Dù giao thông đã thuận lợi hơn, phương tiện nghe nhìn, ti vi, điện thoại không còn xa lạ nhưng tại nhiều vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp..., không ít người dân vẫn ngóng chờ, xí chỗ để được xem phim ngoài trời của các đội chiếu phim lưu động.

Tại bãi biển thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải (Quy Nhơn, Bình Định), các buổi chiếu phim lưu động thường đủ các gia đình 2-3 thế hệ cùng ngồi xem. Từ chục năm nay, đi xem chiếu bóng lưu động gần như là một hoạt động sinh hoạt cộng đồng của bà con cư dân ven biển. Người ta hẹn nhau từ khi xe của đội chiếu phim xuất hiện; nhiều gia đình cắt cử người ra giữ chỗ từ chiều để cả nhà được ngồi gần nhau, tiện thể bàn chuyện làng chuyện xóm...

{keywords}

Chiếu phim lưu động phục vụ bà con dân tộc Bana ở làng Canh Giao (xã Canh Hiệp, Vân Canh, Bình Định)

Dân Hải Đông, cũng như nhiều vùng quê khác, thường xem phim tài liệu trước khi thưởng thức phim truyện. Với các phim tài liệu như “Sống cùng lịch sử”, “30/4 ngày thống nhất”, “Thép trong ngục lửa”, “70 năm lịch sử hào hùng”, “Đỉnh cao chiến thắng”..., các đội chiếu phim lưu động không chỉ nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, đưa thông tin, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cơ sở một cách thiết thực đối với địa bàn miền núi, hải đảo mà còn làm thay đổi nhận thức, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị và chủ quyền biên giới.

Theo thống kê của Cục Điện ảnh, cả nước hiện có 270 đội chiếu phim lưu động; hàng năm thực hiện khoảng hơn 46 nghìn buổi chiếu, phục vụ trên 10 triệu lượt khán giả.

Tuy nhiên, con số đội chiếu bóng lưu động đã giảm gần một trăm đội so với cách đây 6 năm. Năm 2011, cả nước có 325 đội chiếu phim lưu động, thực hiện hơn 53 nghìn buổi chiếu phim phục vụ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng khó khăn…

“Đời sống nhân dân phát triển, nhiều vùng nông thôn có tivi với hàng chục, thậm chí gần trăm kênh phát sóng thì chiếu bóng không còn là kênh thông tin khiến nhiều người háo hức chờ đợi như trước. Tuy nhiên, ở vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số, những nơi chưa có điện thắp sáng thì chiếu bóng lưu động vẫn hấp dẫn một lượng khán giả nhất định”, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận định.

Bộ VH-TT&DL cũng có những Thông tư, quy định về hoạt động của Đội chiếu phim lưu động hoạt động trong khu vực nông thôn, đồng bằng phải thực hiện ít nhất 12 buổi chiếu phim trong 1 tháng. Đội chiếu phim lưu động hoạt động trong khu vực miền núi, hải đảo, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phải thực hiện ít nhất 14 buổi chiếu phim trong 1 tháng.

Theo đề xuất của Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT&DL đang lấy ý kiến các nhà quản lý, những người làm trong ngành điện ảnh để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh, trong đó, đặc biệt chú ý đến hoạt động của đôi chiếu bóng lưu động, nhằm đưa hoạt động này trở nên hiệu quả, thiết thực hơn nữa.

Q. Hiếu - Hoàng Oanh