Tôi có thằng bạn nối khố nhà ngay phía đối diện. Những ngày nghỉ nó thường cùng tôi đứng thơ thẩn trước cửa nhà nhìn dòng người qua lại rồi tán chuyện lăng nhăng. Hồi đó 2 thằng đang học lớp 9 trường Chu Văn An (Hà Nội).

Tôi gọi bố mẹ là cậu, mợ. Bạn bè tôi - bạn cùng phố hay bạn cùng học đến nhà chơi cũng gọi bố mẹ tôi là cậu, mợ xưng con nên bố mẹ tôi vốn đã đông con lại thêm đông đàn, đầy lũ.

{keywords}
Bố của tác giả

Bố tôi cao, to, vạm vỡ, tính phổi bò, lởi xởi, thân thiện nên ai cũng quý nhất là bọn trẻ. Buổi sáng đó, thấy tôi và thằng bạn đang rôm rả, ông cũng vào góp chuyện. Loanh quanh thế nào chúng tôi lại bàn về đề tài tình và tiền. Trong hai cái đó cái nào quan trọng hơn, cái nào là cái quyết định?

Tôi là loại ngoan hiền từ bé. Mấy đứa ngoan hiền bao giờ cũng thế, sách vở máy móc. Nếu có đi bộ thì suốt đời cứ theo lề phải mà đi, cấm bao giờ dám đi xuống lòng đường hay chạy sang đi bên lề trái. Nên tôi cứ khăng khăng tình quan trọng hơn tiền, tình mới là thứ quyết định.

Bố tôi và thằng bạn cùng một phe khẳng định điều ngược lại. Cãi nhau miên man chả phân thắng bại, cuối cùng bố tôi đưa ra một ví dụ: Bây giờ bố ốm thập tử nhất sinh, con có tiền tìm thầy, tìm thuốc chữa bệnh cho bố tốt hơn hay thương bố nhưng không có tiền chỉ ôm khóc, than thở nhìn bố chết trong vòng tay bất lực?

Nghe đến đấy tôi tịt ngay. Không phải vì đuối lý mà vì không bao giờ tôi nghĩ đến cảnh đó - cảnh ôm bố vào lòng mà không thể cứu. Đang lúc ngậm ngùi thì may có bà bán rau từ phía ngoại thành bước tới đon đả mời chào: Bác mua rau mở hàng cho em. Rau em vừa hái trong vườn nhà, tươi và non búng ra đây này.

Vừa nói bà vừa đặt trước mặt bố tôi gánh rau muống. Những ngọn rau xanh ngồng, nõn nà còn ong õng nước.

Bố bảo tôi nhặt 2 bó rồi rút tờ 5 đồng trong túi áo ra trả tiền rau. Bà bán rau vừa nhìn thấy đồng tiền đã giãy nảy như đỉa phải vôi: Mới sáng ra, chưa mở hàng bác đã đưa đồng tiền to thế, em lấy đâu tiền trả lại. Vừa nói bà vừa móc túi lôi ra đám bạc lẻ chưa đủ 1 đồng.

Vậy bà cứ đi bán hàng đi, cuối buổi về đây lấy tiền cũng được. Nhà tôi ở đây chả chạy được. Nghe bố tôi nói thế, bà hàng rau còn giãy nảy hơn cả lúc ban nãy. Giọng bà phân trần: Ô, vậy ra bán chịu cho bác à? Mở hàng thế xúi quẩy lắm. Hay bác để em cầm đồng tiền này của bác, bán xong em quay lại trả. Nhìn bác lởi xởi thế chắc tốt vía. Nhờ vía bác chắc bán ù một cái hết gánh rau, em quay lại trả tiền bác ngay.

Bố tôi gạt đi: Bà cầm của tôi cả đống tiền. Bà không quay lại trả tôi lên chùa con chim tìm bà à?

Thằng bạn tôi đứng cạnh cũng vào hùa bảo đúng rồi, đúng rồi, làm bà hàng rau nghẹn ngào: Em từng này tuổi đầu rồi, có gian dối trời không cho nuôi con. Chưa kể ngày nào em cũng đi qua con đường này. Có đường nào khác để đi đâu. Vì mấy đồng của bác chẳng lẽ em bỏ nghề?

