Liên quan đến vụ việc một số người Trung Quốc tổ chức hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép, sử dụng đồng nhân dân tệ, không dùng tiền Việt Nam khi mua hàng hóa. Đặc biệt hơn một số hướng dẫn viên Trung Quốc còn ngang nhiên xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Trước vấn đề này, nhiều công ty du lịch đã bức xúc lên tiếng.

Quản lý, thanh tra chưa tốt?

Chia sẻ với PV VietNamNet, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, “Những hành động này của hướng dẫn viên Trung Quốc đã vi phạm pháp luật Việt Nam khi hành nghề hướng dẫn viên chui (Hướng dẫn viên nước ngoài không được phép hành nghề tại Việt Nam); vi phạm quy định về ngoại hối khi tiêu tiền Trung Quốc. Đặc biệt việc xuyên tạc lịch sử khi thuyết minh tour là rất nghiêm trọng phải được coi như hành vi xâm phạm chủ quyền. Nó sẽ làm méo mó sự hiểu biết của người Trung Quốc về một nước Việt Nam độc lập từ đó có thể làm gia tăng những đòi hỏi phi lý của Trung Quốc thách thức chủ quyền Việt Nam”.

{keywords}

Hướng dẫn viên Xue Chun Zhe xuyên tạc lịch sử Việt Nam khi dẫn đoàn khách Trung Quốc tham quan

“Việc làm của hướng dẫn viên Trung Quốc cũng gây ra sự bức xúc và động chạm tới tinh thần của người dân của một nước Việt Nam độc lập, tự chủ”, ông Đạt nói.

Ông Nguyễn Tiến Đạt cũng thẳng thắn cho rằng, việc một số hướng dẫn viên Trung Quốc ngang nhiên như vậy cũng phản ánh việc quản lý, thanh kiểm tra chưa tốt của các cơ quan chức năng và chính quyền hiện nay.

Ông Đạt cũng chia sẻ mặc dù chưa được tận mắt chứng kiến những vi phạm của các hướng dẫn viên Trung Quốc nhưng cũng nắm được những thông tin về việc họ hành nghề chui ở Việt Nam.

“Các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần quản lý chặt các đoàn. Nghiêm cấm các đoàn có hướng dẫn viên người Trung Quốc. Nếu phát hiện hướng dẫn viên người Trung Quốc hành nghề trái phép thì cần xử phạt nặng cả hướng dẫn viên người Trung và công ty du lịch. Khi họ vi phạm nặng cần trục xuất, cấm nhập cảnh hoặc truy tố theo pháp luật Việt Nam. Cần truyền thông điệp cho họ biết chúng ta rất hiếu khách nhưng cũng sẽ không chào đón các khách không tôn trọng chủ nhà”.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Redtour cho rằng, giá tour thấp là yếu tố chính khiến làn sóng khách Trung Quốc gây ra nhiều điều tiếng cho thị trường này. Chính vì giá tour thấp, nên mới có chuyện khách Trung Quốc sang Việt Nam chỉ được dẫn vào nhà hàng Trung Quốc, rồi hướng dẫn viên cũng toàn là người Trung Quốc.

“Giá tour thấp đương nhiên sẽ nảy sinh ra nạn chặt chém để bù lại tiền, phải dẫn vào “vòng khép kín” mới có lãi. Đây là hiện tượng đang xảy ra ở Việt Nam. Tất cả đã gây ra tiếng xấu cho ngành du lịch nước sở tại và cả sự thiệt thòi cho người dân Trung Quốc khi đi du lịch”, ông Hoan nói.

Một đại diện của công ty du lịch khác xin giấu tên thì cho rằng, sở dĩ hướng dẫn viên Trung Quốc "có đất sống" vì tồn tại một bộ phận người Việt đứng ra làm Sitting guide ( chỉ đi theo đoàn, nhận nói chuyện với người Việt Nam khi cần còn việc hướng dẫn chính vẫn là hướng dẫn viên nước ngoài...). Chính bộ phận này sẵn sàng trình thẻ, nhận mình đang hướng dẫn cho đoàn khách Trung Quốc khi có đoàn thanh tra làm việc.

