- Nguyên Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch chia sẻ, chính những công ty Việt Nam và địa phương đã tiếp tay, bật đèn xanh cho hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động chui.

Từ đầu năm đến nay, khách du lịch Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam với tốc độ tăng trưởng đột biến, nhưng kèm theo đó là những hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc hoạt động chui ở Việt Nam ngày càng nhiều, thuyết minh sai cả về địa lý, lịch sử, văn hoá Việt Nam.

Vì đâu lại có tình trạng lộn xộn này và cơ quan chức năng đã làm được gì?

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Ông Bình nguyên là Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, ông nhận định thế nào về sự tăng trưởng đột biến lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam trong nửa đầu năm nay và kèm theo đó là tình trạng các hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động chui ở Việt Nam?

Ông Vũ Thế Bình: Lượng khách du lịch Trung Quốc tăng trưởng mạnh là chuyện bình thường. Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách Trung Quốc tăng 47,9%, là con số rất lớn và năm nay, chúng ta có thể đạt con số 2-2,5 triệu khách Trung Quốc đến Việt Nam.

Thế nhưng, khách Trung Quốc đi đến đâu cũng kéo theo những hệ luỵ bởi đặc tính của người Trung Quốc, của văn hoá Trung Quốc cũng như cách kinh doanh của người Trung Quốc. Thực ra, việc hướng dẫn viên chui của người Trung Quốc ở Việt Nam chỉ là một trong những hệ quả của hoạt động kinh doanh kiểu Trung Quốc trong lĩnh vực du lịch.

Trước tiên, họ bao giờ cũng tận thu chính như khách du lịch Trung Quốc.

Vì vậy, bao giờ họ cũng mua tour với giá tương đối rẻ khi sang Việt Nam hay các nước khác, nhưng sau đó, các công ty du lịch Trung Quốc bám theo và thu một cách kịch liệt từ việc mua hàng của khách du lịch, ăn uống, đi chơi của khách du lịch. Họ chăm sóc, hay nói một từ hơi thô thiển là chăn dắt một cách kỹ lưỡng. Ai là người chăn dắt khách và giúp thu tiền về cho các công ty này? Đó chính là các hướng dẫn viên người Trung Quốc. Cho nên, họ phải núp bóng, sang đây trực tiếp chăn dắt những khách du lịch đó. Điều đó là không tránh khỏi được ở bất kể thị trường nào.

Chỉ có vấn đề, nếu các quốc gia có biện pháp quản lý mạnh mẽ thì mới ngăn chặn được.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, gần đây, một trường hợp là công ty du lịch Silent Bay ở Nha Trang, Khánh Hoà đã bị rút giấy phép gì những dấu hiệu sai phạm liên quan đến cả hoạt động hướng dẫn viên người Trung Quốc hoạt động chui. Ông đánh giá thế nào về vụ việc này và theo ông, chúng ta sẽ phải gánh chịu hệ luỵ thế nào nếu tình trạng trên không được kiểm soát?

Ông Vũ Thế Bình: Trước tiên, phải nói rằng, tệ nạn đó đã gây ảnh hưởng nặng nề đến du lịch Việt Nam. Về mặt chính trị, những hướng dẫn viên người Trung Quốc có nhiệm vụ sang đây là để thu tiền của khách du lịch, họ không quan tâm gì đến văn hoá, lịch sử và dường như chẳng đọc sách vở về Việt Nam. Về điều này, ai đó đi bên cạnh những đoàn du lịch Trung Quốc đều biết.

Chưa kể, đó là chuyện họ xuyên tạc lịch sử của ta. Họ có thể nói biển là của Trung Quốc, đất là của Trung Quốc và rất có thể, họ có thể nói Việt Nam chính là kẻ xâm lược, chiếm đất của họ cũng nên? Chính vì vậy, hệ luỵ về mặt chính trị như vậy là rất lớn.

Thứ hai là về mặt kinh tế, vì họ tận thu như vậy nên chúng ta chẳng thu được gì nhiều từ họ. Cho nên trong Luật Du lịch

Vừa rồi, Tổng cục Du lịch có rút giấy phép của công ty Silent Bay. Chúng tôi nghĩ rằng, điều đó là quá cần thiết. Chắc không phải chỉ có một Silent Bay vi phạm như thế đâu. Việc tiếp tay cho các doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh du lịch ở Việt Nam trái phép hiển nhiên là có doanh nghiệp Việt Nam.