Nghe người đàn bà lam lũ, quê mùa kể lể, thề thốt cũng ái ngại. Tôi can thiệp: Thôi cậu cứ đưa tiền để bà ấy đi đi. Người ta đã nói đến thế, chưa kể nhìn mặt mũi bà cũng tử tế, phúc hậu. Đời nào người ta lừa mình.

Bố nhìn tôi một lúc, rồi quay sang bà hàng rau: Tại thằng con tôi nó tin bà nên tôi để bà đi. Nó cũng chỉ bằng tuổi con bà, bà làm gì thì làm đừng làm mất lòng tin nơi con trẻ.

Bà hàng rau hớn hở quẩy gánh, còn tôi cũng nhẹ lòng như vừa làm được việc tốt.

Cả chiều hôm đó tôi thi thoảng ra cửa hóng bà hàng rau mà chẳng thấy bà trở lại. Bố tôi vẫn điềm nhiên ngồi chữa đồng hồ. Đến tận tối mịt cũng chẳng thấy bà bán rau đâu, tôi lo lắng hỏi bố: Có khi nào bà ấy bị làm sao mà không trở về được không? Bố tôi thản nhiên: Bà ấy chẳng bị làm sao đâu con trai ạ. Đồng tiền to quá làm bà ấy mờ mắt thôi. Cậu cũng biết là bà ấy sẽ không quay trở lại nhưng muốn để con có bài học. Ở đời này đừng quá tin người và đừng quá lụy tình. Nhất là đàn ông.

Bài học ngày ấy bố dạy tôi từ một câu chuyện thực tế vậy mà chẳng làm tôi thấm thía. Bởi vì tôi còn nhìn thấy sau này nhiều thực tế hơn rằng bố mình mới đích thị là người đàn ông cả tin và lụy tình hơn bất cứ người đàn ông nào trên đời. Cả tin và lụy tình tận đến lúc chết.

Còn tôi, thằng con trai của ông cũng thế, giống bố ở sự tin người và lụy tình. Cũng may trong cuộc đời này tôi được yêu thương nhiều hơn bị phụ bạc. Đặc biệt chẳng bao giờ bị lừa tiền. Có đồng nào tiêu sạch đồng ấy, nhất là với người mình yêu thương, còn tiền đâu nữa mà lừa với lọc.

Có nhiều người bố đồng thời cũng là người thầy của con vì ngoài công sinh thành còn cho con cả kiến thức lẫn sự từng trải. Bố tôi cũng từng dạy tôi nhưng chưa bao giờ tôi xem ông là thầy. Vì những lời ông nói chưa chắc đã đúng, có đúng chưa chắc ông đã thực hiện, nhưng những tình cảm, sự hy sinh của ông dành cho con cái, đặc biệt cho tôi, luôn đúng và thật nhất trong cuộc đời này.

Vì thế, cho đến cùng, cậu cũng mãi chỉ là bố của con thôi cho dù bao năm bố con mình xa cách chân trời, góc biển, âm dương cách trở. Con vẫn luôn nhớ đến cậu nhất là trong ngày giỗ và cậu thi thoảng vẫn trở về bên con trong những giấc mơ lúc rõ ràng, khi mờ mịt.

Hùng Lý

Mời độc giả gửi bài viết chủ đề "Cha mẹ trong tim tôi" về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng trên VietNamNet. Trân trọng!

Bố tôi trai làng chính hiệu, mê quyền anh, chơi thể thao như diễn xiếc

Bố tôi trai làng chính hiệu, mê quyền anh, chơi thể thao như diễn xiếc

Có một lần, thanh niên tụ tập ở nhà tôi rất đông. Bố tôi đề xuất chơi trò thể thao, ông muốn kiểm tra sức khoẻ đám trai làng. Rốt cuộc, hơn chục chàng trai lần lượt vào thử đều phải chấp nhận thua cuộc.