22 sự kiện tầm quốc tế kết nối các di sản và quảng bá du lịch Quảng Nam sẽ trải dài trong không gian của 7 huyện, thị xã, thành phố trong khuôn khổ Festival Quảng Nam 2017.

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức Festival, đã có cuộc trao đổi với VietNamNet về sự kiện văn hóa đặc sắc này…

{keywords}

Kết hợp công nghệ thực tế ảo quảng bá di sản

- Festival Di sản Quảng Nam 2017 được xây dựng với rất nhiều hoạt động. Xin ông cho biết đâu là điểm nhấn, là hoạt động đặc sắc nhất của Festival lần này?

So với những lần tổ chức trước đây, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017 bao gồm các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch phong phú, đa dạng. Trong đó chương trình khai mạc được tổ chức vào ngày 09/6/2017 tại thành phố Tam Kỳ và chương trình bế mạc được tổ chức vào ngày 14/6/2017 tại thành phố Hội An. Chương trình khai mạc sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Lễ khai mạc sẽ khai thác triệt để các hình thức trình diễn tự nhiên kết hợp nghệ thuật sắp đặt cùng việc sử dụng công nghệ cao như ánh sáng laze, trình chiếu 3D Mapping tương tác giữa thực và ảo để tạo sự mới lạ cho người xem. Đây là điểm nhấn tại Lễ khai mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017.

Một điểm nhấn khác của Festival là hơn 20 hoạt động văn hóa mang tầm quốc tế như:

Festival Diều quốc tế, có sự tham gia của 120 nghệ nhân thuộc các CLB diều trong nước và quốc tế;

Giải đua thuyền buồm (Sailing) Việt Nam mở rộng và Giải Lướt ván buồm (Windsurfing) vô địch thế giới quy tụ gần 200 vận động viên đến từ 30 quốc gia;

Các hoạt động Giao lưu ẩm thực quốc tế với trên 10 đầu bếp nổi tiếng thế giới;

Festival tơ lụa Việt Nam và thế giới với sự tham gia của các Hiệp hội tơ lụa thế giới, Châu Á cùng các nghệ nhân, các nhà thiết kế thời trang và các đơn vị trực tiếp sản xuất, kinh doanh lụa tơ tằm đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, trên 30 tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ tham gia các hoạt động như: Triển lãm Di sản văn hoá biển, đảo Việt Nam; Liên hoan Hô hát Bài chòi và Trình diễn các di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; Trình diễn nghi thức dựng cây nêu và giao lưu văn hoá, thể thao, du lịch các dân tộc Việt Nam”...

So với những lần tổ chức trước đây chủ yếu trong không gian của hai di sản văn hoá thế giới là Khu đền tháp Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An, Festival Di sản lần thứ VI - 2017 sẽ diễn ra trong không gian rộng, gồm 7 huyện, thị xã, thành phố (Tam Kỳ, Hội An, Phú Ninh, Duy Xuyên, Điện Bàn, Tây Giang và Nam Trà My).

Huy động mọi nguồn lực xã hội trong công tác tổ chức

- Ông có thể tiết lộ về nguồn kinh phí tổ chức lễ hội lớn này?

Có thể nói, đến thời điểm này, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017 đã phát huy tối đa mọi nguồn lực trong từng hoạt động trong khuôn khổ Festival.

Công tác xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực trong xã hội từ hỗ trợ vận chuyển, địa điểm tổ chức, truyền thông và cổ động trực quan... đến tham gia tổ chức các hoạt động đều được xã hội hóa.

Các hoạt động do các đơn vị thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp tổ chức như Triển lãm di sản văn hoá biển, đảo, Liên hoan Hô hát Bài chòi và Trình diễn các di sản văn hoá phi vật thể; Ngày hội Trình diễn nghi thức dựng cây Nêu và giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã đồng hành cùng nhiều sự kiện như: Liên hoan ẩm thực quốc tế, Festival tơ lụa - thổ cẩm Việt Nam và thế giới, Festival thuyền Kayak, Giải lướt ván buồm vô địch thế giới và Giải đua thuyền buồm Việt Nam mở rộng ….

Đến nay, công tác chuẩn bị Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017 đang được các cấp, các ngành tích cực chuẩn bị. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành Trung ương, sự hưởng ứng rộng rãi của các doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn, báo chí và đông đảo nhân dân, cùng sự yêu mến của du khách trong và ngoài nước, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017 sẽ thành công tốt đẹp.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Trung (Thực hiện)