- “Trong lúc trông nồi bánh, chúng tôi hát đủ bài, chơi đủ trò rồi ngủ quên lúc nào không biết. Thấy nồi bánh cháy khét, bố tôi giận lắm…”.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ông Lê Văn Sinh (SN 1949), Tổ trưởng tổ 5, phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, cho biết, Tết xưa ở Hà Nội có những hương vị rất đặc biệt.

Nhà ông là gia đình cán bộ nên được phân phối thực phẩm, nhu yếu phẩm theo chế độ tem, phiếu.

“Cũng như nhiều gia đình khác, giáp Tết gia đình tôi phải xếp hàng để nhận gạo nếp, mì chính, chè, miến... tất cả đều rất hạn chế. Để nấu được nồi bánh chưng có khi 2 - 3 nhà phải góp chung nguyên liệu nấu chung mới đủ. Nếu chưa xong nồi bánh thì nhà nào cũng nóng ruột chưa yên".

{keywords}
Gia đình ông Sinh ở phố Tràng Tiền hàng chục năm nay

Người ta đến chơi nhà thay vì hỏi sức khỏe, tiền tài thì hỏi thăm nhau: "Năm nay nhà bác gói nhiều bánh không?". Nhiều bánh, bánh chưng dền, nhiều nhân, gạo nếp dẻo thơm... chứng tỏ nhà đó ăn Tết ngon và no đủ.

Ông kể tiếp: "Ngày xưa không có tủ lạnh để bảo quản nên các nhà đều phải nghĩ cách để bánh không thiu, mốc, giữ được đến ra giêng.

Để làm được như thế, khi bánh vừa ra khỏi nồi, bố tôi đã yêu cầu các con phải xếp bánh thật vuông vắn. Sau đó chúng tôi đặt lên phía trên một tấm gỗ.

Bố tôi sai các con múc nước đổ đầy một cái thùng, rồi bố con xúm xít bê cái thùng ấy để lên trên tấm gỗ. Do thùng nặng nên nước từ bánh bị ép chảy ra rất nhiều. Bánh khô, nếp chặt sẽ khó thiu, khó mốc và giữ được hương vị đến tận mùng 10".

Tương tự, ông Bùi Phương (SN 1952, Hàng Khay, Hoàn Kiếm) cũng kể: "Hôm gói bánh, từ mờ sáng, mẹ tôi đã đãi gạo nếp và đỗ xanh. Chị cả thái, ướp thịt và chuẩn bị hành. Chị thứ hai được phân công lau lá dong còn bố tôi thì chẻ lạt, chuẩn bị củi đốt.

Tôi chỉ thích nhất lúc bố gói xong bánh, còn thừa ít gạo nếp ông ưu ái gói cho con út chiếc bánh bé xíu làm phần riêng.

Sau khi xong, bố tôi xếp bánh vào nồi, cho vào bếp những thanh củi to nhất, đượm nhất rồi nổi lửa". 

Bánh chưng phải luộc từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau bởi các cụ xưa dặn phải luộc đủ lửa bánh mới dền, không bị lại gạo. Ông cho biết thêm: "Đêm luộc bánh chưng, nhà tôi phân công nhau thức để canh nồi bánh. Một lần, ngủ quên mà tôi đã gây ra tội 'tày đình' để nhớ mãi đến giờ.

{keywords}
Ép bánh chưng sau khi luộc. Ảnh: Giáo dục Việt Nam

Lần đó hai anh em tôi nằng nặc xin bố được canh nồi bánh. Dù không tin tưởng chúng tôi có thể thức được nhưng vì quá mệt sau một ngày làm đủ thứ việc, bố tôi đành đi ngủ. Hai anh em rất háo hức ngồi trông. Chúng tôi hát đủ bài, chơi đủ trò rồi ngủ quên lúc nào không biết.

Khi nước trong nồi cạn, bánh chưng bị cháy bốc mùi khét bố tôi mới giật mình tỉnh dậy, chạy xuống kiểm tra. Thấy chúng tôi ngủ lăn lóc trên chiếu trước bếp ông giận lắm. Bố tôi đã phải vớt bánh ra, bỏ đi những chiếc cháy ở đáy nồi. 

Những chiếc phía trên còn nguyên ông tiếp tục cho vào chiếc nồi khác, đổ nước và luộc tiếp. Tuy nhiên, mùi vị của những chiếc này cũng không còn thơm nữa. Vì thế nó không được đặt lên bàn thờ thắp hương cúng tổ tiên. 

