Carrie ước rằng cô chưa từng sinh con. Lúc đầu, cô cũng trải qua một vài năm cảm thấy hài lòng với vai trò làm mẹ, nhưng bây giờ, cô khoá mình trong bếp và tự hỏi: “Tôi là ai? Tôi đang làm gì ở đây?”. Carrie không thể tiếp tục công việc trước kia vì phải chăm sóc 2 đứa con - 12 tuổi và 10 tuổi, trong đó có 1 đứa mắc chứng tự kỷ.

Carrie ước rằng có một ngày được đến thăm bạn mình ở Hawaii và không bao giờ quay trở lại. Tất nhiên, cô mong muốn được giấu tên khi nói như vậy. Nhưng cảm giác hối tiếc của các bậc cha mẹ hoá ra cũng không phải là hiếm gặp.

Trong một cuộc thăm dò của Gallup năm 2013, khi các bậc cha mẹ Mỹ trên 45 tuổi được hỏi rằng họ sẽ đẻ bao nhiêu đứa con nếu được phép làm lại. Khoảng 7% cho biết họ sẽ không sinh con nữa. Ở Đức, 8% các ông bố bà mẹ “hoàn toàn đồng ý” với tuyên bố rằng họ sẽ không có con nếu cho lựa chọn lại (và 11% đồng ý “phần nào”).

Còn ở Anh, khảo sát công bố vào tháng 6 năm 2021 cho thấy, 8% phụ huynh nói rằng họ hối tiếc vì có con.

Trong 2 nghiên cứu gần đây của giáo sư tâm lý học Konrad Piotrowski tại Đại học SWPS, tỷ lệ hối tiếc của các bậc cha mẹ ở Ba Lan vào khoảng 11% - 14%, không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ. Tóm lại, các khảo sát cho thấy rằng hàng triệu người đã hối tiếc vì có con.

Kara Hoppe, một nhà trị liệu tâm lý gia đình và là đồng tác giả của Baby Bomb (cuốn sách hướng dẫn cách làm cha mẹ lần đầu) nói rằng, về mặt phát triển, trẻ em có thể coi việc thiếu quan tâm từ cha mẹ là một thất bại của bản nhân.

Mặc dù các nghiên cứu của Piotrowski và các cuộc khảo sát đều không trực tiếp hỏi cha mẹ điều gì đã gây ra những cảm giác này, nhưng các chuyên gia tin rằng có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự hối tiếc của cha mẹ vì đã sinh con.

{keywords}
 

Một là họ bị kiệt sức.

Cha mẹ có thể hết lòng vì con cái, nhưng họ cảm thấy kiệt sức và không được hỗ trợ đầy đủ. Giống như Carrie - người có con mắc chứng tự kỷ, một số cha mẹ từng cảm thấy mình chăm sóc con tốt nhưng cuối cùng lại phải đối mặt với những tình trạng không mong muốn.

Isabelle Roskam, một học giả nổi tiếng về tình trạng kiệt sức của cha mẹ tại Đại học Catholique de Louvain của Bỉ, cũng là một bác sĩ đã nói rằng, trong trường hợp này, “họ hối hận khi có con, bởi vì họ thấy mình không thể trở thành những cha mẹ hoàn hảo”.

Một trong những nghiên cứu của Piotrowski cho thấy, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo có nhiều khả năng gặp khó khăn khi trở thành cha mẹ. Họ sẽ làm hết mình trong vai trò phụ huynh và rồi cảm thấy hối tiếc. Ông cũng nhận thấy rằng các yếu tố như: căng thẳng tài chính, làm cha mẹ đơn thân và có tuổi thơ bị lạm dụng cũng có thể góp phần vào sự hối tiếc này. Nhưng về cơ bản, Piotrowski kết luận rằng khi khoảng cách giữa nguồn lực hiện tại và nhu cầu chăm sóc con cái ngày càng lớn, thì tỷ lệ hối tiếc sẽ càng tăng lên. 

Không có gì đáng ngạc nhiên khi sự kiệt sức của cha mẹ đã tăng lên đáng kể trong đại dịch.