Người này cho hay, "Những người làm Sitting guide vô tình tiếp tay cho hướng dẫn viên người Trung Quốc dẫn khách đi khắp nơi, dễ dàng qua mắt cơ quan chức năng. Nếu không có một bộ phận Sitting guide này thì họ không thể dẫn đoàn được".

"Ta tự phá ta"

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, “Hiên nay khách Trung Quốc có xu hướng đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều, với 50-60 triệu lượt khách/năm. Không chỉ Việt Nam mà tại các nước ở châu Âu, Mỹ, Canada, Úc,... cũng tràn ngập khách Trung Quốc. Có thể nói, nhiều khách du lịch Trung Quốc tàn phá hệ du lịch của nước sở tại khi họ du lịch đến đó. Chính vì thế, ngay cả một số nước Tây Âu cũng đã khoanh vùng, chỉ cho khách Trung Quốc đến một số địa điểm nhất định”.

{keywords}

Một hướng dẫn viên người Trung Quốc hướng dẫn du khách tham quan danh thắng quốc gia Hòn Chồng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) trưa 28-6. Ảnh Tuổi Trẻ.

Ông Bình nhận xét: “Mặt tiêu cực khi khách Trung Quốc đến đông là giá tour giảm, do họ có lợi thế về số lượng nên ép giá land tour giảm tới mức tối đa. Hơn nữa, họ muốn can thiệp vào hoạt động kinh doanh du lịch của nước khác: như nhà hàng, lữ hành,... để lại tiếng xấu cho nước sở tại.

Trong đó, nổi bật là vấn đề hướng dẫn viên. Vì du lịch với giá rẻ nên các hướng dẫn viên tìm mọi cách chặt chém để lấy lại tiền, và điều này cũng chỉ những hướng dẫn viên mới làm được. Thế nên, hướng dẫn viên Trung Quốc đã chăn dắt khách vào những cửa hàng đã móc ngoặc trước đó, ép mua hàng hóa,... buộc nhiều nước ở Tây Âu, Nhật,... phải cấm tuyệt đối việc sử dụng hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc.

Theo ông Bình giải pháp cho việc này chính là cần yêu cầu hướng dẫn viên phải là người có quốc tịch Việt Nam, không chấp nhận hướng dẫn viên người nước ngoài thuyết minh trên đất nước Việt Nam. Quy định này buộc các công ty lữ hành phải thực hiện, ngay cả việc thiết kế tour, tổ chức dịch vụ là phải do lữ hành trong nước đảm nhận.

Ông Bình trăn trở: “Hiện chúng ta đã cấp chứng chỉ cho hơn 700 hướng dẫn viên tiếng Trung. Thời gian qua, để xảy ra tình trạng hướng dẫn viên Trung Quốc "chui" là do lỗi của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã thông đồng với phía công ty du lịch Trung Quốc, tạo điều kiện cho họ lũng đoạn.

Yêu cầu cơ quan quản lý địa phương đình chỉ tour nếu không có hướng dẫn viên người Việt. Chính sự "đồng lõa" của các doanh nghiệp lữ hành trong nước và sự "bật đèn xanh" của cơ quan quản lý một số địa phương đã tạo điều kiện cho hướng dẫn viên "chui" hoạt động ở Việt Nam.

Mỗi điểm du lịch chỉ có sức chứa nhất định, nếu vượt quá khả năng đón tiếp các địa phương hoàn toàn có thể từ chối, khống chế lượng khách vào. Cơ quan du lịch các địa phương như Nha Trang, Đà Nẵng,... nếu không quản lý chặt thì sẽ là ta tự phá ta. Trong khi đó, thanh tra du lịch lại chưa quyết liệt, chưa đủ nguồn lực,... nên cũng không theo kịp để xử lý”.

H.Thúy - H.Yên