Vì chuyện này chúng tôi nhận một trận đòn nhớ đời. Chúng tôi run rẩy khóc không hẳn là vì đau, mà vì vừa buồn vừa ân hận, tôi nhớ mãi đến tận giờ”.

Cũng theo ông Phương, người lớn chỉ lo nồi bánh, khoanh giò còn với trẻ con, tâm trí đã để hết trong những manh áo mới và kẹo đủ màu.

Bánh kẹo Tết được chuẩn bị từ trước đó cả tuần. Có loại mứt được phân theo chế độ nhưng số này không đủ, nhiều nhà đã phải tự làm thêm để đãi khách.

Ông nói: “Kẹo ngày đó hương vị rất đơn giản, được gói trong lớp giấy màu. Phía trong là một lớp giấy khác màu lòng trắng trứng, có thể ăn luôn được. Khi mẹ tôi mang về, bà cẩn thận cất vào trong thùng gạo và dặn chúng tôi phải đến Tết mới được ăn. Tuy vậy, chẳng đứa nào nghe lời, chị em tôi đều nhón ăn vụng một ít vì quá thèm thuồng.

Ngày Tết, trẻ con đến nhà nào cũng đều được mừng tuổi bằng kẹo. Chúng tôi ăn kẹo cả ngày, chả thiết gì ăn cơm. Mỗi lần khách đến, mẹ tôi đều mang đĩa kẹo đủ màu sắc ra mời. Khi mẹ tiễn khách ra cửa chúng tôi đã lao ra bốc ăn, mẹ lại bảo: “Chúng mày ăn ít thôi còn để tiếp khách”.

{keywords}

Ông Lê Văn Ninh và vợ trong căn nhà ở phố Tràng Tiền

Ông Lê Văn Ninh (1929, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm) cũng luôn hoài niệm về cái Tết xưa thiếu thốn nhưng đầm ấm. Việc đón Tết của gia đình ông được bắt đầu từ chiều 30.

Ông cho biết: "Nhà tôi có quy định dù đi đâu, làm gì thì chiều 30 Tết các con đều về nhà, cùng ăn một bữa cơm cuối năm. Sau đó, cả nhà ngồi uống trà, họp gia đình. Tôi tổng kết những điều năm qua đã làm được và những điều năm mới nên làm. Tôi cũng nhận xét các cháu năm nay học hành, cư xử, lối sống thế nào.... Sau buổi họp, cả gia đình tôi cùng đi dạo bờ Hồ".

“Cái gì hiếm thì mới quý, ngày xưa người ta mong đến Tết để được ăn miếng bánh chưng, miếng thịt mỡ, miếng mứt… Nhưng ngày nay, những thứ đó đã trở nên dư thừa nên sự háo hức, mong chờ cũng mất dần theo thời gian”, ông nói.

Tiền bị mối ăn, mẹ nghèo khóc ròng vì mất Tết

Tiền bị mối ăn, mẹ nghèo khóc ròng vì mất Tết

"Trước Tết nhà tôi lợp lại mái tranh, cũng là lúc mẹ tôi lấy số tiền tiết kiệm từ đây xuống. Vậy mà, bà bàng hoàng phát hiện toàn bộ tiền bị mối ăn. Năm đó nhà tôi mất Tết…", nhà văn Lê Tự chia sẻ.

Tết thời bao cấp: Đau đầu thái lá gan lợn thành 45 phần

Tết thời bao cấp: Đau đầu thái lá gan lợn thành 45 phần

“Một lá gan lợn chúng tôi phải thái thành 45 miếng để đủ cho 45 người. Thế mà Tết vẫn cứ rộn rã tiếng cười …” - nhà văn Lê Tự (SN 1955) nhớ lại cái Tết của nhiều năm về trước.

Ngày đêm bảo vệ gốc đào như củi khô, cả nhà ăn Tết vài trăm triệu

Ngày đêm bảo vệ gốc đào như củi khô, cả nhà ăn Tết vài trăm triệu

Những gốc đào có độ tuổi từ 30 đến 60 năm, bị sâu mục, tưởng chỉ còn làm củi khô nhưng dưới bàn tay chăm sóc của nghệ nhân vườn đào đào Nhật Tân, những "khúc củi" đó vẫn đâm chồi, nảy lộc thành những thế đào độc đáo...

Ngọc Trang - Vũ Lụa