Nhiều bà mẹ sợ ngực lệch nên khi cho con bú thường đổi bên liên tục, đây là sai lầm tại hại khiến việc nuôi con bằng sữa mẹ trở nên vô nghĩa.

Tại Trung tâm Tư vấn Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi ngày, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng tiếp nhận trên 20 trường hợp trẻ em đến khám suy dinh dưỡng, nhẹ cân, lười ăn.

Bé Hải Anh (Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) được 18 tháng tuổi nhưng chỉ nặng 7 kg, thể trạng còi cọc, xanh xao. Sau khi thăm khám và hỏi mẹ cháu bé, tiến sĩ Hưng phát hiện rất nhiều sai lầm của người lớn. Đặc biệt, những sai lầm này rất phổ biến với hầu hết các mẹ.

Cho con bú sữa loãng

Theo tiến sĩ Hưng, suy dinh dưỡng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ trong độ tuổi bú mẹ. Trong đó, nguyên nhân đáng chú ý là do các mẹ không biết cách cho con bú.

"Các mẹ thường sợ ngực bị lệch nên thường xuyên thay đổi giữa hai bên, từ đó, trẻ không có cơ hội được bú nguồn sữa đặc cuối mỗi bầu, đây mới là nguồn cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng nhất trong sữa mẹ bởi sữa đầu rất loãng.

Các mẹ cần lưu ý cho con bú cạn hết một bên sữa rồi mới đổi bên để tận dụng nguồn sữa quý này đồng thời khi càng bú cạn, sữa mẹ càng được kích thích để tiết ra nhiều hơn”, tiến sĩ Hưng cho hay.

Ngoài ra, nhiều mẹ hay nằm cho con bú song tư thế này không tiết ra nhiều sữa, khiến bé bị đói mà mẹ không hay.

Không cho dầu ăn + mỡ vào cháo của bé

Khi nấu cháo cho con, các mẹ hay chú ý đến lượng đạm mà quên mất các thành phần khác, nhất là lượng dầu mỡ. Trong khi đó, chất béo là nhóm chất dinh dưỡng rất quan trọng, đóng vai trò chính trong cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp hình thành mô mỡ có chức năng điều hòa thân nhiệt, cung cấp chất béo giúp cho quá trình hấp thu các vitamin quan trọng trong cơ thể.

{keywords}

“Nhiều người sợ cho dầu, mỡ khiến trẻ bị đau bụng hoặc béo phì, song, chỉ những người lớn mới đáng lo về các vấn đề rối loạn mỡ máu, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên rất cần những thành phần này. Khi nấu cháo cho con ăn, các bà mẹ nên cho thêm 1-2 thìa dầu/ mỡ, có thể cho cùng lúc cả dầu thực vật và mỡ động vật hoặc ăn cách bữa”, tiến sĩ Hưng cho biết.

Theo vị chuyên gia, nhu cầu chất béo của trẻ thường 40-50% khẩu phần, thậm chí lên đến 60%.

Để con không bị suy dinh dưỡng

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, ngay khi cha mẹ thấy trẻ dừng tăng cân, nên đưa con đến khám sớm để có kế hoạch can thiệp chống suy dinh dưỡng.

Để trẻ phát triển tốt nhất, phụ huynh nên cho bé ăn uống đầy đủ theo nhu cầu của lứa tuổi, không lơ là nhưng cũng không được nhồi nhét quá mức. Ngoài ra, cha mẹ nên tăng cường các hoạt động thể lực cho các bé như đi bộ, đi xe đạp, chạy chơi…

Đặc biệt, để cung cấp lượng vitamin D từ thiên nhiên cho sự phát triển của bé, cha mẹ nên cho bé tắm nắng hằng ngày, khoảng 30 phút/ngày.

Mùa hè nên tắm nắng vào khoảng 7-8h sáng, mùa đông từ 15-17h. Có thể cho bé uống bổ sung vitamin D vào những mùa ít nắng.

Không tự nấu ăn cho con

Vì con biếng ăn nên nhiều mẹ trở nên lười trong việc nấu nướng. Họ chọn cách mua cháo dinh dưỡng hoặc các thực phẩm chế biến sẵn cho con ăn. Thực tế, đây là một sai lầm khiến trẻ ngày càng biếng ăn hơn.

Theo tiến sĩ Hưng, để đảm bảo đủ dinh dưỡng, thức ăn cho trẻ cần phải chứa bốn nhóm dinh dưỡng, gồm tinh bột (gạo, mì, ngô, khoai…) - cung cấp phần lớn năng lượng, hơn 1/2 nhu cầu về đạm và vitamin mà cơ thể bé cần; đạm (thịt, cá, tôm, cua…) - rất cần cho sự tăng trưởng, phát triển của trẻ; chất béo (dầu ăn) - rất cần cho sự phát triển của bộ não, cung cấp nhiều năng lượng, giúp hấp thu các vitamin tan trong chất béo, đồng thời làm bột mềm, dễ nuốt; vitamin và khoáng chất (rau củ, trái cây,…) – cung cấp các vitamin thiết yếu.

