- “Chắc chắn tên này không đau đớn gì mới có thể hành động như vậy được. Hắn không phải bệnh nhân, hắn là côn đồ”, bác sĩ Sơn bày tỏ về vụ bệnh nhân hành hung bác sỹ vừa xảy ra tại Hải Phòng.

Bệnh nhân hành hung bác sĩ trực cấp cứu

Sự việc xảy ra tối 7/10 tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng. Bệnh nhân tên Đỗ Văn Bình (31 tuổi, trú xã An Đồng, An Dương) được xe cấp cứu 115 đưa đến cấp cứu. Khi xuống xe, anh này được một bác sĩ đưa vào để thăm khám. 

Sau đó, bác sĩ chỉ định cho Bình đi xét nghiệm, chụp chiếu để làm cơ sở điều trị do nghi ngờ bị sỏi thận. Đến 21h41, ông Đỗ Văn Bách (bố Bình) nộp tiền rồi chỉ tay vào mặt bác sĩ T. quát tháo và bị nhắc nhở. Thấy có người to tiếng với bố, Bình từ trên cáng cấp cứu nhảy xuống lao vào đánh bác sĩ trực.

{keywords}

{keywords}
Bệnh nhân Đỗ Văn Bình nhảy khỏi cán đánh bác sĩ ngay tại Khoa Cấp cứu. (Ảnh cắt từ clip do camera an ninh của bệnh viện ghi lại)

Thừa nhận con trai mình đã đánh bác sĩ T., nhưng không trúng, ông Bách biện hộ: “Nằm chờ tại khoa cấp cứu hơn 30 phút mới được thăm khám, trong khi con tôi đau đớn nên sinh bực tức".

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Việt- Tiệp Hải Phòng khẳng định, các y bác sĩ trong ca trực cấp cứu đã làm hết trách nhiệm, đúng quy trình. Thông tin ông Bách cho rằng bác sĩ chậm chễ, bỏ mặc con ông là không đúng.

Không thể cứ không vừa lòng là đánh!

Đọc được thông tin trên Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn, nguyên bác sĩ phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện là Giám đốc Phòng khám Quốc tế Exson, TP. HCM cho biết ông rất phẫn nộ với hành động này.

“Theo thông tin tôi được biết, bệnh nhân này vào viện lúc 21h30 phút, các bác sĩ đã làm rất nhanh các thủ tục, để 11 phút sau đã đưa người bệnh đi làm các chẩn đoán cận lâm sàng. Đối với bệnh sỏi thận, ngay cả khi có cơn đau bão thận, thì bất cứ một bệnh viện nào trên thế giới này cũng không thể làm nhanh hơn được. Mọi lí do để biện hộ cho hành vi tấn công thầy thuốc là không thể chấp nhận được”, bác sĩ Sơn bày tỏ.

Bác sĩ Sơn chia sẻ rằng, những năm qua, tốc độ gia tăng về cơ sở vật chất cho y tế còn rất chậm so với tốc độ tăng dân số, chưa kể nhu cầu khám chữa bệnh ngày một tăng cao. Nhưng đại đa số bệnh nhân rất tôn trọng thầy thuốc, thậm chí, họ còn rất cam chịu. Vì vậy những kẻ bạo hành y tế không phải bệnh nhân theo đúng nghĩa.

“Chúng là những kẻ có thói quen sử dụng bạo lực để dằn mặt, đòi hỏi, bắt buộc người khác phải phục vụ cho các nhu cầu của chúng. Đúng là chúng rất manh động, như trường hợp mà chúng ta đang nói đến. Xem clip, chúng ta thấy, tên này đang nằm trên băng ca khá cao, lại đang được đẩy đi. Người bình thường sẽ khó có thể nhảy phắt xuống đất, chạy rất nhanh vào và hành hung bác sĩ. Chắc chắn tên này không đau đớn gì mới có thể hành động như vậy được. Hắn không phải bệnh nhân, hắn là côn đồ. Cần phân biệt rõ khái niệm đó”, bác sĩ Sơn bức xúc.

Với những ý kiến cho rằng “không có lửa sao có khói”, thái độ phục vụ của bác sĩ có vấn đề thì bệnh nhân mới hành động như vậy. Khi người ta có bệnh thì tâm trí không được minh mẫn, không kiểm soát được hành động của mình cũng là dễ hiểu. Vị bác sĩ chuyên ngành thần kinh này cho rằng những ai nói như vậy là cố tình ủng hộ bạo lực, là vô trách nhiệm với xã hội.

{keywords}
“Đối với một xã hội văn minh, không ai có thể chấp nhận cách tỏ thái độ bằng bạo lực, đó là cách tỏ thái độ thể hiện một nền tảng văn hóa thấp kém” – TS, bác sĩ Võ Xuân Sơn.

“Tất cả những trường hợp bạo hành y tế gần đây, như vụ mẹ bệnh nhi đánh bác sĩ ở Tân Phú, và ngay sau đó, vụ tấn công nhân viên y tế ở bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đã cho thấy, bạo hành y tế không cần phải có nguyên nhân từ phía người bị bạo hành. Như tôi đã nói ở trên, nếu không có sự cải tiến và làm việc nhiệt tình, không thể nào mà người bệnh trong câu chuyện này lại được xử lí nhanh như vậy.

