Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năng suất lao động (NSLĐ) trong khu vực nông nghiệp chỉ bằng 38,1% NSLĐ của ngành kinh tế. Và 21,6 triệu lao động trong khu vực này đang kéo tụt NSLĐ của Việt Nam so với khu vực và thế giới.

Chiếm gần nửa chỉ làm ra 15% GDP

Thời gian qua, NSLĐ của Việt Nam tăng đều theo các năm và có mức tăng trưởng cao nhất ASEAN. Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2007-2016, NSLĐ Việt Nam tăng trung bình 4,2%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (1,5%); Malaysia (1,9%); Thái Lan (2,5%); Indonesia (3,5%) và Philippines (2,8%). Tuy nhiên, NSLĐ của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Tính theo sức mua, NSLĐ của Việt Nam năm 2016 mới chỉ đạt 9.894 USD, chưa bằng 1/10 mức năng suất của Singapore (nước có NSLĐ cao nhất khu vực) và bằng một nửa mức năng suất của Philippines. 

Theo PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến NSLĐ của Việt Nam còn thấp và cách xa so với khu vực. Một trong những nguyên nhân đó là lao động trong khu vực nông nghiệp còn lớn và NSLĐ ngành nông nghiệp thấp.

Tính đến quý 2/2017, Việt Nam có 54,5 triệu lao động trong đó có tới 21,6 triệu lao động làm việc trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản. Mức lao động tính theo sức mua của khu vực này chỉ đạt 35,5 triệu đồng bằng 38,1% mức NSLĐ của ngành kinh tế, bằng 29,1% mức NSLĐ khu vực công nghiệp và bằng 31,3% các ngành dịch vụ. Các con số thống kê cho thấy, lao động trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tới 40,3%lao động cả nước nhưng chỉ tạo ra 15,3% GDP.

Theo các chuyên gia, NSLĐ khu vực nông nghiệp nông thôn Việt Nam thấp là do lực lượng tham gia sản xuất nông nghiệp phần lớn là các lão nông và trẻ nhỏ, còn người trẻ có trình độ đã chuyển sang làm việc trong lĩnh vực khác. Mặt khác phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún kiểu hộ gia đình, HTX doanh nghiệp nông nghiệp chậm phát triển, sản xuất thiếu liên kết cũng dẫn tới chất lượng lao động khó tăng.

Đào tạo nghề sẽ nâng cao năng suất lao động

PGS.TS Mạc Văn Tiến cho rằng: Khi có được các kĩ năng thì người lao động sẽ làm việc năng suất hơn, có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm và tạo ra nhiều giá trị gia tăng trong một thời gian và công sức nhất định. Hơn nữa, khi có kĩ năng, người lao động sẽ hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp tốt hơn cho những người cùng làm việc và kéo NSLĐ đi lên. Kĩ năng người lao động có được thông qua đào tạo nghề nghiệp, sau đó tích lũy, tự đào tạo nâng cao kĩ năng trong quá trình làm việc.

{keywords}
 

Hiện lao động trong khu vực nông nghiệp ở Việt Nam mới có khoảng 56% qua đào tạo nhưng đào tạo từ 3 tháng trở lên hay có bằng cấp chỉ chiếm khoảng 22%. Đó là chưa kể bằng cấp chứng chỉ không phản ánh đúng trình độ, kĩ năng của người đó. Bởi vậy kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ quyết định việc tăng cao NSLĐ trong khu vực này.

Đóng góp ý kiến về các vấn đề đặt ra trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn,  PGS.TS Mạc Văn Tiến chia sẻ 5 vấn đề cần giải quyết để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề. Đó là:

Thứ nhất, cần đào tạo trên cơ sở thực thế của người dân gắn với giải quyết việc làm.

Thứ hai, gắn kết các chương trình đào tạo nghề với xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, rà soát danh mục nghề đào tạo sơ cấp dưới 3 tháng để phê duyệt lại cho phù hợp nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường; phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng việc tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và giảm nghèo bền vững.

Thứ tư, chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo cần được xây dựng linh hoạt, sát với thực tiễn; tổ chức dạy nghề thông qua nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp. Chú trọng đào tạo kĩ năng mềm, kiến thức pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp cùng với thực hành nghề.

Và cuối cùng gắn việc rà soát, xác định danh mục nghề đào tạo với việc định hướng, tư vấn đề người lao động lựa chọn. Có giải pháp giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Tạo điều kiện để người lao động được vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm sau khi học nghề. 

Theo Tổng cục Nghề nghiệp, giai đoạn 2018-2020, mục tiêu đào tạo 5,5 triệu lao động nông thôn trong đó trình độ sơ cấp khoảng 2,7 triệu người, đào tạo thường xuyên cho khoảng 2,8 triệu người. Trong giai đoạn này, việc dạy nghề sẽ gắn với nhu cầu thị trường và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp nông thôn. Theo đó sẽ đào tạo 625.000 người học nghề nông nghiệp còn 2.115.000 người sẽ học nghề phi nông nghiệp.

H.My - Mai Hương