Theo dữ liệu chưa được công bố từ nhóm Hedwig van Bakel, giáo sư khoa học hành vi tại Đại học Tilburg, Hà Lan, ước tính tỷ lệ kiệt sức của cha mẹ trên toàn cầu vào năm 2020 là 4,9% (gần gấp đôi tỷ lệ 2,7% vào năm 2018 và 2019). Nguyên nhân là do cha mẹ phải dành nhiều thời gian hơn để ở nhà trong thời kỳ giãn cách và phải dành nhiều thời gian hơn cho bọn trẻ.

Nghiên cứu của Piotrowski cho thấy những phụ huynh kiệt sức có thể dễ trở nên bỏ bê hoặc bạo lực với con cái và như một hệ quả, những đứa trẻ sẽ có nhiều nguy cơ gặp các triệu chứng trầm cảm, lo lắng.

Một lý do quan trọng khác dẫn đến sự hối tiếc của cha mẹ là ngay từ đầu họ đã không muốn có con.

Mary là một bà mẹ 2 con ở Nam Dakota, Mỹ. Vào năm 2014, cô mang thai ngoài ý muốn nhưng sau đó thai bị chết lưu. Chỉ để chứng minh rằng mình có thể mang thai bình thường, Mary lại mang bầu. Cô nói: “Tôi để hormone, cảm xúc và chấn thương đánh lừa”. Khi con trai đầu lòng được 9 tháng, cô lại mang thai ngoài ý muốn một lần nữa.

“Tôi ghét điều đó”, Mary nói. “Tôi chỉ đơn giản là không thích trẻ con”. Cô đọc sách cho con nghe, nấu ăn cho chúng và thường nuôi dạy con theo sách. Nhưng Mary cũng nghĩ rằng mình sẽ làm được nhiều thứ hơn nếu không có con vào thời điểm đó. Bây giờ, cô đếm ngược từng ngày cho đến khi chúng trưởng thành và độc lập. Bác sĩ trị liệu của Mary không cho rằng đây là chứng trầm cảm sau sinh. Sự hối hận của cô không chỉ là một giai đoạn ngắn.

Orna Donath, một nhà xã hội học người Israel và là tác giả của cuốn “Hối hận về tình mẫu tử: Một nghiên cứu” (Regretting Motherhood: A Study), khi phỏng vấn 10 người cha hối hận vì có con thì 8 người nói rằng lý do có con là vì vợ.

Một số bà mẹ thì cho biết, mặc dù được chồng hỗ trợ chăm sóc con cái và có nguồn tài chính đủ để nuôi dạy chúng nhưng vẫn cảm thấy gánh nặng “luôn hiện hữu”.

Một số người chỉ đơn giản là không muốn nuôi dạy con cái, và hậu quả là con họ phải chịu thiệt thòi. Nhưng có lẽ sẽ ít bậc cha mẹ hối hận hơn nếu xã hội không làm cho việc nuôi dạy con cái trở nên khó khăn như vậy. Sự hối tiếc của cha mẹ có thể được giảm bớt nếu họ được phép quyết định có sinh đứa bé hay không, cũng như được giúp đỡ khi đối mặt với tình trạng kiệt sức. Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến chăm sóc con cái, lịch làm việc, sự chênh lệch lương giữa 2 giới và thăng tiến cũng phải được điều chỉnh.

Người ta hay nói với phụ nữ rằng những năm đầu làm mẹ rất khó khăn, nhưng rồi ai cũng sẽ thích nghi một cách tự nhiên. Nhưng khi mọi thứ không như ý, thì họ bị coi ích kỷ, hư hỏng hoặc cả hai. Phụ nữ nên được cảm thông nhiều hơn.

Sau khi nói chuyện với Mary, cô ấy đã gửi cho chúng tôi một email. “Tôi đã khóc 1 giờ sau khi cúp điện thoại”, cô viết. “Tôi không nhận ra mình cần sự đồng cảm đến mức nào cho tới khi thực sự biết rằng có những bà mẹ khác cũng cảm thấy như vậy”.

Đăng Dương (Theo The Atlantic)

Vợ chồng trẻ ở Singapore ngày càng lười sinh con

Vợ chồng trẻ ở Singapore ngày càng lười sinh con

Khi Leon Chia và vợ kết hôn ở tuổi 25, những câu hỏi từ bạn bè và người thân về kế hoạch sinh con của họ bắt đầu xuất hiện. 17 năm sau, họ vẫn bị hỏi điều tương tự.