Trừ bệnh nhân tâm thần và một số người mắc một vài loại bệnh thần kinh ở gia đoạn nặng, tất cả các loại bệnh khác không làm ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát hành vi của người bệnh. Việc lợi dụng tình trạng bệnh tật để giải thích hành vi tấn công nhân viên y tế là ngụy biện. Là một bác sĩ chuyên ngành thần kinh, tôi có thể khẳng định điều đó”, bác sĩ Sơn bày tỏ.

Bác sĩ Sơn cũng thẳng thắn cho rằng, nếu bác sĩ bỏ mặc bệnh nhân để làm việc riêng, đó là điều cần lên án, không chỉ trong cấp cứu, ngay cả trong giờ làm việc, với bệnh nhân không cấp cứu cũng vậy. Bản thân ông đã không ít lần kỉ luật, thậm chí sa thải những nhân viên tái phạm, sử dụng điện thoại làm việc riêng tại nơi làm việc, trong giờ làm việc, và có bệnh nhân tại đó, cho dù nhân viên đó không làm việc (phòng khám của ông có qui định khu vực cho nhân viên giải quyết việc riêng).

“Tuy nhiên, hành hung nhân viên y tế là chuyện khác. Không thể cứ không vừa lòng là đánh. Có đường dây nóng, có số góp ý, có rất nhiều cách để phản ứng. Ngoài ra, cần phải nhìn nhận một thực tế, do ảnh hưởng bởi những đồn đại, những phát ngôn vô trách nhiệm của dư luận, người bệnh và thân nhân thường hay có những suy diễn tiêu cực, từ đó cho rằng bác sĩ dửng dưng vì chưa có phong bì, hoặc vì bác sĩ vô lương tâm”, bác sĩ Sơn nói.

Ông Sơn khẳng định, ông khuyến khích bệnh nhân bày tỏ thái độ với những nhân viên y tế khi không được phục vụ chu đáo. Ở các cơ sở y tế tư nhân, các nhà quản lí khuyến khích bệnh nhân và thân nhân cung cấp thông tin về những việc này. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã triển khai công tác hài lòng người bệnh ở trong toàn ngành, ở tất cả các cơ sở y tế công lập. Ngành y tế rất cần nghe những phản hồi từ phía người bệnh.

“Vấn đề là người bệnh cần tỏ thái độ theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Đối với một xã hội văn minh, không ai có thể chấp nhận cách tỏ thái độ bằng bạo lực, đó là cách tỏ thái độ thể hiện một nền tảng văn hóa thấp kém”, ông nói.

“Nếu người bệnh gặp những thầy thuốc không tận tâm với người bệnh, dửng dưng với bệnh nhân, khám chữa bệnh cho người quen, bệnh nhân có phong bì trước và để mặc bệnh nhân khác chờ đợi, theo tôi, việc đầu tiên cần xác định xem nhận định của mình có đúng không. Nếu chắc chắn đúng hay gần chắc chắn đúng, người bệnh và thân nhân có thể sử dụng đường dây nóng, yêu cầu cấp trên can thiệp”, ông nói thêm.

Cần xử lý nghiêm minh

Vị bác sĩ nhiều năm công tác trong ngành y cho biết, tình trạng hành hung nhân viên y tế đã có từ lâu, và gần đây, hiện tượng này gia tăng. Cùng với sự gia tăng của các loại hình bạo lực khác như bạo lực học đường, đánh công an, đánh nhà báo, giết người… hiện tượng bạo hành y tế cũng ngày một tăng. Một trong các nguyên nhân gia tăng hiện tượng này có lẽ là do dư luận chưa thật sự cương quyết với hành vi sử dụng bạo lực trong xã hội ta.

Bác sĩ Sơn cho rằng, nhân viên y tế cũng là người thi hành công vụ, là lực lượng phục vụ cho sự ổn định và phát triển xã hội. Tuy nhiên, trong mắt nhiều người có trọng trách, nhân viên y tế chỉ là những người phục vụ, một dạng người hầu, không cần phải quan tâm nhiều. Nên họ bỏ mặc cho nhân viên y tế phải tự đối phó với nạn bạo hành y tế.

“Chỉ có thể siết chặt kỉ cương và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ mới có thể ngăn chặn nạn bạo hành y tế”, ông nói.

Bác sĩ Sơn cho biết, ông đang tham gia một phong trào có tên Chống bạo hành ngành y, xuất phát từ sự bức xúc của những nhân viên y tế và cả khách hàng của ngành y tế trước hiện tượng bạo hành nhắm vào nhân viên y tế ngày càng gia tăng.

“Mặc dù bạo lực xảy ra ở nhiều ngành khác, nhưng đối với y tế, hậu quả tiêu cực của bạo hành sẽ lớn hơn nhiều, do nó làm cho nhân viên y tế không thể tập trung vào công việc, dễ dẫn đến các sai sót chuyên môn, gây hậu quả không tốt cho người bệnh và cho xã hội”, bác sĩ Sơn khẳng định.

Kim Minh