Với những người làm lâu năm trong lĩnh vực du lịch, gắn bó chặt chẽ với thị trường Trung Quốc như chúng tôi thì có thể nói rằng, lẽ ra, những việc làm này phải làm từ lâu rồi. Mỗi một năm, chúng ta phải rút đi 5-10 công ty đón khách Trung Quốc, chúng ta có thể chọn lọc được những doanh nghiệp nghiêm túc hơn để có thể chấn chỉnh được hoạt động lộn xộn của khách Trung Quốc tại Việt Nam.

Nhà báo Phạm Huyền: Tình trạng này bây giờ mới xảy ra hay đã xảy ra từ lâu rồi, thưa ông?

Ông Vũ Thế Bình: Du lịch Việt Nam đón khách Trung Quốc đến nay đã được khoảng 20 năm và việc kinh doanh của Trung Quốc như hiện nay rộ lên đã có khoảng 15 năm trở lại đây.

Đối với khách biên giới và khách Trung Quốc trước đây, Tổng cục Du lịch đã có kinh nghiệm chiến đấu với họ và đã lập lại trật tự. Chúng ta có thể thấy, có một mẫu rất tuyệt vời, đó là Câu lạc bộ lữ hành 849 đón khách Trung Quốc ở cửa khẩu Lạng Sơn.

Đó có lẽ là một thành công duy nhất đối với việc quản lý du khách Trung Quốc. Trong suốt gần 10 năm, khách Trung Quốc đi qua cửa khẩu Lạng Sơn rất trật tự, không có hiện tượng nợ công ty Việt Nam, không có hiện tượng cho người hướng dẫn viên núp bóng và phải hoạt động theo một mức giá đã được ấn định. Những hoạt động đó, chúng ta đã từng làm nhưng ta chỉ làm được khi Tổng cục Du lịch hết sức nghiêm túc, mạnh mẽ, quyết liệt với loại hình du lịch này.

Nhà báo Phạm Huyền: Cá nhân ông mong chờ hành động căn cơ nào từ Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng như các Sở Văn hoá thể thao và du lịch địa phương để chấm dứt tình trạng này?

Ông Vũ Thế Bình: Tôi nghĩ rằng, trước tiên phải mở một chiến dịch chấn chỉnh khách du lịch Trung Quốc ở Việt Nam mà trước tiên là chấn chỉnh các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đón khách Trung Quốc phải cam kết đối với cơ quan Nhà nước về việc thực hiện nghiêm túc Luật Du lịch, trong đó, đặc biệt là tất cả các đoàn du lịch phải có hướng dẫn viên là người Việt Nam.

Vừa qua, Khánh Hoà có nói, lượng hướng dẫn viên của ta ít quá, nhưng tôi cho đó là sự nhầm lẫn. Việt Nam hiện có 500-700 hướng dẫn viên nói tiếng Trung Quốc. Chúng ta rất thừa chứ không hề thiếu. Chẳng qua là, doanh nghiệp du lịch không muốn thuê vì muốn tiết kiệm chi phí nên đã bật đèn xanh cho các hướng dẫn viên Trung Quốc hành nghề.

Nếu các hướng dẫn viên là người Việt Nam đi theo đoàn Trung Quốc mà không đảm nhiệm phần hướng dẫn, mà chỉ làm bình phong cho hướng dẫn viên đó hành nghề. Điều đó có nghĩa là cả công ty lẫn hướng dẫn viên người Việt đã đồng loã giúp cho công ty Trung Quốc làm chui ở Việt Nam thì phải xử lý nghiêm khắc, kể cả rút giấy phép, tước giấy hành nghề.

Thứ hai là, về quản lý, các địa phương phải tập trung sức mạnh, tăng cường đội ngũ thanh tra du lịch, giám sát tất cả các hoạt động du lịch từng đoàn một. Trong bối cảnh này, chúng ta không thể buông lỏng được nữa. Những trường hợp nói xấu Việt Nam, nói sai sự thật lịch sử Việt Nam thì phải lập tức xử lý, trục xuất về nước.

Nếu chúng ta không làm mạnh mẽ thì không bao giờ chấn chỉnh được hoạt động của khách du lịch Trung Quốc tại Việt Nam.

VietNamNet