Thanh Tuấn – một Fber được nhiều nhà báo Việt Nam theo dõi cũng chia sẻ thông tin về tờ Washiongton Post từ khi được ông chủ Amazon mua, khoảng hơn 100 nhân viên mới được đưa về - hầu hết là những blogger nhiều kinh nghiệm và các phóng viên multimedia. Họ bao gồm cả những người viết phần mềm vào làm trực tiếp ngay toà soạn để cùng với các biên tập viên/phóng viên phát triển các sáng kiến mới: từ interactive graphics cho đến phân tích dữ liệu.

Tờ Post đã cho thử nghiệm những mục mà trước kia từng bị coi là không đáp ứng tiêu chí của họ như Morning Mix (một số bài hàng sáng tổng hợp lại những chuyện hay trên mạng/mạng xã hội – viết lại (rewrite) chứ không phải là copy-paste) hay PostEverything (một dạng trang ý kiếnmà từ dân thường tới chính trị gia... đều có thể tham gia miễn có bài hay). Các blog chính trị được bạn đọc yêu thích như Wonkblog và The Fix được mở rộng...

Hơn 1 tiếng gặp gỡ nhà báo Việt Nam tại trụ sở Nhật báo phố Wall, ông Adam Horvath - Trưởng ban Thế giới đã kể chi tiết về cuộc cách mạng nội dung đang diễn ra. Trong đó, ông nhấn mạnh “việc sa thải nhân viên không chứng tỏ sự suy yếu của tờ báo mà đó là hoạt động tái cơ cấu thường tình”.

Kế hoạch trước mắt của tờ Nhật báo phố Wall là tăng cường nội dung đưa tin về ngân hàng trung ương, đời sống kinh doanh, năng lượng, và số ngành kinh tế chủ chốt có sự tham gia của chính phủ.

“Chúng tôi cho rằng đây là sẽ những lĩnh vực tạo sự khác biệt cho tờ báo” - ông Adam chia sẻ. Không chỉ đề cao yếu tố nhanh, cập nhật liên tục, những bài báo của Nhật báo Phố Wall còn phải trở nên khác biệt nhờ các yếu tố công nghệ phụ trợ như video, đồ hoạ, intertractive. Ông Adam nói thêm, Gerard Baker – Tổng Biên Tập tờ Nhật báo Phố Wall luôn coi việc đầu tư vào những yếu tố công nghệ chính là nhân tố quyết định cho tăng trưởng lượng độc giả.

Báo chí Mỹ vẫn đang vật lộn tìm cách thay đổi để thích ứng với kỷ nguyên công nghệ - mạng xã hội, nhưng “nội dung” vẫn được ban biên tập các toà soạn coi là nhân tố tạo nên bản sắc của tờ báo. Như Gerard Baker – Tổng Biên Tập tờ Nhật báo Phố Wall chia sẻ trên chính trang mạng xã hội của báo này: “những giá trị khách quan, sâu sắc, đáng tin cậy của tin tức chưa bao giờ chết. Vì thế giới này vẫn những tờ báo tự do, mạnh mẽ và tiến bộ - ở bất cứ một phiên bản nào: báo in hay điện tử”

Thu Phương