“Giáo sư, tiến sĩ ở đâu chả biết, mừng tuổi con cháu ba đồng tiền lẻ, chẳng bằng cái thằng quanh năm buôn thúng bán mẹt ở nhà quê!” – chị Thảo (Ba Đình, Hà Nội) giật mình khi nghe được câu cạnh khóe nhắm vào chồng mình ngay sớm mùng hai Tết. Chị lẳng lặng làm lơ, nhưng trong lòng không khỏi như có kiến đốt, vừa buồn, vừa tủi.

Đó là cú “phốt” từ năm ngoái làm cho vợ chồng chị Thảo giận nhau to, bản thân chị cũng buồn tủi vô cùng. Ngày Tết như ngắn lại, lời trách móc làm chị chẳng còn lòng dạ nào vui vẻ với người thân họ hàng. Những chiếc phong bao lì xì được soạn sẵn cất trong túi bỗng dưng nặng trịch và làm chị khó nghĩ, khó trao bởi hầu hết trong số đó là những khoản tiền rất nhỏ chỉ 2 – 5 – 10 nghìn đồng mỗi phong bao mà thôi.

Chị giận chồng hơi cực đoan trong quan niệm về mừng tuổi, mà cũng giận người bà con bên chồng ác khẩu, quá tính toán hơn thiệt.

{keywords}
Ảnh minh họa

Thật lòng, chưa bao giờ chị so đo chuyện tiền nong mừng tuổi này. Các con của chị từ nhỏ cũng được bố mẹ dạy biết trân trọng đồng tiền, nhất là tiền lì xì của người thân. Mỗi năm, các cháu nhận đủ loại phong bao: Tiền đô, tiền nghìn, thậm chí tiền năm trăm đồng đều có, nhưng dù bao nhiêu chúng cũng vui vẻ đón nhận, cảm ơn. Ra Tết, tiền mừng tuổi ấy sẽ được bỏ lợn, hoặc cho con dùng mua sách, truyện vừa phải…

Nhưng dường như bọn trẻ ở nhiều gia đình khác, và cả bố mẹ chúng không như vậy.

Chị còn nhớ, có lần nghe đứa cháu ruột học lớp 9 chê bài tiền ít hay tiền nhiều, chồng chị đã nghiêm khắc “chỉnh” cho cháu một bài học đạo đức liên quan đến đồng tiền mừng tuổi. Những tưởng cháu sẽ hiểu nhưng không phải, nó vùng vằng, giận dỗi. Không khí ngày Tết trong nhà tự dưng mất vui.

“Cứ nghĩ chuyện trẻ con thì cười xòa cho qua, nhưng nay đến khi tận tai người lớn nói ra miệng rồi thì mình mới thấy đắng chát trong bụng. Hóa ra người ta để ý để tứ và trách móc ghê lắm quanh cái việc nhỏ này!” – chị buồn rầu tâm sự.

Càng nghiền ngẫm, chị càng hiểu ra, vì sao bao năm nay, chị cứ mơ hồ nhận thấy sự khách khí, lạnh nhạt của nhiều người họ hàng. Quanh năm ngày tháng vắng nhà, nhưng có dịp về quê, nhiều người, cứ gặp chị là “nói mát” này kia khiến chị khó xử chỉ cười trừ. Có lẽ nó ít nhiều liên quan không ít đến những chiếc phong bao lì xì, hoặc quà cáp không được đầy đặn như họ mong ước chăng?

Chồng chị là giảng viên một trường đại học, còn chị là cán bộ hành chính trong trường. Hai vợ chồng làm nhà nước, kkinh tế chưa thể gọi là khá giả nhưng về quê lúc nào cũng được coi là “nhất” trong họ.

Khổ nỗi, chồng chị là người khái tính, sống ngay thẳng và khá nghiêm khắc trong cuộc sống. Anh ghét nhất những chuyện “làm màu”, nên đơn giản như mừng tuổi năm mới cho họ hàng, con cháu, cả mấy chục năm trời anh vẫn trung thành với truyền thống xài “tiền lẻ”. Chỉ có các cụ bô lão trong họ, anh mới kính cẩn mừng tuổi rộng rãi hơn, nhưng cũng chỉ năm chục đến một trăm nghìn là nhiều. Cùng với những chiếc phong bao đẹp, được lựa chọn kĩ càng, lúc nào vợ chồng chị cũng kính cẩn, chân thành gửi theo những lời chúc sức khỏe, thành công trong năm mới.

So với đồng lương công chức trong sạch của hai vợ chồng, thì cách chi tiêu vào khoản mừng tuổi đầu năm như vậy cũng là vừa phải. Thế nhưng, càng ngày ý nghĩa thơm thảo của tục mừng tuổi đầu năm càng mai một, hay do con người sống với nhau thực dụng hơn, mà đến những đứa trẻ hàng con cháu cũng bắt đầu mè nheo, biết chê những phong bao “tiền lẻ” của vợ chồng chị.

Năm nay hai vợ chồng lại nhắc chuyện cũ, tranh luận suốt mấy ngày. Chị đã phải thuyết phục chồng để chị lo khoản mừng tuổi cho mọi người. Nói mãi, anh mới đồng ý, nhưng có vẻ buồn. Chị cũng chỉ biết thở dài: Thương chồng thật nhưng cũng chẳng muốn để tiếp tục những “lời ong tiếng ve” không đáng.

Minh Tâm (ghi)