- "Lần gần nhất mình đến Hà Giang, giữa đêm hội hoa Tam giác mạch, mình vô cùng bất ngờ trước cảnh cả người miền xuôi lẫn người miền cao đều đứng trên sân khấu, nhảy trong thứ âm thanh xập xình, ầm ĩ của nhạc sàn, nhạc nhảy".

Hà Giang từ lâu nay vẫn là điểm đến thú vị của khách du lịch trong và ngoài nước. Nhà văn trẻ Hạnh My, tác giả cuốn "Hẹn nhau mùa tam giác mạch" cũng có tình cảm đặc biệt với Hà Giang. Bởi vậy, cô đã khá hụt hẫng khi chứng kiến những đổi thay của mảnh đất này.

{keywords}

Cuốn sách “Hẹn nhau mùa hoa tam giác mạch” trong buổi ra mắt 

Chào My, lời đầu tiên xin được chúc mừng bạn đã có buổi ra mắt thành công cuốn tản văn “Hẹn nhau mùa tam giác mạch”. Hiện giờ tâm trạng của bạn như thế nào?

- My thực sự vui khi biết cuốn sách của mình được bạn đọc đón nhận. My cũng rất háo hức muốn biết cảm nhận của bạn đọc khi đọc cuốn tản văn về Tây Bắc và xê dịch này. Vui hơn nữa khi biết ngay sau buổi ra mắt sách, số lượng sách bán được đã hơn 2/3 sách in ra.

Để viết ra được những dòng cảm xúc sâu lắng và giàu tình thương như thế, chắc hẳn bạn phải yêu Hà Giang lắm. Bạn có thể chia sẻ đôi chút về quá trình viết cuốn tản văn này?

- Cuốn sách "Hẹn nhau mùa tam giác mạch" được viết vào mùa thu năm 2013, khi đó, My thường note (ghi) lại cảm xúc, kỉ niệm của mình vào sổ tay sau mỗi chuyến đi. 

Càng đi, My càng thấy mong mỏi được viết một cuốn sách về Tây Bắc, để vơi bớt nhớ thương trong mình, để chia sẻ với nhiều người về những miền đất xa xôi của Tổ quốc nhưng vô cùng đẹp, vô cùng "tình". 

Để rồi, My lặng lẽ viết thật nhiều, trải lòng thật nhiều, viết để thấy mình thật "giàu có" trải nghiệm, "giàu có" kỉ niệm. 

{keywords}

Hà Giang như một cô gái đẹp vừa thức giấc giữa đại ngàn

Trong những phần của cuốn sách "Hẹn nhau mùa tam giác mạch", người ta có thể bắt gặp một khung cảnh cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ cùng những con người miền biên thùy đôn hậu. Vậy bạn tâm đắc với phần nào nhất trong cuốn sách này?

- Cuốn sách có hai phần. Phần 1 mình mượn lời thơ của Chế Lan Viên: "Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn" và phần 2: "Cảm xúc xê dịch".

Đối với My, hai phần viết này My đều đặt nhiều tình cảm và trải nghiệm vào. Khi viết về Tây Bắc, đó là xúc cảm nhớ thương, khao khát được trở về, là những trải nghiệm đáng nhớ về cảnh đẹp, con người, món ăn. 

Khi viết về cảm xúc xê dịch, My thể hiện một cái tôi tha thiết được đi, được khát khao được khám phá cuộc sống tươi đẹp và thú vị này. Và đặc biệt dành tình cảm đến từng người anh, người chị, người bạn đồng hành đã cùng My đi qua những tháng ngày tuổi trẻ thật nhiều trải nghiệm.

Như bạn chia sẻ trong buổi ra mắt sách, Hà Giang hiện thay đổi từng ngày và có nhiều nơi đã bị thương mại hóa. Là một người có tình cảm sâu nặng với nơi này, bạn suy nghĩ thế nào về điều đó?

- Thực sự là có. Cảm xúc đổi thay đó là hụt hẫng, tiếc nuối và lo lắng. Mình biết rằng, một phần nào đó cuộc sống của người vùng cao sẽ tốt hơn, khấm khá hơn nhưng mình không muốn đánh mất những nét đẹp hồn hậu, chân nguyên chỉ vì phát triển du lịch không đúng cách. 

Lần gần nhất mình đến Hà Giang, giữa đêm hội hoa Tam giác mạch, mình vô cùng bất ngờ trước cảnh cả người miền xuôi lẫn người miền cao đều đứng trên sân khấu, nhảy nhót trong thứ âm thanh xập xình, ầm ĩ của nhạc sàn. Mình đã buồn khi thấy mọi thứ thay đổi nhanh đến thế.

Câu chuyện tiếp nữa khiến mình cũn hụt hẫng nhiều, đó là dự án làm thang máy trên Đồn Cao. Bạn nghe điều này có thấy bất ngờ không? Đồn Cao vốn là một điểm ngắm nguyên sơ và vô cùng ấn tượng. Vậy mà nơi đây chuẩn bị làm thang máy, thu tiền khách du lịch, làm quán cafe, nhà hàng.

{keywords}

Nữ tác giả Hạnh My

Hiện sách về du ký, du lịch của người Việt viết cho riêng Việt Nam không có nhiều, bạn có hy vọng cuốn tản văn của mình sẽ góp phần gì đó để tạo nên dòng sách du ký cho riêng Tổ quốc mình không?

- Một thực trạng dễ thấy bây giờ là người Việt đi du lịch nước ngoài và viết sách về du lịch nước ngoài rất nhiều. Nhưng sách du lịch VIệt Nam lại vô cùng ít. Thậm chí nhiều khách nước ngoài viết về Việt Nam. 

Vậy tại sao chính người Việt chúng ta không khám phá thật sâu thật rộng mảnh đất quê hương của mình và bằng ngòi bút để viết những cuốn sách hữu ích về du lịch Việt Nam? Mình luôn trăn trở như vậy.

Được biết My đang tham gia một dự án sách có tên là “Bốn mùa phiêu du”, liệu My có thể bật mí đôi chút về dự án này không?

Đây là một dự án dài hơi mà My tiếp tục kết hợp cùng nhiếp ảnh gia Hachi8. Bộ sách này gồm 4 cuốn, gói gọn những địa danh, đặc trưng thú vị mà dân du lịch thường khám phá, như là: Những đỉnh núi cao, mùa hoa, mùa lúa, các cao nguyên... 

Ở bộ sách này, My và Hachi8 sẽ nhấn mạnh yếu tố truyền cảm hứng đến người đọc. Có cảm hứng rồi bạn mới dễ dàng quyết định lên đường để trải nghiệm trọn vẹn phải không? 

Ngoài ra, các thông tin hữu ích về chuyến đi cũng được truyền tải cô đọng và ngắn gọn. Sách kèm những bức ảnh về thiên nhiên vô cùng ấn tượng và nghệ thuật.

Hi vọng với bộ sách này, bạn đọc sẽ cảm thấy Việt Nam đẹp đến thế, nhiều điểm mình chưa đến như vậy, để khát khao khám phá đất Việt bằng tâm thế của một người yêu thiên nhiên, yêu du lịch và luôn du lịch có ý thức.

Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!

Ảnh: FBNV

Huy Tùng