Với một bát cháo dinh dưỡng chỉ khoảng 10.000 đồng, tiến sĩ Hưng cho rằng khó có thể đủ cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Nếu các mẹ cho trẻ ăn triền miên như vậy tất yếu sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng.

Nấu một nồi cháo to và bắt con ăn cả ngày

Vì lý do bận rộn hoặc sợ mất thời gian nên có nhiều mẹ thường nấu một nồi cháo và cho con ăn cả ngày. Theo tiến sĩ Hưng, thói quen này rất tai hại vì vừa khiến trẻ đối mặt với nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm vừa khiến con nhàm chán, càng trở nên biếng ăn hơn. Đây là lý do tại sao có những trẻ ăn đủ bữa mà không tăng cân hay trẻ béo phì mà cơ thể lại thiếu vitamin hay thậm chí còi xương, suy dinh dưỡng.

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên, mỗi ngày, trẻ nên có 2-3 bữa cháo/bột với các loại thực phẩm khác nhau, không nên lặp lại trong một ngày. Để nhanh hơn, các mẹ có thể nấu một nồi cháo trắng và mỗi lần cho trẻ ăn, hãy mang một phần cháo đó nấu cùng với các loại rau và thịt khác nhau để trẻ không thấy chán. Hơn nữa, các chất vitamin trong cháo không bị mất đi do quá trình để lâu.

“Khôn ăn nước, dại ăn… cái”

Theo chuyên gia dinh dưỡng, chất đạm có trong thịt, cá, tôm… dù có nấu bao lâu vẫn tồn ở bã thịt. Các loại vitamin C, E, A, sắt, kẽm… có trong rau củ cũng chỉ hòa tan vào nước một lượng rất ít. Do đó, nếu trẻ chỉ ăn nước hầm mà không ăn cái sẽ bị thiếu chất đạm và các vitamin dẫn đến suy dinh dưỡng và thiếu máu. Đồng thời, các con sẽ bị táo bón do thiếu chất xơ. Vì vậy, các mẹ nên nghiền, xay hoặc băm nhỏ tất cả các thực phẩm để đảm bảo đầy đủ chất.

Ngoài ra, việc trộn cháo, bột hoặc cơm với nước hầm tạo cho trẻ cảm giác dễ nuốt nhưng lâu dần, trẻ sẽ hình thành thói quen lười nhai, hay ngậm thức ăn và dẫn đến chán ăn.

Một số mẫu thực đơn phục hồi trẻ suy dinh dưỡng tại nhà

- Trẻ dưới 6 tháng: Bú sữa mẹ theo nhu cầu của trẻ. Trường hợp mẹ không đủ sữa, phải dùng các sản phẩm thay thế sữa mẹ, nên có chỉ định của bác sĩ.

- Trẻ từ 6-12 tháng: Cho ăn nước cháo xay trộn sữa. Trường hợp trẻ không thích ăn cháo trộn sữa, có thể dùng sữa cao năng lượng pha với nước sôi để ấm theo hướng dẫn, mỗi ngày uống 500 ml và cho ăn bột hoặc cháo xay 3-4 bữa/ngày, trẻ ăn ít có thể tăng số bữa lên, dùng nước giá đậu xanh để làm lỏng thức ăn: 10 g giá đậu xanh/10 g bột (giá đậu xanh giã nhỏ lọc lấy nước nấu bột).

- Trẻ 13 -24 tháng:

6h: 150 – 200 ml sữa cao năng lượng

9h: Cháo thịt, gồm: gạo tẻ 30 g (1 nắm tay), thịt nạc 50 g (hoặc cá, tôm, cua 50g, 1 quả trứng gà) dầu 10 ml (2 thìa cà phê), rau xanh 20 g (2 thìa cà phê)

12h: Sữa: 200 ml

14h: Chuối tiêu một quả hoặc đu đủ một miếng

17h: Cháo thịt (cá, tôm, trứng) + rau + dầu

Nếu trẻ đang bú mẹ vẫn phải tiếp tục cho bú và thời gian cho bú kéo dài từ 18 – 24 tháng. Khi cai sữa vẫn nên cho trẻ ăn thêm sữa bò hoặc sữa đậu nành.

- Trẻ 25-36 tháng:

7h: Sữa cao năng lượng: 20 ml

11h: Cơm nát + thịt (cá, trứng, tôm...) + canh rau.

Cơm 2 lưng bát (70 g gạo), thịt 50 g (hoặc trứng 1 quả), rau 100 g, dầu (mỡ) 5 g

14h: Cháo + thịt + rau + dầu: 200 ml

Gạo tẻ 30 g (1 nắm tay), thịt nạc 50 g (hoặc cá, tôm, cua 50 g, trứng gà 1 quả), dầu 10 ml (2 thìa cà phê), rau xanh 20 g (2 thìa cà phê).

17h: Cơm nát + trứng (thịt, cá, tôm...) + canh rau

20h: Hỗn hợp bột dinh dưỡng 200 ml, hoặc súp khoai tây thịt + rau + dầu (mỡ)

Súp khoai tây gồm có khoai tây 100 g (1 củ to), thịt (gà, bò, lợn) 50 g, bắp cải 50 g, dầu (mỡ) 1 thìa cà phê.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia

(Theo Zing)