Nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên khi thời tiết đã dịu lại, trời đã đổ mấy cây mưa mà chị Nguyễn Thị Duyên, nhân viên văn phòng làm việc ở quận 5, vẫn mang về khoe bộ trang phục chống nắng dành cho phụ nữ lái xe gắn máy với: nón, khẩu trang, găng tay, áo khoác, váy choàng và vớ trị giá gần cả chục triệu đồng.

Lập luận của chị Duyên, và cũng của nhiều phụ nữ khác, chống nắng đối với phụ nữ là việc quanh năm, cả khi nắng nóng hay những hôm trời nắng – mưa – gió xen kẽ.

{keywords}
Ảnh: Thu Vân (SGTT).

Từ những bộ trang phục chống nắng trọn gói

Sau vài phút xuýt xoa khen chị Duyên lựa được trọn bộ phối màu theo tông tím nhạt khá đẹp, các đồng nghiệp chắt lưỡi khi nhìn vào hoá đơn: áo khoác 2,4 triệu đồng, nón 950.000 đồng, khẩu trang 650.000 đồng, găng tay 700.000 đồng, váy choàng 3,5 triệu và vớ 500.000 đồng, tổng cộng đến 8,7 triệu đồng.

Trước đây, đa số phụ nữ dùng trang phục chống nắng tự tìm tòi những sản phẩm riêng biệt để “phối” lại với nhau. Mục đích chung là làm sao khi đi ra đường có thể che kín cơ thể để nắng đừng lọt vào làm đen da là được. Nay thị trường đã xuất hiện những cửa hàng cung cấp tất cả những phụ kiện, trang phục chống nắng để khi vào chỉ một lần là có thể mua sắm đầy đủ cho nhu cầu này. Bên cạnh, chúng còn được nâng lên thành hàng cao cấp và thời trang. Sự khác biệt của đường kim mũi chỉ may kỹ, mặt vải mềm mịn, màu sắc ngọt ngào… cộng thêm với việc bày bán ở các cửa hàng riêng với cửa kính, máy lạnh, nhân viên bán hàng tận tình đã làm cho thời trang chống nắng cao cấp thu hút được một lượng khách không nhỏ.

Đến thực hư của chất lượng

Tại cửa hàng chuyên doanh thời trang chống nắng đường Cách Mạng Tháng Tám người bán hàng giới thiệu: “Các sản phẩm lên từ vải nhập Hàn Quốc, tuy giá mắc hơn một chút, nhưng mặc vào thì sẽ cảm nhận được da không bị nóng rát khi đi dưới nắng”. Hỏi kỹ thêm vì sao vải này chống nắng được tốt thì khách hàng chỉ nhận được câu trả lời chung chung “vải nhập đã có sẵn tính năng chống nắng”. Tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1, nhân viên bán hàng cho biết tính năng chống tia UV 40 – 45 – 50 ghi trên nhãn là dựa trên tiêu chuẩn UPF (Ultra violet Protective Factor, hệ số che chắn tia tử ngoại) của ngành dệt may và được cơ quan Phòng chống phóng xạ và an toàn hạt nhân – ARPANSA (Úc) chứng nhận. Sản phẩm còn có giấy thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu của trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3.

Liệu cái giá cao hàng chục, hàng trăm lần mà chị em phụ nữ phải bỏ ra để trả cho những sản phẩm cao cấp này có xứng đáng. Bác sĩ chuyên khoa da liễu Võ Thị Bạch Sương cho biết: “Chưa có loại vải nào được khuyên nên dùng chống nắng, chống tia tử ngoại để bảo vệ da với mục đích làm đẹp hay chữa bệnh (bị phỏng)”. Ngay cả việc sản phẩm chưng ra giấy thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu của trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) là “lô hàng quần áo chống tia UV đáp ứng yêu cầu hàng hoá chất lượng nhập khẩu”, thì đó cũng là cách “lập lờ” của người bán. Bởi căn cứ để kiểm tra lô hàng là thông tư số 32/2009/TT-BCT ngày 5/11/2009 của bộ Công thương, tức lô hàng chỉ được kiểm tra về hàm lượng Formaldehyt và các amin thơm, theo quy định nhập khẩu hàng dệt may mà thôi. Hoàn toàn không hề kiểm tra các tác dụng chống nắng.

Theo các chuyên gia có một số sản phẩm như quần áo, mắt kính được thiết kế chuyên biệt có thể đạt tránh tia cực tím, nhưng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng như thế nào cần phải có các cơ quan chức năng thẩm định. “Có một số nguyên tắc giúp chống nắng tốt hơn, đó là dùng vải dày tốt hơn vải mỏng, vải mới chống nắng nhiều hơn vải cũ, vải jeans hoặc lanh chống nắng tốt hơn cotton, màu sẫm chống nắng tốt hơn sáng…”

(Theo SGTT)